Cậu bé ung thư ở TP.HCM và chiếc mặt nạ xạ trị Người nhện
Nằm một mình trong phòng xạ trị với tiếng rẹt rẹt liên hồi, Hoàng nhắm nghiền mắt dưới chiếc mặt nạ hình Người nhện.
Nằm một mình trong phòng xạ trị với tiếng rẹt rẹt liên hồi, cậu bé 6 tuổi nhắm nghiền mắt dưới chiếc mặt nạ hình người nhện.
- ...Người nhện - Cậu bé trả lời giọng lí nhí.
Sau cuộc trò chuyện ngắn, suốt giờ nghỉ trưa hôm ấy, các bác sĩ và điều dưỡng của hoa Xạ trị Tổng quát, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cặm cụi vẽ ra chiếc mặt nạ xạ trị "độc nhất vô nhị" cho cậu bé 6 tuổi.
Chiếc mặt nạ xạ trị đặc biệt
Trịnh Huy Hoàng năm nay 6 tuổi, cậu bé vừa trải qua qua phẫu thuật cắt bỏ u ở bán cầu não trái và phải tiếp tục hóa trị, xạ trị ở vị trí khối u.
Ngày đầu lên khoa Xạ trị Tổng quát, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức), Huy Hoàng bẽn lẽn, núp sau áo mẹ. Từ lúc phẫu thuật xong, cậu bé nhút nhát hơn hẳn.
"Muốn xạ trị thì phải làm mặt nạ cố định nhé, ba mẹ Hoàng", bác sĩ Mỹ Hà nói.
Chiếc mặt nạ bằng nhựa được mô phỏng kích cỡ vùng đầu của cậu bé để cố định trên máy, cho tia xạ chiếu vào vị trí cần và bảo vệ các cơ quan lành lân cận.
Nhưng quá trình mô phỏng làm mặt nạ không suôn sẻ. Hoàng luôn hoảng sợ, liên tục khóc vì chiếc mặt nạ quá nóng.
Suốt cả buổi sáng, 2 bác sĩ, 4 kỹ thuật viên và ba mẹ động viên Hoàng liên tục. Cuối cùng, cậu bé cũng chấp nhận khi chiếc mặt nạ được vẽ đúng hình ảnh nhân vật yêu thích - Người nhện.
Theo lời mẹ Hoàng, đó là điều "rất may mắn" vì nếu mặt nạ bị hỏng thì phải đóng thêm tiền để làm cái khác.
Mỗi khi kể về Hoàng, mẹ cậu bé, chị Lưu Bích Hài (32 tuổi, TP Dĩ An, Bình Dương) luôn nhắc đến "ngày còn khỏe". Gia đình công nhân 4 người, sống chật vật giữa thành phố nhưng căn phòng nhỏ luôn rộn tiếng cười. Niềm vui lớn nhất đó là 2 đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh từng ngày.
Nhưng 4 tháng vừa qua như cơn ác mộng, những tin tức xấu về sức khỏe của Hoàng ập đến liên tục, đánh gục gia đình nhỏ.
Buổi xạ trị đầu tiên, Hoàng vẫn vậy, núp sau ba mẹ, đeo khẩu trang, đội nón để che đi chiếc đầu trọc với vết sẹo dài.
Bác sĩ Mỹ Hà, bố của Hoàng cùng các kỹ thuật viên đưa cậu bé vào trong phòng xạ trị. Nằm lên máy, người cậu bé co lại vì sợ. Bố đứng bên cạnh, động viên cậu bé thả lỏng, ngửa cằm lên để vừa với khuôn mặt nạ.
Trong phòng xạ trị, chiếc mặt nạ Người nhện cố định đầu cậu bé trên máy. Trong khoảng 10 phút, tiếng máy kêu rè rè, xoay vòng vòng, Hoàng nằm ngoan, không cử động, mắt nhắm nghiền.
Trước mắt Hoàng sẽ là 32 buổi tiếp tục như thế.
Hoàng có 2 thứ thích nhất là đó là Người nhện và khủng long. Mỗi lần vào viện, các bác sĩ, điều dưỡng lại tìm một món gì đó có Người nhện cho Hoàng. Từ ba lô, hộp bút đến gấu bông, mô hình...
Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Nguyên trưởng khoa Ung bướu Nhi - bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết Huy Hoàng sau ca phẫu thuật thì khối u đã lấy ra được gần hết. Phác đồ điều trị tiếp theo vẫn là hóa trị và xạ trị liên tục.
"Ở bất kỳ góc nào trên khoa cũng có một đống đồ chơi, gấu bông để cho mấy đứa nhỏ. Mỗi buổi biết Hoàng đến thì các bác sĩ sẽ chuẩn bị trước cái gì liên quan đến Người nhện để cho cậu bé", bác sĩ Thủy cười khi kể về Hoàng.
Ngoài điều trị về bệnh thì những bác sĩ tại khoa Ung bướu Nhi cũng cố gắng mỗi ngày để điều trị về tinh thần cho những đứa trẻ bằng mọi điều nhỏ nhặt, từ đồ chơi, trang trí, bánh kẹo.
Khối u não 7 cm
"Chỉ còn 3 ngày nữa nhận lớp 1 thì Hoàng phát hiện bệnh", chị Lưu Bích Hài nhớ lại những ngày đầu tháng 7/2024.
Hoàng có tiền sử bị sốt co giật lúc nhỏ, sức khỏe yếu, hết bệnh này đến bệnh kia nên khi thấy con mệt, chị vẫn đưa con đi khám "như mọi lần" và uống thuốc theo toa của bác sĩ.
Chỉ khi thấy một bên miệng của con trai giật liên tục, hai vợ chồng chị Hài mới đưa con xuống Bệnh viện Nhi đồng 2. Kết quả chẩn đoán u não ác tính giai đoạn 3, kích thước khối u đã 7 cm, như "cú đánh" đau điếng vào trái tim của đôi vợ chồng.
Vậy là Hoàng không kịp vào lớp 1. Cậu bé vào bệnh viện để bác sĩ phẫu thuật cắt đi khối u não.
Những ngày không ở bệnh viện, Hoàng quanh quẩn ở nhà với mẹ. Hết xem TV lại chơi đồ chơi. Sau 4 tháng, kho đồ chơi của cậu bé đã đầy ắp do các bác sĩ, điều dưỡng, người quen trong bệnh viện tặng.
Cũng từ ngày con trai bị bệnh, hai vợ chồng anh Trịnh Văn Hải và chị Lưu Bích Hài nghỉ hẳn việc công nhân, ở nhà đưa Hoàng đi chữa bệnh.
Tranh thủ lúc con khỏe, anh Hải theo người ta làm thợ hồ, chấm công theo ngày. Số tiền đôi vợ chồng tích cóp để dành cho hai con đi học cũng vơi dần sau những cơn đau và ra vào viện của Hoàng.
Ở trong nhà chán, mẹ lại đưa Hoàng ra ngoài chơi. Đợt này mẹ mới tìm ra được một chỗ chơi mới, có đầu xe lửa trưng bày ngay giữa vườn hoa.
"Ngày trước còn khỏe, Hoàng thích ra ngoài, cứ nhảy lên xe theo bố, bố chở đi đâu cũng được", chị Hài nói.
"Bên kia có đồng bọn của con kìa", Hoàng nói và chỉ vào 3 con chó đang sủa với nhau bên đường. Chị Hài bật cười. "Trước hay nói nó là con chó con của mẹ, chó con của ba nên nó nhận chó làm đồng bọn luôn", chị Hài nói.
Sức khỏe yếu do đang xạ trị nên Hoàng không vận động mạnh được, cũng chẳng thể chạy nhảy. Chị Hài dắt tay con trai đi dạo và trả lời những câu hỏi vu vơ của cậu bé.
"Ngày còn khỏe, hai ba con nó bày đủ đồ ra giữa nhà để sửa chữa, mày mò. Ba Hoàng trước đi làm nghề điện, sau thì làm xây dựng, ở nhà thiếu gì lại bày đồ ra để chế, từ đèn học, giá để chén đến tủ, kệ...", chị Hài kể.
Sau ca phẫu thuật cắt u não ở Bệnh viện Nhi đồng 2, Hoàng hỏi mẹ tóc mình đâu rồi. Không biết trả lời con trai thế nào, chị Hài nén nước mắt, chỉ nói rằng yên tâm tóc sẽ mọc lại. Nhưng suốt 3 tháng với 60 chai đủ loại hóa chất, những nang tóc dù mạnh mẽ nhất cũng chẳng thể chống cự.
Đi qua những khoa bệnh nặng nhất của Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị Hài chứng kiến đủ nhiều những cuộc chia ly. Đôi lúc, chị cũng nghĩ tới điều đó, nhưng lại gạt ngay đi.
Trong đầu người phụ nữ 32 tuổi cùng chồng chỉ là lo cho cậu con trai trị bệnh và sẵn sàng đấu tranh với mọi điều tồi tệ để bảo vệ gia đình nhỏ.