Cập kênh phố cao nguyên

Rất hiếm đô thị nào như pleiku được xây dựng trên bung biêng các quả đồi với những con đường uốn lượn và cong như cánh võng, lẩn khuất như mơ như thực giữa các sườn đồi trong lãng đãng sương mù buổi sớm, với những con ngõ cập kênh khúc khuỷu dìu dịu mùi hoàng lan, dạ hương...

Hồi còn là sinh viên, về nhà nghỉ Tết, làng tôi khi ấy còn là... làng, một ngôi làng như mọi ngôi làng thời ấy, chưa có điện, đói và buồn, những con đường làng và bóng tre, tiếng gà gáy vịt kêu, ao chuôm uềnh oang tiếng ếch nhái. Một đêm mưa dầm và lạnh xứ Huế, nằm chờ giao thừa để dâng cỗ thắp hương ông bà tổ tiên, tôi nghe radio, chương trình thơ giao thừa, và nghe được một bài thơ rất ấn tượng, tác giả là Việt kiều Nguyễn Hồi Thủ, nếu tôi nhớ không lầm. Bài thơ về Buôn Ma Thuột, hồi ấy được mệnh danh là thành phố “buồn muôn thuở”, nó buồn mênh mông và cũng gợi mênh mông.

Tôi nhớ cái điệp khúc nhắc đi nhắc lại đất đỏ, cà phê và tâm trạng day dứt của người xa quê...

Có một miền bazan má đỏ môi hồng...

Cái bài thơ tôi nghe đêm giao thừa năm ấy là cú huých cuối cùng để tôi làm đơn xung phong lên Pleiku. Sở dĩ chọn Pleiku là bởi hai lý do. Một là tôi mê bài hát Còn chút gì để nhớ nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định mà hồi ấy vẫn bị cấm, toàn nghe trộm, mê “em Pleiku má đỏ môi hồng” và mê cả cái không khí “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”, rồi cả cái chất lãng tử của “anh khách lạ đi lên đi xuống”. Còn hai là xem trên bản đồ, nó gần Huế nhất, vì hồi ấy còn tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Sang Buôn Ma Thuột sẽ xa thêm 200 cây số nữa.

Hồi ấy, chúng tôi là lứa đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Huế vừa thành lập trên cơ sở sáp nhập mấy đại học từ trước 1975 của Huế. Ý là đắt như tôm tươi, các tỉnh đều thiếu cán bộ, trường chỉ việc làm quyết định “Phân công công tác” theo công văn đề nghị của các tỉnh chứ chưa phải long đong lận đận đi xin việc như bây giờ. Nhưng tôi xung phong đi chứ không đợi phân công.

Hồi ấy Pleiku xơ xác nghèo.

Nhưng mà vẫn đẹp.

Trước năm 1975, Pleiku là một thị xã nhỏ với rất nhiều thông, dốc và sương mù. Thành phố lãng đãng trữ tình dìu dặt tiếng thông reo và lãng đãng tóc thề con gái thoảng hương nao lòng khách lạ. Nhưng nó lại chính là thị xã phục vụ chiến tranh, của các sắc lính đầy khốc liệt một thuở. Nhỏ thế nhưng Pleiku chứa trong lòng nó bộ máy đầu não của một quân khu và một quân đoàn với lúc cao điểm lên đến hàng chục nghìn sắc lính đồn trú. Tôi nhớ những con đường đỏ quạch bụi bazan. Phải lên đây mới biết thế nào là bụi bazan. Giữa phố, những cơn gió xoáy như cái phễu, những cột bụi đỏ lừ lừng lững bị hút lên rồi tỏa xuống, lá cây, mái nhà, người, những con đường... đỏ quạch.

Một con hẻm ngoại ô Pleiku.

Một con hẻm ngoại ô Pleiku.

Phố quy hoạch cho chiến tranh, để phục vụ chiến tranh. Những khu gia binh mà sau này anh em cán bộ nhà nước ở tiếp tới 20 năm nữa vẫn tốt dẫu nó là nhà tập thể, đầy đủ sự bất tiện của nhà tập thể, nhưng có toilet tự hoại trong nhà, khác hẳn các khu tập thể ngoài Bắc, đặc biệt Hà Nội mà tôi cũng đã trải qua.

Những con đường nhựa, nhưng đã kịp lở lói, ổ gà ổ vịt. Những hàng rào kẽm gai giăng hàng ngăn hộ này với hộ kia, khu này với khu kia, không đến nỗi “dây thép gai đâm nát trời chiều”, nhưng nó cũng... không xấu lắm khi bây giờ nghĩ lại, bởi nó vấn vương bao kỷ niệm...

Và những quán cà phê. Ở đâu và bao giờ cũng thế, quán cà phê là nơi các trí thức, văn nghệ sĩ hay ngồi. Và họ biến nơi ấy thành những địa chỉ văn hóa.

Và mới biết, té ra, Pleiku ấy, từ trước năm 1975 đã có rất nhiều văn nghệ sĩ khắp nơi tụ về.

Ấn tượng trong tôi là cây xanh và bướm vàng. Đang đỉnh điểm mùa khô nên thêm gió và bụi nữa. Nhưng bướm vàng bay từng thảm trong cái rợp xanh của các tàng cây cổ thụ giao nhau qua đường khiến tôi rất thích. Những dãy nhà là khu gia binh cũ dựa vào cây ẩn ẩn hiện hiện, quần áo giăng trên dây, những giàn hoa giấy, những cô gái mặc áo dài đến nhà thờ sáng chiều Chủ nhật... tạo ấn tượng rất mạnh.

Đường Lê Lợi đoạn nhà tôi ở bây giờ là một thung lũng, đi trên đường ngó xuống rất nhiều cây cổ thụ, chủ yếu là thông hàng trăm năm tuổi, trụ sở Ty Công nghiệp ẩn trong ấy, rất đẹp. Phía bên kia là trụ sở Ty Văn hóa, cũng thế, thông đầy sân. Có căn nhà người ta làm bọc lấy thân cây thông, thông chui ra từ mái nhà. Chế độ thì “cũ” nhưng ý thức bảo vệ cây và giữ gìn cây rất mới.

... Với những buổi chiều quanh năm mùa đông

Sau này vào ở trong tập thể Ty Văn hóa, nhiều đêm mùa khô lạnh, mấy ông cán bộ ra đốt cả... thân cây thông để sưởi. Cây thông đang tươi tốt thế, to hàng mấy người ôm thế, khoét một lỗ ở thân cây cho nhựa ứ ra rồi... đốt. Cháy âm ỉ cả đêm, người đứng xung quanh sưởi, lúc nào đi ngủ thì dập, nhưng có hôm quên nó cháy cả đêm. Cái lỗ ấy cứ to dần, to dần lõm vào như cái thúng. Mà cây vẫn không chết, lạ thật.

Rồi người ta bắt đầu chặt cây để phát triển thành phố. Tôi nhớ mãi cái vụ mở đường Trần Hưng Đạo.

Đó là con đường đẹp nhất thị xã Pleiku thời ấy. Và là con đường duy nhất thời ấy không dốc, nó bằng một cách kỳ lạ giữa những con dốc kỷ hà làm nên đặc trưng Pleiku. Chính vì duy nhất bằng nên nó trở thành rất độc đáo giữa nhấp nhô dốc. Và nó ngắn, chỉ từ ngã ba Hoa Lư đến bưu điện, chưa được 500m. Hai bên đường cổ thụ toàn hơn trăm tuổi giao nhau, chiều chiều đi bộ ở đấy đẹp và trữ tình mê hồn. Tôi đã làm bài thơ Gặp Huế trên cao nguyên ở đấy. Hai bên vỉa hè, nhỏ thôi nhưng rất cổ kính...

Người ta quyết định phải mở rộng con đường này. Điều này là chính xác, bởi sự phát triển đô thị. Tất nhiên không phải là không có phương án khác, ví dụ giữ con đường này làm đường đi bộ, mở một con đường khác song song. Nhưng thời ấy người ta chưa nghĩ ra phương án ấy, mà chỉ là mở to ra, cho oách.

Vấn đề là có hai cách mở. Một là mở cả về hai phía, thì phải chặt toàn bộ cây, và giải tỏa cả hai phía. Một phía toàn công sở thì dễ rồi, một phía có nhà dân thì phải đền bù. Hai là giữ nguyên con đường cũ, mở thêm một đường về phía toàn công sở, có dải phân cách thành đường đôi, như thế sẽ giữ nguyên được con đường cũ có hai hàng cổ thụ tuyệt vời kia.

Và, người ta đã chọn phương án... 1: mở cả ra hai phía, để có con đường như bây giờ. Tôi nhớ mình có hỏi một bác cán bộ thành phố: “Chú ơi sao không mở một phía làm đường đôi, nó vừa giữ được cây, vừa hiện đại, mở ra cả hai phía rồi mấy năm sau lại phải mở tiếp (đến giờ là phải “cơi nới” mấy lần rồi đấy)”. Bác ấy bảo: “Hồi ấy chúng tao ở rừng ra, ở rừng toàn cây rồi chả lẽ ra phố cũng toàn cây, nên quyết chặt hết cho nó thoáng!”. Và Pleiku đã... thoáng như bây giờ. Tôi nhớ đã làm bài thơ “khóc” thông, có cái tiêu đề Gửi những cây thông thời quá khứ và bị một vài vị lãnh đạo thời ấy... có ý kiến.

Pleiku đang bằng đi, đang vuông thành sắc cạnh đi, đang căng ngang sổ thẳng đi... mất đi cái bí ẩn mơ hồ, tiêu đi cái cảm giác lãng đãng bất ngờ vốn có... Tôi đã vài lần được trao đổi với những người có trách nhiệm của thành phố, họ cũng nhận biết và rất trăn trở với việc này. Và đấy là điều mừng. Biết đâu một ngày nào đó, đi dạo trong thành phố buổi sáng, một quả thông khô rơi bộp dưới chân, ngẩng lên ta gặp những chú sóc đang thanh bình chuyền cành, như đã từng...

Đây là một đoạn nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Hoàng viết về Pleiku sau lần anh từ Huế lên tìm tôi: Những con phố nhỏ Pleiku thường rực rỡ trong ánh nắng đầu mùa. Phố vốn nhiều bụi đỏ chuyển sang màu hồng phấn và ấm lên trong sương lạnh. Những căn nhà gỗ dưới nắng như to ra và nở bung những cánh cửa nhỏ nhiều màu. Tôi vẫn thường đứng ngẩn ngơ hàng giờ dưới nắng để ngắm thứ ánh sáng đẹp như pháo hoa nở rực rỡ trên trời cao. Nắng như lửa cháy mà không phải là lửa cháy, cứ trôi dưới mây trời thành từng vạt lớn mênh mông. Nhìn những vạt nắng mà lòng thắc thỏm như chân đang đi đến chốn hẹn hò, đang chờ đợi một điều gì đó kỳ diệu sẽ hiện ra sau màu nắng mới ngọt ngào như mật ong kia... Bây giờ thì Hoàng đã thành người thiên cổ sau một cơn đột quỵ, đúng lúc tài hoa đang phát tiết, và Pleiku cũng khác rất xa những gì Hoàng viết.

Và mắt ướt, và tóc ướt...

Trong mấy yếu tố làm nên đô thị thì hai yếu tố quan trọng là vỉa hè và thị dân. Nhà lầu xe hơi, cây xanh đường nhựa... có thể nông thôn cũng có, nhưng vỉa hè và thị dân thì chỉ thành phố mới có.

Quả là rất hiếm đô thị nào như Pleiku được xây dựng trên bung biêng các quả đồi với những con đường uốn lượn và cong như cánh võng, lẩn khuất như mơ như thực giữa các sườn đồi trong lãng đãng sương mù buổi sớm, với những con ngõ cập kênh khúc khuỷu dìu dịu mùi hoàng lan, dạ hương như Pleiku...

Sự phát triển của một thành phố luôn luôn bị sự mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, giữa đẹp và hiện đại, giữa tiện nghi và bản sắc, giữa trường tồn và khoảnh khắc... mà giải quyết được nó đòi hỏi những người có trách nhiệm phải vừa có tâm vừa có tầm và cũng đòi hỏi mỗi công dân thành phố phải tự giác nâng mình lên bằng cả sự học hỏi và khả năng thích nghi.

Pleiku thời ấy đẹp như cổ tích.

Những đường lượn kỷ hà giữa phố, những nhấp nhô dốc, những thung lũng giữa mây, những thông, những gió, bướm…. Và sương mù.

Sương mù như một đặc sản của Pleiku thời ấy. Nó không quá đặc để người phải tan ra, cũng không quá dày để người phải cứng lại. Cũng không mảnh mai quá để ta phải co ro và cũng không là đà để em phải cúi đầu vuốt tóc. Nó vừa phải, như vận vào tâm trạng từng người. Đủ để an ủi, sẻ chia. Đủ để nâng niu tôn trọng. Đủ để mà thương mà nhớ.

Một buổi sáng sương mù Pleiku bất chấp bê tông và cây đã gần hết.

Một buổi sáng sương mù Pleiku bất chấp bê tông và cây đã gần hết.

Rồi, người ta cải tạo thành phố. Bê tông hóa, tầng hóa, nhựa hóa. Pleiku trọc như phố đồng bằng bởi phải chặt cây để xây dựng, toàn cổ thụ, từng thảm cổ thụ, trở thành đường sá, nhà cửa… các loại. Pleiku cũng bằng như đồng bằng. Ai đã chọn Pleiku để xây dựng thành thủ phủ như bây giờ hẳn phải có con mắt rất tinh. Ấy là mấy ngọn đồi được liên kết với nhau, những con đường giăng như võng nối các đỉnh dốc, khiến nhấp nhô trập trùng những mái những hẻm, trập trùng sương và những con người rất… Pleiku. Nhưng giờ người ta đã, chỗ nào thấp thì đắp cho cao, chỗ nào cao thì gạt cho thấp… vân vân các kiểu để Pleiku bây giờ rất hiếm sương mù.

Và Pleiku cũng đã trở nên một thành phố rất nghèo cây. Bao nhiêu cổ thụ đã... “lặng lẽ lìa đời, lặng lẽ ra đi”, kéo theo khí hậu thay đổi, môi trường thay đổi. Thực ra những điều thay đổi ấy là không thể đảo ngược trong xu thế phát triển và hiện đại hóa. Nhưng nếu có ý thức, chúng ta vẫn có những quy hoạch vừa tổng thể, vừa cụ thể để đến hôm nay không đến nỗi phố chang chang nắng với bê tông chói mắt...

Nhưng tôi hy vọng một thế hệ mới đang lãnh đạo thành phố này, họ học hành bài bản, có tầm nhìn, có tri thức, có khả năng tiếp nhận cái mới, khả năng liên kết học hỏi để không “quyết tâm” đô thị hóa bằng mọi giá, biết cách mềm mại để giải bài toán phát triển và bảo tồn, hiện đại và bản sắc, mối quan hệ đô thị và thị dân. Vả, họ cũng đã nhận được nhiều bài học từ nhiều nơi và từ thành phố mà họ đang sống...

Thêm nữa, bây giờ, khi nhiều nơi xác định lấy du lịch làm mũi nhọn phát triển, thì chúng ta đều biết khách du lịch cần gì ở những thành phố như Pleiku?

Bà: Văn Công Hùng - Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cap-kenh-pho-cao-nguyen-46804.html
Zalo