Cập nhật phiên bản mới của Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam

'Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0' vừa được Bộ KH&CN ban hành sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh khung kiến trúc số của mình cho phù hợp với thực tiễn.

Khung Kiến trúc Chính phủ số là một bức tranh tổng thể mô tả các thành phần và mối quan hệ trong hệ thống chính phủ số. Tương tự như một tấm bản đồ, khung kiến trúc này giúp các bên liên quan định vị, hình dung những công việc đã thực hiện và những nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai để đảm bảo sự kết nối, liên thông giữa các hệ thống, đồng thời tránh trùng lặp.

Ngày 30/3, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ KH&CN) đã đề nghị các đơn vị chuyên trách CNTT của bộ, ngành, địa phương khẩn trương đề xuất, nghiên cứu và xây dựng khung kiến trúc số cấp bộ (đối với các bộ) và khung kiến trúc số cấp tỉnh (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phiên bản 4.0, dựa trên Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam phiên bản 4.0 do Bộ KH&CN ban hành.

Đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương có trách nhiêm xây dựng, cập nhật khung kiến trúc số cấp bộ/ tỉnh đảm bảo phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam. Ảnh minh họa: M.H

Đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương có trách nhiêm xây dựng, cập nhật khung kiến trúc số cấp bộ/ tỉnh đảm bảo phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam. Ảnh minh họa: M.H

Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng hướng dẫn rõ: Việc xây dựng khung kiến trúc số cấp bộ/ tỉnh phiên bản 4.0 cần được thực hiện trên cơ sở nâng cấp, cập nhật khung kiến trúc phiên bản trước đó của bộ, tỉnh. Mục tiêu là bảo đảm phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của các bộ, phù hợp với chủ trương sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Triển khai nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 25/3, Bộ KH&CN đã ban hành ‘Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0’.

Ngoài việc là căn cứ để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng khung kiến trúc số cấp bộ, tỉnh, việc ban hành ‘Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0’ cũng nhằm hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam từ trung ương đến địa phương, hướng tới các mục tiêu: Tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên CNTT trong mỗi cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư CNTT; tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong triển khai Chính phủ số...

Thông tin về một số nội dung mới của ‘Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0’ so với phiên bản trước đó, Cục Chuyển đổi số quốc gia cho hay, bên cạnh việc cập nhật sơ đồ khái quát Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam và mô tả các thành phần, Bộ KH&CN đã rà soát, sửa đổi, cập nhật khung kiến trúc mới phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024.

Sơ đồ khái quát Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam cung cấp bức tranh tổng thể về các thành phần chính của Chính phủ số Việt Nam. Ảnh: Cục Chuyển đổi số quốc gia

Sơ đồ khái quát Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam cung cấp bức tranh tổng thể về các thành phần chính của Chính phủ số Việt Nam. Ảnh: Cục Chuyển đổi số quốc gia

Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam phiên bản mới cũng được cập nhật theo Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; cụ thể là bổ sung một số nội dung từ Nghị quyết 57 vào mục nguyên tắc cơ bản trong xây dựng khung kiến trúc số cấp bộ, khung kiến trúc số cấp tỉnh.

Song song đó, Bộ KH&CN, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia đã rà soát, sửa đổi, cập nhật mô tả các thành phần của sơ đồ khái quát Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ.

Đồng thời, rà soát, cập nhật các mô hình tham chiếu, bao gồm: Mô hình tham chiếu nghiệp vụ, mô hình tham chiếu dữ liệu, mô hình tham chiếu ứng dụng, mô hình tham chiếu công nghệ và mô hình tham chiếu an toàn thông tin.

Cũng tại ‘Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0’, Bộ KH&CN đã hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương về những nội dung cơ bản trong khung kiến trúc số cấp bộ, khung kiến trúc số cấp tỉnh; nguyên tắc cơ bản trong xây dựng khung kiến trúc số.

Theo hướng dẫn, quá trình triển khai các nội dung của khung kiến trúc số, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản gồm: Phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan; phù hợp định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số của quốc gia; phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm việc đầu tư triển khai Chính phủ số hiệu quả; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”...

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cap-nhat-phien-ban-moi-khung-kien-truc-chinh-phu-so-viet-nam-2386323.html
Zalo