Câu chuyện cảm động đằng sau lá thư cảm ơn gửi đồng chí Tư lệnh BĐBP

Ông Trương Tân Khoa và vợ - bà Nguyễn Thu Huyền ở thành phố Thái Nguyên vẫn luôn nghĩ đến khoảnh khắc người con gái của mình là Trương Thị Thu Hường được BĐBP Lạng Sơn giải cứu và đưa từ Trung Quốc trở về vào năm 2010. Con gái của ông bà hiện nay đã lập gia đình, sinh được 2 người con. Sau gần 15 năm, cả gia đình vẫn không ngừng nhắc đến công lao của những người lính Biên phòng và mới đây vợ chồng ông Khoa quyết định viết lá thư cảm ơn gửi đến Tư lệnh BĐBP.

Lá thư cảm ơn của vợ chồng ông Khoa gửi Trung tướng Lê Đức Thái. Ảnh: Văn Chương

Lá thư cảm ơn của vợ chồng ông Khoa gửi Trung tướng Lê Đức Thái. Ảnh: Văn Chương

Hồi ức gần 15 năm

Cuối năm 2024, khi ngồi xem chương trình thời sự trên kênh truyền hình kỹ thuật số VTC, ông Trương Tân Khoa và bà Nguyễn Thu Huyền đều giật mình khi thấy phóng sự đề cập đến việc BĐBP tìm kiếm người mất tích ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Cụm từ “BĐBP tìm kiếm người mất tích” đối với vợ chồng ông là một câu chuyện dài liên quan tới người con gái đã được BĐBP cứu giúp trở về từ nhiều năm trước. Bà Huyền và chồng xem ti vi xong thì cứ suy nghĩ miên man về vụ giải cứu xảy ra cách đây gần 15 năm. Vậy là, vợ chồng ông quyết định viết lá thư cảm ơn gửi đến Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP.

Lần tìm theo địa chỉ của người viết thư, tôi tìm về xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên. Xã Quyết Thắng là một vùng quê lúa, nhưng giờ đây, không khí công nghiệp đã len về tận xứ đồng ruộng. Người già và thanh niên không còn ra đồng lội bùn rét run, oằn vai gánh lúa. Cứ buổi sáng, thanh niên trong làng lại khoác áo công nhân, đón xe đến làm việc tại các khu công nghiệp. Người con gái của ông bà từng là nạn nhân của nạn buôn người, hiện nay đang làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử.

Vợ chồng ông Khoa đón tôi tại nhà, mời ăn bữa cơm tối với gia đình và không ngớt lời khen ngợi BĐBP. Ông Khoa tâm tình, bản thân sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1980, thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 322, Quân khu 1 và đóng quân tại tỉnh Cao Bằng. Sau gần 5 năm trong quân ngũ, ông trở về và tiếp tục học tập, trở thành giáo viên môn Vật lý, rồi lập gia đình. Cuộc sống êm ả của gia đình ông bị xáo trộn vì vào đầu tháng 9/2000, người con gái của ông đột nhiên mất tích. Ngay sau đó, ông Khoa nhận được điện thoại và con gái nói đang ở bên Trung Quốc, bị một số người lừa bán và hiện nay đang ở một quán ăn giáp biên giới, có nhiều người Việt Nam là lái xe chở dưa hấu. Nghe thông tin, vợ chồng ông như phát điên. Vợ ông khóc lóc khản cả tiếng, bố ông hối thúc ông đi trình báo công an ngay lập tức.

Bà Huyền kể, hai vợ chồng báo cho công an địa phương, song do quá lo lắng, sốt ruột về tình hình của con gái, nên ngay sau đó, vợ chồng ông đã đi xe máy vượt 200km lên biên giới để cầu cứu BĐBP giúp đỡ. Ông Khoa kể, vừa đi, vừa hỏi đường trong mưa gió tầm tã, khi tới Lạng Sơn thì vợ chồng ông vào ngay Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tân Thanh, Đồn Biên phòng Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn với tấm ảnh cô con gái và một túi hồ sơ có đầy đủ giấy khai sinh, hộ khẩu. Bà Huyền mừng rỡ khi nghe người sĩ quan Biên phòng khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để sớm giải cứu cháu trở về với gia đình”.

Ân nhân Biên phòng

Bà Huyền kể, Thượng úy Dương Văn Thắng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hữu Nghị (hiện nay là Trung tá, Trưởng ban Điều tra hình sự, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Lạng Sơn) an ủi vợ chồng ông là rồi mọi việc sẽ ổn, vì cháu vẫn mượn được điện thoại của những người Việt Nam chở dưa sang Trung Quốc để báo tin. Đại úy Ninh Văn Bình, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tân Thanh thì động viên: “Đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng của Trung Quốc để điều tra, giải cứu cháu sớm nhất có thể”.

Vợ chồng ông Khoa và bà Huyền kể lại câu chuyện cũ với phóng viên Báo Biên phòng. Ảnh: Văn Chương

Vợ chồng ông Khoa và bà Huyền kể lại câu chuyện cũ với phóng viên Báo Biên phòng. Ảnh: Văn Chương

Vợ chồng ông Khoa cảm thấy yên tâm vì thấy việc chỉ đạo diễn ra rất gấp gáp. Hai cán bộ Biên phòng giải thích với ông bà: “Đơn vị xác minh là cháu bị bán sang Trung Quốc, nhưng hiện ở địa bàn gần khu vực biên giới, tại một quán cơm”.

Bà Huyền mừng tới mức bật khóc. Cả hai vợ chồng được cán bộ Biên phòng hỗ trợ tới nhà nghỉ và tiếp tục chờ đợi. Bà Huyền nhớ lại, dáng người vội vã của anh Thắng và ánh mắt lo lắng của anh là ấn tượng bà không bao giờ quên, dù anh em bận rộn với công việc, nhưng vụ việc giải cứu con gái của ông bà đã được mọi người đặt lên hàng đầu. Khi vào nhà nghỉ, anh Thắng tiếp tục thông báo, Công an Trung Quốc ở Pò Chài đưa nạn nhân về đồn, vì cháu là nữ nên sẽ được chăm sóc và bảo vệ chu đáo.

Vào những ngày đó, tại quê nhà ở Thái Nguyên, cụ Trương Văn Khuê, sinh năm 1933, là ông nội của nạn nhân ngồi ở nhà và ngày nào cũng mong có tin từ biên giới gọi về. Khi nghe tin cháu đã được BĐBP Việt Nam phối hợp với Công an Trung Quốc cứu giúp thì cụ cảm thấy bớt lo lắng, bất an. Cụ Khuê từng là lính vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, sau đó bị bắt và trở thành tù binh ở nhà giam ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Giờ gặp lại, cụ vẫn nói: “BĐBP đã hết lòng cứu giúp nên cháu gái tôi mới an toàn trở về. Chân thành cảm ơn các đồng chí, gia đình tôi xin gửi lời hỏi thăm tới đồng chí Tư lệnh BĐBP”.

Cuộc sống mới

Bà Huyền kể, vụ giải cứu được tiến hành rất nhanh và sau khi con gái trở về, trở thành nhân chứng của vụ án. Căn cứ vào lời khai của cháu, công an địa phương đã khởi tố vụ án hình sự. Mọi người ngạc nhiên vì có một nhóm đối tượng là người ở ngay địa phương đã cấu kết thành nhóm, lợi dụng cháu Hường đi dự sinh nhật và đánh thuốc mê rồi chở ra biên giới để bán. Sau khi bán chính đồng hương của mình, các đối tượng này ung dung trở về và bàn mưu tính kế để tiếp tục tìm kiếm cô gái khác tại địa phương.

Phóng viên Báo Biên phòng đến thăm gia đình ông Khoa và được biết, dù sự việc đã diễn ra gần 15 năm, nhưng ngày nào nhìn con, vợ chồng ông Khoa cũng nói: “Nếu không có BĐBP cứu giúp thì gia đình đã tan nát hết rồi”. Sau bữa cơm gia đình trong không khí ấm áp, vợ ông đề nghị tôi cố nán lại để gặp mặt cháu Hường, nghe cháu kể chuyện, vì cháu đi làm tăng ca, 21 giờ mới về nhà.

Cô gái là nạn nhân từng được BĐBP giải cứu trở về với vẻ mặt vội vã và phấn khởi. Khi nhìn thấy bộ quân phục lính Biên phòng, cô reo lên vui mừng và nói: “Nếu ngày đó không có các anh thì bây giờ không biết thân phận em như thế nào”. Cô cũng vui vẻ giới thiệu người chồng của mình và cho biết không ngại khi công khai chuyện này, vì ngày đó, khi vừa bị bán sang Trung Quốc thì đã được BĐBP giải cứu ngay.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cau-chuyen-cam-dong-dang-sau-la-thu-cam-on-gui-dong-chi-tu-lenh-bdbp-post486731.html
Zalo