Cát trong giày
Căn phòng nhỏ nằm lọt thỏm trong khu tập thể cũ ven đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những vết nứt như đường chỉ tay cũ mèm bò lên trần nhà, bám lấy những mảng vôi xám bợt, dọa sụp lúc mưa dầm kéo dài. Gió tháng Ba đập từng cơn bụi vào cửa kính, lấm tấm như da người bị mụn tuổi dậy thì.
Ngoài ngõ, tiếng rao bánh đúc chan giọng o ép của người đàn bà luống tuổi bị gió cuốn đi mất hút, để lại bên trong một khoảng im lặng nặng như chì.
Tâm ngồi sau chiếc bàn gỗ cũ, mặt bàn sần sùi như lưng một con thú già. Trước mặt anh là một chiếc điện thoại iPhone vỡ màn hình. Mảnh kính bể còn dính vệt máu khô nơi mép trái. Anh không hỏi, cũng chẳng cần đoán. Những chiếc máy như thế này, từ lâu, đã chẳng còn làm anh ngạc nhiên.
Người phụ nữ đưa máy đến ngồi lặng bên ghế nhựa, mắt nhìn xuống đôi dép tổ ong đen sì. Chiếc áo mưa nilon dính nước mưa chưa kịp khô. Tóc bà dính bết, quăn lên vì ướt. Chắc cũng ngang tuổi má anh - người ta thường hay nói nhiều, cằn nhằn, hỏi han. Nhưng bà này thì không. Bà im lặng, một sự im lặng đặc biệt khiến căn phòng vốn chật hẹp như co lại, chỉ còn tiếng thở khe khẽ và tiếng tua vít quay từng vòng chậm rãi.
"Máy của con trai tôi", bà nói khi Tâm vừa nạy được phần nắp lưng. Giọng bà không run, nhưng có cái gì đó gợn lên như vết sóng nhỏ va vào thành ghe rỗng. "Tối qua nó đập máy. Vỡ cả tay".
Tâm không ngẩng lên. Tay anh lật từng phần linh kiện, vừa để kiểm tra hư tổn, vừa để giấu đôi mắt đang nhíu lại. Anh hỏi, như một thói quen nghề nghiệp:
- Nó bao nhiêu tuổi?
- Mười sáu.
- Mới đi học về hả?
Bà cười khẽ, một tiếng cười như kẹt lại trong cổ họng.
- Nó bỏ học rồi. Giờ suốt ngày ôm máy. Mà giờ máy vỡ rồi, chắc nó điên lên. Tôi lén đem đến đây sửa. Đừng nói là tôi nha chú.
Tâm ngẩng lên. Ánh mắt bà chạm vào mắt anh trong tích tắc - một tia nhìn buồn bã, đầy cố gắng nhưng bất lực đến nao lòng.
Anh từng thấy đôi mắt như thế. Khi Hương khóc thầm sau đêm anh đem xe máy đi cắm, chỉ để gỡ kèo tỷ số một trận C1 mà cuối cùng anh đoán sai. Khi đó, cô không mắng, chỉ rút trong tủ ra tờ giấy khám thai. “Chắc phải nuôi một mình con bé quá…!”.

Minh họa: Đào Quốc Huy
Tâm cúi đầu trở lại với cái máy. Mảnh bo mạch bị cháy xém một góc. Tay cậu nhóc kia chắc bị mảnh kính cứa lúc đập máy. Đập mạnh lắm. Phải thật căm hờn, thật bất lực, thì một thằng bé mười sáu mới nỡ dùng bàn tay chính mình mà phá một thứ nó gắn bó nhất.
- Tôi chỉ có sáu trăm nghìn - bà nói, giọng lí nhí - Nếu hơn thì… chú cứ giữ máy. Tôi về gom thêm.
Tâm đứng dậy. Đi tới góc nhà, mở chiếc tủ gỗ, lôi ra một hộp cũ. Trong đó là vài cái màn hình, bo mạch, linh kiện lẻ anh giữ lại từ những lần sửa hỏng. Tự tay anh lục tìm, ráp nối, hàn lại. Hơi nóng từ mỏ hàn xém lên da. Mùi nhựa cháy bốc lên. Không ai nói chuyện gì nữa. Khi anh cắm thử pin, màn hình sáng lên - là một bức ảnh nền: một chiếc áo đội tuyển Việt Nam số 19, không có mặt người, chỉ là chiếc áo trên sân cỏ ướt mưa.
Anh rút pin ra ngay. Không rõ vì sợ bị bà mẹ nhìn thấy hay sợ chính mình.
Cậu bé ấy, mười sáu tuổi. Cũng từng như anh. Đặt cược tuổi trẻ vào một trận đấu, một bàn thắng, một ước mơ không có thật.
- Cháu sửa giúp bác. Xong cháu gọi bác tới lấy.
Bà nhìn anh như thể không tin nổi, rồi gật gật. Khi bà bước ra cửa, đôi dép tổ ong phát ra tiếng "xẹp xẹp" quen thuộc trên sàn ướt. Một lúc sau, căn phòng lại trở về với im lặng. Nhưng lần này, im lặng đó không còn đơn thuần nữa.
Tâm rút đôi giày ra. Có cát. Những hạt cát nhỏ li ti, chắc từ hôm trước đi giao máy ở bãi biển Đồ Sơn còn sót lại. Anh nghiêng giày, đổ ra. Nhưng vẫn còn. Những hạt cát ấy cứ ở đó, như những mảnh quá khứ chưa từng được rũ bỏ.
*
Con phố Chu Văn An vẫn ồn ào những tiếng còi xe, nhưng ở tầng ba khu nhà tập thể, căn phòng trọ của Tâm dường như tách biệt khỏi mọi âm thanh náo động ấy. Căn phòng có đúng một cửa sổ nhỏ hướng ra bức tường bê tông của dãy nhà bên cạnh - mùa hè nắng như thiêu, mùa đông gió lùa buốt sống lưng. Hương gọi đó là “ổ chuột biết thở”, còn Tâm bảo: “Ít ra nó không ngập, và đủ chỗ cho ba người xoay xở”. Mỗi lần nghe câu ấy, Hương thường im lặng, mắt nhìn ra khoảng trời hẹp màu chì.
Thằng Cún - tên ở nhà của bé Khoa - đang ngồi chơi với cái xe ô tô đồ chơi nhựa cũ. Nó chạy xe vòng vòng trên nền gạch lát hoa xỉn màu, miệng kêu “bíp bíp” khe khẽ. Tâm nhìn con, thấy lòng đau nhói. Con vẫn còn ngọng líu ngọng lô, nhưng đã biết phân biệt lúc nào mẹ vui, lúc nào mẹ cáu. Cái tuổi mới lên ba mà mắt nó đã học được cách né tránh - một ánh nhìn giống hệt anh trong gương những buổi sáng ngái ngủ.
Hương đang nấu cơm. Lưng cô cong xuống bên bếp ga du lịch, mấy lọn tóc vương mồ hôi bết lại bên thái dương. Mùi cá kho mằn mặn bốc lên, làm bụng Tâm sôi réo. Nhưng anh không nói gì, chỉ ngồi lặng lẽ vá lại ống tay áo bảo hộ đã sờn. Chiếc áo ấy theo anh từ khi xin được việc ở xưởng cơ khí, là dấu mốc của ngày anh cắt đứt với đám cá độ. Hôm ấy, trời mưa phùn, anh cầm hồ sơ đến ba chục chỗ xin việc, bị từ chối không biết bao lần. Cuối cùng, một ông tổ trưởng kỹ thuật nhìn anh từ đầu đến chân rồi hỏi: “Tay mày chai chưa?”. Tâm giơ bàn tay trái lên - bàn tay từng bê xi măng, từng tháo xe, từng đấm người - mà run run nói: “Chưa, nhưng sẽ chai. Nếu anh cho em cơ hội”.
Cái áo sờn ấy, anh giữ như kỷ vật. Hương từng mắng: “Nghèo mà còn sĩ. Quăng mẹ nó đi”. Nhưng Tâm không nỡ. Như thể nếu mất nó, anh sẽ lại bị đẩy về cái hố cũ, nơi người ta cười khẩy khi anh nói hai chữ “làm lại”.
Bữa cơm chiều nay có cá kho, rau cải luộc và bát nước mắm chấm đầy ớt. Tâm gắp cho con miếng cá, gỡ hết xương, rồi đưa bát cho Hương. Cô đón lấy, không nói gì. Ánh đèn huỳnh quang vàng vọt rọi xuống ba khuôn mặt - một đứa trẻ chăm chú nhai, một người mẹ lặng thinh, một người cha đầy áy náy.
- Mai anh tăng ca - Tâm lên tiếng.
- Chắc về muộn.
- Ừ.
Hương không ngẩng mặt: “Có tiền đưa em chợ chưa?”.
Tâm chững lại. “Anh đang tính… hôm nay lĩnh nửa lương, để mai…”.
- Không có tiền - Giọng Hương đều đều, không trách móc nhưng đủ để lưỡi dao cứa vào tự trọng của Tâm thêm một đường - Thế thôi, để em vay mẹ.
Định nói “anh sẽ xoay” nhưng rồi nuốt lại. Lời hứa trong miệng người từng thất hứa như anh - giờ chẳng khác gì mớ tro tàn. Gió thổi cái là bay.
Tối, Hương ra ngoài gọi điện cho mẹ. Tâm ngồi dọn bát, mắt liếc về phía cửa. Không phải anh sợ cô bỏ đi. Hương chẳng còn nơi nào để đi, mà cũng chẳng đủ lạnh lùng để bỏ con. Nhưng cái cách cô điềm nhiên xa dần, lặng dần, cứ như mỗi ngày một bước xuống tầng sâu, khiến anh rối. Anh đã đánh mất cô từ lúc nào? Từ khi anh sa vào cá độ? Hay từ lần đầu tiên anh gào lên với cô vì thiếu tiền trả nợ?
Thằng Cún ngủ ngoan. Nó có thói quen ngậm tay khi ngủ, giống Tâm hồi nhỏ. Tâm đắp lại chăn cho con, vuốt mớ tóc tơ xoăn nhẹ rồi cúi xuống hôn trán con - một thói quen lặng lẽ, không nói ra với ai.
Ngoài trời mưa bụi, gió thổi ràn rạt qua khe cửa sổ. Tâm bước ra ban công chung. Từ đây nhìn xuống, Hải Phòng là một mảng ánh sáng loang lổ. Mỗi ô cửa sáng kia, có lẽ cũng có một người cha đang tự hỏi liệu ngày mai có còn đủ tiền cho con ăn sáng. Có thể, cũng có một người mẹ đang cân nhắc giữa việc bỏ đi hay ở lại vì đứa trẻ. Anh rít một hơi thuốc, nhắm mắt. Hương từng bảo: “Anh đừng nghĩ chỉ mình anh khổ”. Giờ thì anh hiểu. Khổ là thứ chia đều cho những kẻ không may - nhưng cách họ chịu đựng nó, mới làm nên khác biệt.
Sáng hôm sau, khi Tâm vừa đến xưởng, tổ trưởng gọi vào văn phòng. Một lá đơn xin nghỉ việc nằm trên bàn - của một thằng thợ mới. “Mày gắng học phần điện đi”, ông tổ trưởng nói, giọng đắn đo. “Lên thợ chính có phụ cấp. Không nhiều, nhưng ổn định. Tao thấy mày khá lên rồi đấy”.
Tâm khẽ gật đầu. Tay siết lại. Có những câu nói nhỏ thôi, nhưng trong một ngày u ám, nó là nắng.
Sau buổi làm chiều, Tâm không về ngay. Anh rẽ vào chợ Hàng, ghé quán cháo lòng nhỏ bên lề đường, gọi một tô cháo 20 nghìn. Ăn một mình, chẳng ngon. Nhưng Tâm vẫn cố ăn sạch, như thể từng muỗng cháo là một phần kỷ luật mới anh rèn lại cho mình. Xong, anh tạt qua chợ, mua mớ rau muống, lạng thịt ba chỉ và hai quả trứng - những thứ ít ỏi anh biết Hương thích, dù dạo này cô ăn rất ít.
Khi về, cửa phòng đóng. Tâm đặt túi thức ăn lên bàn, khẽ gọi:
- Hương ơi!
Không tiếng trả lời. Chỉ có tiếng nước róc rách từ vòi nhà vệ sinh. Anh ngồi xuống, tháo giày. Một hạt cát nhỏ rơi ra, nằm im trên nền gạch. Tâm nhìn nó, bất giác nhớ đến một chiều nào đó đã xa - khi Hương lần đầu kéo anh lại, bảo: “Anh đi đứng kiểu gì mà cát vào cả giày? Em ghét cát lắm”. Anh cười: “Cát cho mình biết giày vẫn còn dùng được”.
Giờ thì đôi giày ấy đã sờn mép. Còn người con gái ấy - đang dần hóa đá bên anh.
Tâm bắt đầu học thêm phần điện như lời tổ trưởng. Buổi tối, sau khi dỗ con ngủ, anh mở sách kỹ thuật, vẽ sơ đồ mạch, cắm linh kiện vào bảng thử. Có hôm, anh bị điện giật đau điếng, Hương chạy vào thấy tay anh phồng rộp, chỉ lặng lẽ lấy đá chườm rồi bỏ đi. Không một lời mắng. Sự im lặng ấy còn buốt hơn cả dòng điện xuyên tay.
Tháng sau, xưởng có một đợt xét lên thợ chính. Tâm được chọn thử việc. Ai cũng ngạc nhiên. Lão Cường - tay thợ già từng coi thường anh - bĩu môi: “Thằng nghiện độ mà cũng lên được thợ chính?”. Tâm chỉ cười. Anh biết, không cần đáp lại gì nữa. Im lặng là lời tuyên bố của những người từng bước lên từ đáy. Thằng Cún vẫn thường quấn lấy bố mỗi khi anh đi làm về. Có lần, nó ôm chân Tâm, líu lô: “Con đi làm cùng bố nha!”. Câu nói ấy theo Tâm suốt buổi tối hôm đó. Anh nghĩ: nếu mình tiếp tục cố gắng, có thể mai này nó sẽ hãnh diện mà nói “bố con làm thợ giỏi nhất xưởng”.
Nhưng Hương vẫn vậy - như thể cô đã đóng cánh cửa lòng mình lại, và chỉ để ngỏ một khe nhỏ duy nhất - cho con trai.
Một tối muộn, khi con đã ngủ, Tâm lấy hết can đảm:
- Em còn yêu anh không?
Hương không ngước lên. Cô đang xếp quần áo vào giỏ nhựa.
- Không biết.
Một tiếng “không biết” - mà như tiếng kéo xoẹt ngang tim.
- Nhưng em còn ở lại - Tâm nói, giọng nghẹn lại - Nghĩa là còn hy vọng… phải không?
Hương ngừng tay. Lâu lắm. Rồi cô quay lại, lần đầu tiên sau nhiều tháng nhìn thẳng vào mắt anh.
- Em không ở lại vì hy vọng. Em ở vì con.
- Thế còn anh?
- Em không còn tin. Tin thì không cần lý do để ở lại. Mất tin, thì yêu mấy cũng thành vô nghĩa.
Tâm cúi đầu. Mấy ngón tay anh bấu chặt mép bàn. Anh không khóc. Nhưng có thứ gì đó chảy ngược vào trong.
Một buổi chiều cuối tháng, khi anh đang kiểm tra mạch điện ở phân xưởng số 3, có điện thoại từ mẹ Hương.
- Hương bị tai nạn xe. Đang cấp cứu ở Việt Tiệp.
Tâm ném hết đồ nghề, chạy ra cổng xưởng. Đường phố như mờ đi, từng khúc cua là từng nhịp tim loạn. Anh vừa chạy vừa cầu trời - dù lâu lắm rồi anh không còn tin vào bất kỳ đấng thiêng liêng nào.
Khi tới nơi, Hương đã qua cơn nguy kịch. Chỉ là va quệt xe máy, rạn xương vai. Nhưng trong khoảnh khắc thấy cô nằm bất động trên băng ca, Tâm hiểu - anh vẫn yêu người con gái ấy, một cách nguyên vẹn, đau đớn, và bất lực.
Anh ngồi cạnh giường bệnh cả đêm. Không dám chợp mắt. Cô mở mắt lúc gần sáng, thấy anh, khẽ hỏi:
- Anh đã ăn chưa?
Tâm gật. Rồi gạt mớ tóc bết mồ hôi sang một bên trán cô.
- Em đừng rời anh - Anh thì thầm - Dù là chỉ trong một khoảnh khắc.
Sau vụ tai nạn, Hương bắt đầu nói chuyện với anh nhiều hơn. Không phải là tha thứ ngay - nhưng là một bước nhỏ. Một bữa cơm, cô hỏi anh:
- Hồi anh bỏ cá độ, có bao giờ nghĩ đến quay lại không?
Tâm gật.
- Có. Nhiều lần. Có đêm nằm, mắt mở trừng trừng, nghe trong đầu văng vẳng tỷ số. Nhưng rồi nhìn thằng Cún, anh nghĩ: nếu mình lại trượt, nó sẽ nhìn ai mà học làm người?
Hương không đáp. Nhưng cô gắp cho anh miếng đậu chiên - lần đầu tiên sau nhiều tháng.
Cuối năm đó, Tâm được nhận làm thợ chính. Thưởng Tết dù không nhiều, nhưng anh mua được một bộ bàn học nhỏ cho con. Căn phòng trọ chật hẹp, nhưng ánh sáng bắt đầu nhen lên từ những điều giản dị: một đôi đũa gác ngay ngắn, tiếng cười con trẻ, và một đôi mắt người vợ đã thôi né tránh.
Và đôi giày Tâm đi, vẫn còn cát. Nhưng giờ, anh không lấy nó ra nữa. Bởi anh biết - mỗi hạt cát ấy là lời nhắc: Quá khứ có thể vẫn còn đó, nhưng không phải để giẫm lại, mà để bước qua.