Cấp xã sẽ được phân quyền mạnh hơn trong quản lý tài sản công?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Tờ trình Chính phủ và Dự thảo Nghị định phân định thẩm quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật
Theo Bộ Tài chính, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đồng ý về chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Đồng thời, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi các quy định nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Kịp thời ban hành các nội dung luật sửa đổi, bổ sung tại văn bản quy phạm pháp luật để có hiệu lực ngay, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không tạo khoảng trống pháp lý khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội.
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cùng với đó, Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 và nhiều văn bản khác đã yêu cầu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan...
Vì thế, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, rà soát toàn bộ quy định pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản công để đề xuất các chính sách.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi các nghị định thuộc lĩnh vực về quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã nhận được các ý kiến, đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức kiến nghị các nội dung vướng mắc, chồng chéo giữa các nghị định và trong từng Nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Do vậy, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định phân định thẩm quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Cụ thể gồm phân định thẩm quyền tại Luật trưng mua, trưng dụng năm 2008; sửa đổi, bổ sung một số điều tại 23 Nghị định của Chính phủ.
Dự kiến chuyển nhiều thẩm quyền sang cấp xã
Theo đó, đối với các nội dung phân định thẩm quyền tại Luật trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Tài chính đề xuất chuyển nội dung quy định liên quan đến cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ trong việc cưỡng chế thi hành quyết định trưng mua tài sản và quyết định sử dụng đất có thời hạn trong trường hợp khẩn cấp từ cấp huyện sang cấp xã.
Đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, Nghị định số 50/2025/NĐ-CP), Bộ Tài chính cũng đề xuất chuyển nội dung quy định liên quan đến cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ trong việc quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công theo hướng từ cấp huyện sang cấp xã.

Ảnh minh họa: Internet
Đồng thời bổ sung quy định về trường hợp Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã không tổ chức các phòng chuyên môn thì UBND cấp xã giao công chức xã thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về tài chính thuộc UBND cấp xã.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sửa đổi nhiều điều khoản tại các nghị định liên quan đến các nội dung về phân cấp thẩm quyền để phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 theo hướng chuyển từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thành UBND cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân (Nghị định số 165/2017/NĐ-CP, Nghị định số 85/2018/NĐ-CP), Bộ Tài chính cũng chuyển các quy định về thẩm quyền quyền định trong quản lý, sử dụng tài sản về cấp xã; bãi bỏ một số nội dung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan Đảng ở cấp huyện.
Tương tự, Bộ Tài chính cũng sửa đổi, bổ sung để chuyển thẩm quyền cho cấp xã với các quy định liên quan đến cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ trong việc giao nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà để quản lý, khai thác, thẩm định kế hoạch quản lý, khai thác nhà, đất, có ý kiến đối với đơn giá cho thuê nhà, tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà, phối hợp rà soát quỹ nhà, đất là tài sản công tại Nghị định số 108/2024/NĐ-CP.
Cùng với đó là các quy định liên quan đến nhóm Nghị định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng (Nghị định số 43/2022/NĐ-CP, Nghị định số 44/2024/NĐ-CP, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP, Nghị định số 08/2025/NĐ-CP, Nghị định số 12/2025/NĐ-CP, Nghị định số 15/2025/NĐ-CP, Nghị định số 44/2018/NĐ-CP, Nghị định 84/2025/NĐ-CP).
Chẳng hạn như bỏ nội dung liên quan đến trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp phối hợp, kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; chuyển nội dung quy định liên quan đến cơ quan được giao quản lý đường bộ cấp huyện, cấp xã theo hướng giao lại cho cấp xã...
Đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung nhóm Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tài chính đề xuất chuyển thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện theo hướng Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.