Cấp ủy vào cuộc: Mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TU ngày 2/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện (gọi tắt là Chỉ thị số 08), số người tham gia tăng, vượt mục tiêu đề ra.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Chiều thứ Sáu, vừa hết giờ làm, đồng chí Vi Văn Tư, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (gọi tắt là BCĐ) xã Phì Điền (Lục Ngạn) cùng cán bộ chuyên môn đến thôn Phì nắm tình hình phát triển KT-XH kết hợp vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đến đầu thôn, thấy một nhóm nông dân vừa thu hoạch bưởi về, đang ngồi nghỉ tại một cửa hàng tạp hóa, đồng chí Bí thư Đảng ủy vào hỏi thăm. Trong câu chuyện của mình, đồng chí không quên tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Được người đứng đầu địa phương trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, một số người hiểu, ngay sau đó đăng ký tham gia như các ông, bà: Nguyễn Thị Huy, Hoàng Thị Khanh, La Văn Mây...
“Những năm trước phải đến cuối năm chúng tôi mới hoàn thành chỉ tiêu giao. Khắc phục hạn chế, đầu tháng 1/2024, BCĐ xã họp, phân công nhiệm vụ và giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện đến từng thành viên, trưởng các ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ các thôn. Nếu cá nhân nào không hoàn thành, địa phương sẽ không đưa vào danh sách khen thưởng dịp cuối năm. Nhờ đó, năm nay xã sớm về đích, được BCĐ huyện biểu dương”, đồng chí Vi Văn Tư nói. Bằng cách làm này, từ đầu năm đến nay, toàn xã có thêm 62 người tham gia BHXH tự nguyện, vượt 12 người so với chỉ tiêu giao đến hết năm 2024.
Chỉ thị số 08 đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 5% lực lượng lao động, tương đương 51 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Căn cứ vào thực tế, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và BCĐ cấp huyện, xã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Tại xã Quang Minh (Hiệp Hòa), ngay sau khi BCĐ huyện có thông báo phê bình, nhắc nhở cá nhân đồng chí Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ xã do chưa tập trung, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phát triển BHXH tự nguyện, đầu tháng 11/2023, Đảng ủy xã họp, yêu cầu từng đồng chí đảng ủy viên phụ trách các ngành, đoàn thể, thôn trực tiếp về cơ sở tuyên truyền, vận động người dân. Nhờ đó, kết thúc năm 2023, xã Quang Minh vươn lên dẫn đầu huyện về kết quả vận động.
Tại huyện Tân Yên, ngay sau khi Chỉ thị số 08 được ban hành, Huyện ủy xây dựng kế hoạch với lộ trình, giải pháp thực hiện, trong đó xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Hằng năm, cấp ủy chỉ đạo chính quyền cùng cấp đưa chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; phân công rõ trách nhiệm, gắn kết quả thực hiện chỉ tiêu này với đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Giám đốc BHXH huyện Tân Yên cho biết: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ cấp xã, Tân Yên hoàn thành sớm chỉ tiêu. Đến hết tháng 10/2024, toàn huyện có 6.227 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 2,22 lần so với trước khi có Chỉ thị số 08, chiếm 5,43% so với tổng số lao động trong độ tuổi”.
Linh hoạt các hình thức vận động
Theo thống kê của BHXH tỉnh - cơ quan thường trực BCĐ tỉnh, đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh có 57.430 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 36.197 người so với năm 2020, về đích sớm và vượt 12,6% so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Có được kết quả này, cùng với chính sách hỗ trợ 10% từ ngân sách tỉnh, hằng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch, mở đợt cao điểm, giao chỉ tiêu vận động cho từng địa phương.
Đến hết ngày 31/10/2024, toàn tỉnh có 57.430 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 36.197 người so với năm 2020, về đích sớm và vượt 12,6% so với mục tiêu Chỉ thị số 08 đề ra đến năm 2025. Một số địa phương có số người tham gia đông như: Lục Ngạn 8.245 người, Hiệp Hòa 7.868 người, Tân Yên 6.227 người...
Tại huyện Tân Yên, hằng năm, BCĐ huyện đều rà soát toàn bộ khách hàng tiềm năng là người thân của cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở giao chỉ tiêu vận động cho từng cán bộ, đảng viên. Còn tại huyện Lục Ngạn, để mở rộng đối tượng tham gia, ngoài tháng cao điểm do UBND tỉnh phát động (tháng 5 hằng năm), BCĐ huyện mở thêm đợt cao điểm ngay sau vụ thu hoạch vải thiều (tháng 8 và 9).
Ông Bùi Văn Nhị, Giám đốc BHXH huyện Lục Ngạn cho biết: “Sau vụ thu hoạch vải thiều, người lao động địa phương có nguồn thu nhập lớn nên chúng tôi tranh thủ thời gian này phối hợp với BCĐ các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động. Chỉ tính riêng đợt cao điểm trong tháng 8 và 9/2024, toàn huyện đã phát triển thêm 965 người tham gia mới, qua đó nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện toàn huyện lên hơn 8,2 nghìn người, vượt gần 2,5 nghìn người so với chỉ tiêu giao đến năm 2025”.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08 song qua đánh giá, tại một số thời điểm, công tác tuyên truyền, vận động của một vài ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hiệu quả chưa cao; việc triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu tập trung vào tháng cao điểm. Ở một số xã, phường, thị trấn, vai trò của người đứng đầu cấp ủy chưa được phát huy, còn tư tưởng ỷ lại vào cơ quan chuyên môn… Khắc phục những hạn chế, từng bước mở rộng, tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện, hiện các địa phương đang đánh giá, sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Căn cứ vào kết quả sau 3 năm thực hiện, chúng tôi tiếp tục tham mưu với BCĐ tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng. Với vai trò cơ quan thường trực, chúng tôi đẩy mạnh truyền thông về quyền lợi, mức đóng trên cổng thông tin điện tử, nhóm zalo của tổ dân vận, cộng đồng, liên gia tự quản, mạng xã hội... từ đó từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết