Cát Bà quy hoạch không gian biển để phát triển bền vững

Ông Michael van de Watering, chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn tư vấn Toàn cầu về các công trình thích ứng biến đổi khí hậu, lấn biển, hàng hải và công nghệ xử lý nước Royal HaskoningDHV khẳng định, để phát huy tiềm năng, phát triển bền vững, đảo Cát Bà cần sự chung tay của cả Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng với 8 việc cần làm ngay.

Ông Michael van de Watering, chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn tư vấn Toàn cầu về các công trình thích ứng biến đổi khí hậu, lấn biển, hàng hải và công nghệ xử lý nước Royal HaskoningDHV

Ông Michael van de Watering, chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn tư vấn Toàn cầu về các công trình thích ứng biến đổi khí hậu, lấn biển, hàng hải và công nghệ xử lý nước Royal HaskoningDHV

QUY HOẠCH KHÔNG GIAN BIỂN

Là đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới, ông đánh giá thế nào về “độ khó” của bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tại Cát Bà?

Đây là bài toán mà các quốc gia đều nỗ lực tìm lời giải. Từ thiên đường du lịch Maldives, các nước phát triển như Hà Lan, đến cường quốc như Trung Quốc đều đang tìm hướng đi. Thách thức này không chỉ của riêng Cát Bà.

Cát Bà rộng hơn 30.000 ha, 50% là rừng, gần 30% là khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Diện tích đất ở, các khu đô thị mới kết hợp thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 14% và đất thương mại - dịch vụ chỉ khoảng 3,5%, khá khiêm tốn. Với quỹ đất có hạn này, để trở thành “tiểu Maldives của châu Á”, phát triển du lịch xanh bền vững, là thiên đường biển đảo đẳng cấp, thì Cát Bà còn không ít “chướng ngại vật”.

Lời giải cho Cát Bà là một quy hoạch, định hướng bài bản, chi tiết, có tầm nhìn sâu, rộng, đột phá.

Ông có thể gợi ý rõ hơn cho Cát Bà?

Có 8 điểm mà Cát Bà cần xem xét.

Thứ nhất là, song hành cùng tự nhiên. Cách tiếp cận này tập trung vào ưu tiên tính thân thiện với môi trường ngay từ đổi mới công tác thiết kế, quy hoạch đến thi công xây dựng, cụ thể hơn là chọn vật liệu, chất liệu bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực tới thiên nhiên.

Thứ hai là, cần sử dụng vật liệu tự nhiên thay thế như phụ phẩm công nghiệp hay vật liệu tổng hợp địa kỹ thuật, vừa giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên hữu hạn như cát, vừa hạn chế tác động xấu của quá trình khai thác cát.

Thứ ba là, ứng dụng giải pháp xanh như xây dựng, cải tạo đất thân thiện với tự nhiên. Ví như phương pháp Polder - tái tạo vật liệu từ các công trình đã phá bỏ và thử nghiệm cát mới (new sand) làm từ phế thải phục vụ lấn biển. Kết hợp phục hồi khu ven bờ cả về cảnh quan lẫn đa dạng sinh học.

Thứ tư là, cần đánh giá kỹ lưỡng về động lực học và thủy động lực học giúp dự đoán các biến đổi của dòng chảy, vận chuyển bùn cát, nhằm phục vụ công tác thiết kế các dự án đảm bảo không làm gián đoạn dòng chảy hay ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển bùn cát tự nhiên.

Thứ năm là, giám sát và thiết lập chương trình đánh giá tác động môi trường. Từ đó, quan sát biến động của đường bờ biển và ảnh hưởng của quá trình lấn biển, theo dõi chặt chẽ thay đổi của hệ sinh thái.

Thứ sáu là, quản lý tài nguyên nước hiệu quả. Thiếu hạ tầng xử lý nước đồng nghĩa với thiếu nước sinh hoạt. Nước thải không được xử lý đúng quy trình sẽ gây ô nhiễm.

Thứ bảy là, Cát Bà phải quy hoạch không gian biển hài hòa, liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn, phải vạch rõ các khu vực cần bảo vệ, có nguy cơ bị ảnh hưởng. Cách tiếp cận này không chỉ giúp quản lý tài nguyên hiệu quả, mà còn ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Thứ tám là, ứng dụng công nghệ để nâng cao kỹ thuật xây dựng, phát triển hệ thống phòng chống lũ tiên tiến và cơ sở hạ tầng có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu.

Giải quyết 8 vấn đề này, tôi tin không chỉ Cát Bà, mà Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển bền vững và cân bằng sinh thái.

Hạ tầng đảo Cát Bà

Hạ tầng đảo Cát Bà

CÁT BÀ ĐI ĐÚNG MỤC TIÊU ĐƯA VIỆT NAM CÁN ĐÍCH “NET ZERO”

Mục tiêu dài hạn của Cát Bà là trở thành đảo sinh thái, không phát thải. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của mục tiêu này? Vai trò của chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng cần thể hiện ra sao và người dân được hưởng lợi gì?

Qua kinh nghiệm 143 năm làm việc tại nhiều quốc gia, chúng tôi cho rằng, cánh cửa để trở thành đảo sinh thái, không phát thải của Cát Bà là hoàn toàn rộng mở. Quần đảo này hội đủ các điều kiện cần về cả nền tảng tự nhiên lẫn tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, Cát Bà cần nỗ lực với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên.

Cát Bà có thể nghiên cứu 4 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, quy định và tuyên truyền những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường; tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, du khách, thu thập các sáng kiến hay.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng. Tăng cường đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, thủy triều. Song song, phát triển hạ tầng giao thông xanh như cáp treo, các trạm sạc điện cho xe điện di chuyển trên đảo và không thể thiếu là đầu tư nhà máy xử lý rác, nước thải.

Thứ ba, ưu tiên phát triển du lịch xanh, sinh thái. Địa phương cần tạo cơ chế thông thoáng để hút doanh nghiệp phát triển du lịch xanh nhằm định hình chân dung đảo sinh thái. Du lịch phát triển tạo ra “mảng xanh” trong an sinh xã hội khi người dân địa phương có việc làm với thu nhập ổn định.

Địa phương cần bảo tồn và nhân rộng mảng xanh như khôi phục, bảo vệ hệ sinh thái rừng, nâng cao đa dạng sinh học biển, tạo ra các không gian rừng trong đô thị để nâng cao chất lượng không khí, tăng trải nghiệm.

Thứ tư, đầu tư và ứng dụng công nghệ - một trong những công cụ hữu hiệu để hỗ trợ phát triển bền vững. Cát Bà cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý chất thải thông minh; giao thông xanh, nuôi trồng thủy - hải sản tân tiến…

Song song, chúng tôi kiến nghị doanh nghiệp tiên phong triển khai các biện pháp “xanh”; tập trung đầu tư du lịch sinh thái, áp dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu khí thải carbon từ hoạt động du lịch. Tạo điều kiện hiện thực hóa sáng kiến “xanh”, như ưu tiên hạn chế dùng đồ nhựa 1 lần, tạo mô hình liên kết để cùng nhau cung cấp các giải pháp giao thông xanh cho du khách như xe bus điện, taxi điện, hay dịch vụ cho thuê xe điện tự lái.

Cuối cùng, cộng đồng cần tích cực tham gia bảo vệ, nâng cao nhận thức về môi trường, hỗ trợ địa phương, chính quyền phát triển du lịch, hạ tầng, dịch vụ xanh. Thiết thực nhất là giảm thiểu xả thải rác, chất ô nhiễm ra môi trường.

Hiện Sun Group đang phát triển Khu du lịch, dịch vụ thương mại vịnh trung tâm Cát Bà - dự án tiên phong hướng tới không khí thải carbon và dành nhiều tiện ích cho cộng đồng. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để phát triển thành công và nhân rộng mô hình “Net Zero” tại Cát Bà?

Tôi đánh giá cao sự “táo bạo” của Sun Group khi triển khai những dự án mang tính tương lai như Khu du lịch, dịch vụ thương mại vịnh trung tâm Cát Bà. Đây là mô hình được nhiều quốc gia phát triển và chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp như Sun Group, thêm nhiều dự án bền vững hướng tới mục tiêu “Net Zero”.

Chúng tôi cũng rất thích những cam kết với cách tiếp cận phát triển dự án dựa trên thiên nhiên và các ý tưởng xanh như ý tưởng phát triển giao thông xanh (cáp treo, xe bus điện, xe điện, xe đạp…) mà Sun Group đã và đang triển khai. Hệ thống xe điện công cộng sẽ được quy hoạch đồng bộ trên toàn đảo, với các điểm dừng/ đỗ/ trạm sạc… đảm bảo thuận lợi cho người dân và du khách.

Với sự đầu tư bài bản của Sun Group, dự án này được đánh giá là một trong những dự án du lịch tiên phong của Việt Nam, hướng tới không khí thải carbon và dành nhiều diện tích cho cộng đồng.

Trở lại với câu chuyện “Net Zero”, chúng tôi từng tư vấn cho rất nhiều dự án, tiêu biểu như Pluit City tại vịnh Jakarta (Indonesia) với ý tưởng xây dựng các đô thị, nhà ở bền vững trên diện tích 160 ha của hai hòn đảo nhân tạo ở phía Bắc Jakarta.

Tại Cát Bà, nếu muốn nhân rộng mô hình sinh thái, không phát thải, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp lớn như Sun Group cần có hướng tiếp cận tân tiến. Phải thay đổi hướng tiếp cận ngay từ quy hoạch vùng bờ và quy hoạch không gian biển. Một mặt cần bám sát hệ sinh thái, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu để bảo tồn và cảnh báo nguy cơ, mặt khác, cần có tầm nhìn dài hạn để cân bằng giữa đầu tư hạ tầng với tính bền vững của môi trường và khả năng phục hồi khí hậu, hướng tới tương lai. Tiếp đó, hạt nhân quan trọng để tạo bước ngoặt “chuyển xanh” là công nghệ. Ngay từ vật liệu, công nghệ xây dựng, năng lượng đến phương tiện giao thông, xử lý chất thải… đều phải thông minh, xanh, bền vững.

Cuối cùng, chìa khóa thành công là sự đồng lòng của tất cả các nguồn lực, từ chính quyền, doanh nghiệp, đến người dân. Không đồ án nào có thể hiện thực hóa nếu thiếu đi một trong ba “chân kiềng” trên.

Giải được những mệnh đề trên, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển những hòn đảo sinh thái tầm cỡ khu vực, đạt đến phát triển bền vững và Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Đăng Khôi thực hiện

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cat-ba-quy-hoach-khong-gian-bien-de-phat-trien-ben-vung-d232764.html
Zalo