Câu chuyện của những 'ông đồ' trẻ
Thư pháp chữ quốc ngữ đang ngày càng được nhiều người trẻ yêu thích, bởi họ hiểu ý nghĩa và cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong từng con chữ...
Tại Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) có nhiều ông đồ trẻ viết thư pháp chữ quốc ngữ. Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, tại Hội chữ Xuân năm nay, số lượng các nhà thư pháp chữ quốc ngữ đã chiếm khoảng một nửa trong số 47 ông đồ, trong đó có nhiều người trẻ rất tài năng. Bên cạnh việc xin chữ Hán, chữ Nôm, nhiều người ưa thích xin chữ thư pháp quốc ngữ để treo trong nhà.
Phạm Văn Chiến có lẽ là nhà thư pháp trẻ nhất tại Hội chữ Xuân năm nay. Anh sinh năm 2002, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Từ nhỏ, anh đã thích sưu tầm sách, các loại sách về lịch sử, ca dao, tục ngữ và muốn làm một thư viện cho chính mình. “Năm học lớp 7, tôi bắt đầu luyện thư pháp. Đam mê cứ lớn dần. Thi và học trường kiến trúc cũng là mong muốn được hỗ trợ phần nào cho việc viết thư pháp. Tôi theo đuổi viết thư pháp vừa để dưỡng tâm, rèn tính, cũng để tìm thấy sự cân bằng trong nhịp sống hiện đại” - Chiến chia sẻ và cho biết, khác với nghệ thuật thư pháp chữ Hán, thư pháp chữ quốc ngữ tự do, phá cách nhiều hơn nên hợp với nhiều người trẻ.
Sau gần 10 năm theo đuổi thư pháp, anh Chiến cho biết, viết chữ Hán yêu cầu về pháp nhiều hơn, còn chữ quốc ngữ đòi hỏi sự tinh xảo. “Nhiều người cho rằng thư pháp chữ quốc ngữ dễ hơn. Tuy nhiên, để trở thành một người viết thư pháp có trình độ thì câu chuyện không chỉ nằm ở con chữ, bởi cần có sự kiên nhẫn, rèn luyện không ngừng và tính sáng tạo. Cùng với đó, phải đọc nhiều, hiểu nhiều, thì mới nâng tầm nét chữ lên nghệ thuật được. Ví như một chữ đẹp phải là khi nét có độ xước, dấu huyền thì phải có độ tinh, sắc sảo. Tùy chữ viết ra mà cần sự hài hòa, có thể là cứng cáp, cường khỏe hay mềm mại, bay bổng…” - Chiến chia sẻ và cho biết, hiện nhiều gia đình lựa chọn treo tranh thư pháp vừa là để trang trí, cũng đồng thời thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời, những triết lý nhân sinh. Nhiều người muốn treo chữ để giáo dục, cầu mong sự bình an, may mắn, an vui trong gia đạo nên chọn bức thư pháp bằng chữ quốc ngữ để dễ đọc, dễ hiểu và dễ chiêm nghiệm hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Trường Thịnh - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Việt UNESCO cho biết, thư pháp chữ quốc ngữ là thư pháp đương đại, không gò bó trong một luật lệ riêng tư nào và hệ thống nét phóng khoáng, thoải mái hơn. Xét tổng thể, thư pháp Hán khó hơn, phải đọc từ nhiều, cách dụng bút cũng phức tạp hơn, còn thư pháp chữ quốc ngữ lại giản dị, dễ hiểu. “Cũng như nghệ thuật, người vẽ cổ điển, người chọn tả thực, người thích trừu tượng, ký họa. Tuy nhiên, theo tôi, thư pháp quốc ngữ có cái hay về mặt hình, con chữ nhận diện được ngay nên được nhiều người trẻ thích” – anh Thịnh nói.
Luyện thư pháp cũng là rèn luyện sự tĩnh tại, mang đến nguồn năng lượng tốt, mọi thứ xung quanh đều hài hòa hơn và được cân bằng qua từng nét bút, từng chữ viết. Theo anh Thịnh, việc hiện nay nhiều người trẻ muốn tìm đến thư pháp, nhất là thư pháp chữ quốc ngữ là điều dễ hiểu và rất đáng mừng, bởi chữ nghĩa cũng để các bạn trẻ bồi đắp các kiến thức về văn chương, thơ phú. “Về nhân sinh quan, khi tiếp chạm vào một môn nghệ thuật thì dường như nó sẽ tới cảm xúc nhất định, khai mở cách nhìn, nhận thức sâu sắc hơn. Cuộc sống hiện tại nhiều xô bồ, sống nhanh, ảnh hưởng bởi công nghệ... thì thư pháp giúp ta sống chậm hơn, sâu sắc hơn, thấu hiểu hơn, sẻ chia nhiều hơn. Qua từng nét chữ, tôi muốn truyền tải nguồn năng lượng đó đến với nhiều người” - anh Thịnh chia sẻ.
Hỏi về một bức thư pháp đẹp, anh Thịnh cho biết, về nghệ thuật rất phong phú, nói về tiêu chuẩn sẽ là hơi khó, tuy nhiên để đạt một tác phẩm thư pháp đẹp, đòi hỏi cơ bản về hội họa, bố cục, đường nét ngay ngắn, chỉn chu. Qua từng nét bút, mỗi “ông đồ” sẽ gửi gắm vào đó thông điệp cuộc sống cùng sự thăng hoa nghệ thuật để mỗi bức thư pháp vừa tinh tế bởi thần thái bên ngoài và ý nghĩa từ cốt lõi bên trong.
Còn với Lê Thư Hoàng, đến với thư pháp vì muốn khám phá thêm chiều sâu tâm hồn cũng như hiểu hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam. Vì vậy, với anh, người cho chữ là phải luôn hướng tới sự tốt đẹp chứ không đơn thuần là cho và nhận. Ví như, nhiều bạn trẻ năm nay đến xin chữ “đỗ đạt”, đây có thể là nhu cầu hiện hữu, nhưng người cho chữ lại gửi gắm vào đó nhiều hơn thế. Đó mới là cảm xúc và tình cảm của người cho chữ.
“Để viết được những nét chữ mềm mại, bay bổng là rất khó nhưng lại rèn sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, giúp người viết chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống, của nghệ thuật, của ngôn ngữ, giúp cân bằng cuộc sống, đó là điều rất trân quý” - Lê Thư Hoàng chia sẻ.