Cập nhật kiến thức, ngành nghề mới vào đào tạo

Xã hội luôn vận động không ngừng, nhu cầu công việc cũng có sự thay đổi tương ứng. Vì vậy, những kiến thức, ngành nghề mới phải cập nhật liên tục vào chương trình đào tạo đại học.

 Sinh viên Trường đại học Y - Dược tham gia khám bệnh, tư vấn thực tế tại các trường học

Sinh viên Trường đại học Y - Dược tham gia khám bệnh, tư vấn thực tế tại các trường học

Bắt nhịp xu hướng

Dựa trên những phân tích, đánh giá của thị trường lao động, năm 2020, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế mở 2 ngành đào tạo mới là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu, đòi hỏi nguồn lao động có thể quản lý, vận hành logistics, chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra cho các doanh nghiệp. Như tại cảng Chân Mây hiện nay, đang cần nguồn lao động có thể lập kế hoạch và kinh doanh kho bãi, các thủ tục hàng hóa xuất, nhập khẩu, quản lý dịch vụ container…

Lứa đào tạo đầu tiên của hai ngành này đã bước vào năm thứ 4, chỉ còn khoảng hơn nửa năm nữa là ra trường. Khi đó, sẽ cung ứng cho các tập đoàn, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước… hàng chục lao động được đào tạo bài bản. Nguyễn Hoàng Minh, sinh viên năm 4 ngành Logistics chia sẻ, quá trình học, sinh viên được trải nghiệm thực tế tại cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng Chân Mây, các khu công nghiệp. Qua quá trình tiếp cận công việc và nhu cầu thực tế, chúng em kỳ vọng sau khi ra trường sẽ thuận lợi tìm được công việc phù hợp ở ngay trong tỉnh.

Phòng Đào tạo, Trường đại học Kinh tế cho biết, những năm qua, hầu như năm nào trường cũng mở thêm ngành đào tạo mới, hoặc chuyên ngành mà xã hội đang cần. Như năm 2023 này, trường mở mới ngành Kinh tế số. Lý do để mở ngành là dựa trên những phân tích, đánh giá, nghiên cứu thực tế về nhu cầu việc làm. Với tấm bằng cử nhân Kinh tế số, các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể trở thành những chuyên viên tư vấn độc lập về chuyển đổi kỹ thuật số, công nghệ tài chính; làm việc trong các doanh nghiệp kỹ thuật số, doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số, công ty tài chính công nghệ; các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử, giải pháp kinh doanh trên nền tảng số. Ngoài ra là làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến kinh tế và kinh tế số, lĩnh vực rất mới mà nhiều cơ quan cần tuyển dụng.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế thông tin, trong quá trình triển khai các chương trình đào tạo, mục tiêu luôn được xác định là đào tạo sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu của xã hội, phát triển của đất nước. Song song với đó, những lĩnh vực mà xã hội cần hiện tại, lẫn tương lai đều được xây dựng các ngành nghề đào tạo tương ứng.

“Gần đây, có nhiều ngành nghề mà nhu cầu xã hội cao, mang tính đón đầu xu hướng phát triển nên Đại học Huế đã mở và triển khai đào tạo, như Kỹ thuật phần mềm của Trường đại học Khoa học; ngành Truyền thông đa phương tiện của Khoa Quốc tế; ngành Kinh tế số của Trường đại học Kinh tế; ngành Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ”, TS. Nguyễn Công Hào thông tin.

Tiếp tục cập nhật

Tham gia diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung – Tây Nguyên được tổ chức tại Thừa Thiên Huế mới đây, bà Ngô Thị Ngọc Lan, chuyên gia lao động - việc làm, Giám đốc khu vực phía Bắc Navigos Search Việt Nam nêu dẫn chứng, không ít sinh viên sau khi học đại học xong ra trường làm việc không được. Nguyên nhân là thiếu tư duy, kỹ năng mềm, trong khi đó đây là kỹ năng để hội nhập. Chúng ta đang đào tạo theo lý thuyết là nhiều hơn so với thực hành. Thử đặt ra câu hỏi, 10 kỹ năng mà Diễn đàn Kinh tế thế giới mới chỉ ra cho lao động đến năm 2025 (Tư duy phân tích và đổi mới, học tập chủ động và chiến lược học tập, giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và phân tích...), liệu đã được cập nhật, đưa vào đào tạo hay chưa? Doanh nghiệp đã tham gia như thế nào trong đào tạo? Các cơ sở đào tạo đã xây dựng mô hình đào tạo làm việc của doanh nghiệp ngay tại trường hay chưa?

Theo TS. Nguyễn Công Hào, Đại học Huế xác định luôn phải cập nhật kiến thức, ngành nghề mới vào chương trình đào tạo; đổi mới, cập nhật các chương trình đào tạo để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 trong kỷ nguyên số và đổi mới sáng tạo; trong đó, đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục. Không ngừng cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trong thời gian đến, dựa vào những nhu cầu của xã hội, dự kiến Đại học Huế sẽ mở thêm ngành thạc sĩ Báo chí. Trường đại học Y - Dược mở 2 ngành đào tạo tiến sĩ Điều dưỡng và Răng - Hàm - Mặt. Trường đại học Kinh tế mở những chương trình mang tính liên ngành về Kinh tế giao thông…

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, khi mở ngành nghề đào tạo mới phải đảm bảo các điều kiện về pháp lý và chuẩn bị tốt về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Đại học Huế định hướng trở thành Đại học Quốc gia là đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, với mô hình đại học thông minh mang những đặc trưng của nền giáo dục trong kỷ nguyên mới: sáng tạo - liên ngành - kết nối - công nghệ giáo dục.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc/cap-nhat-kien-thuc-nganh-nghe-moi-vao-dao-tao-134735.html
Zalo