Cấp tốc cụ thể hóa chính sách cho kinh tế tư nhân
Nhằm triển khai ngay Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Đây có thể là đợt thể chế hóa chính sách nhanh nhất và quy mô nhất từ trước đến nay.

Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: quochoi.vn
Đầu tuần này (ngày 12-5-2025), Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.
Trước đó năm ngày (ngày 7-5), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ để bàn về việc xây dựng dự thảo nghị quyết này. Cuộc họp diễn ra chỉ sau ba ngày kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (ngày 4-5). Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Mục tiêu là trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết ngay trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của nền kinh tế.
Để có được tiến độ này, các công việc chuẩn bị đã được tiến hành từ sớm. Trong khi xây dựng Nghị quyết 68-NQ/TW, các đơn vị liên quan đã đồng thời soạn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ với tinh thần thể chế hóa tối đa những nội dung có thể triển khai ngay.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (bản trình Bộ Tư pháp thẩm định) thể chế hóa năm nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 68-NQ/TW, gồm: (1) cải thiện môi trường kinh doanh; (2) hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; (3) hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; (4) hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; (5) hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, đây sẽ là đợt thể chế hóa chính sách nhanh nhất và quy mô nhất từ trước đến nay. Điều này mở ra một tiền lệ quan trọng: thể chế không chỉ đi sau, mà có thể đi song hành, thậm chí dẫn dắt hành động.
Cụ thể, về nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, dự thảo Nghị quyết quy định: phải tách bạch giữa các loại trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự; giữa trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân.
Đối với các sai phạm mang tính dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự trước, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân chủ động khắc phục hậu quả. Trong các trường hợp pháp luật có thể cho phép xử lý hoặc không xử lý hình sự, thì sẽ không áp dụng xử lý hình sự. Nếu buộc phải xử lý hình sự, cũng ưu tiên khắc phục thiệt hại về kinh tế trước, và coi đây là căn cứ quan trọng để cân nhắc các bước xử lý tiếp theo.
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ: không áp dụng hồi tố bất lợi đối với doanh nghiệp; vụ việc thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ không rõ ràng phải sớm được kết luận và công khai, minh bạch; nguyên tắc suy đoán vô tội phải được đảm bảo trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử… Đồng thời, phải phân biệt rõ giữa tài sản hình thành hợp pháp và tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật hoặc liên quan đến vụ án; tách bạch tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp với của cá nhân quản lý doanh nghiệp khi xử lý sai phạm.
Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh nguyên tắc không thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trừ khi có bằng chứng vi phạm rõ ràng. Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên áp dụng hình thức kiểm tra từ xa qua dữ liệu điện tử, giảm thiểu thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại cơ sở. Đáng chú ý, những doanh nghiệp chấp hành tốt quy định pháp luật có thể được miễn kiểm tra thực tế, tạo động lực tuân thủ và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất loạt chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp công nghệ cao khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ được giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong năm năm đầu, tính từ thời điểm ký hợp đồng thuê đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc vườn ươm công nghệ.
Phần hỗ trợ sẽ do Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư hạ tầng. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp, đảm bảo bình quân ít nhất 20 héc ta cho mỗi khu, cụm công nghiệp, hoặc tối thiểu 5% tổng diện tích đất đã có hạ tầng để dành riêng cho nhóm doanh nghiệp nói trên thuê lại.
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh khi vay vốn thực hiện các dự án xanh, kinh tế tuần hoàn hoặc áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu, và giảm 50% trong hai năm tiếp theo đối với phần thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Do thực hiện yêu cầu xử lý những việc cấp bách của đất nước trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu thể chế hóa các chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết 68-NQ/TW, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp. Trên cơ sở Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ nhanh chóng ban hành Chương trình hành động để triển khai đồng bộ.
“Thủ tướng đã chỉ đạo, dự kiến cố gắng ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước ngày 18-5-2025, khi phổ biến Nghị quyết thì kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ”, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết(1).
Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, đây sẽ là đợt thể chế hóa chính sách nhanh nhất và quy mô nhất từ trước đến nay. Điều này mở ra một tiền lệ quan trọng: thể chế không chỉ đi sau, mà có thể đi song hành, thậm chí dẫn dắt hành động.
(1) https://baochinhphu.vn/toa-dam-de-kinh-te-tu-nhan-but-pha-theo-nghi-quyet-68-nhung-viec-can-lam-ngay-102250509091126663.htm