Cặp hoàng đế - hoàng hậu Trung Hoa có cuộc hôn nhân kéo dài nhất
Từ khi xuất giá làm thê thiếp của Tống Cao Tông vào năm 1128 đến khi ông băng hà năm 1187, Hiến Thánh Từ Liệt Hoàng hậu và Hoàng đế phu thê ân ái mặn nồng suốt 59 năm.
Cặp hoàng đế - hoàng hậu Trung Hoa nào có cuộc hôn nhân kéo dài nhất?
Trong văn hóa truyền thống, vợ chồng "tương kính như tân", chung sống với nhau đến "răng long đầu bạc", hôn nhân luôn được tôn trọng và gìn giữ. Hầu hết mọi nữ nhân đều có được "cuộc hôn nhân vàng" – ý chỉ sự gắn bó không thể tách rời, cái tình nghĩa bền chặt như sắt thép giữa vợ và chồng. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử ở chốn hoàng cung, chỉ duy nhất một vị Hoàng hậu có được "kim hôn", đó là Hiến Thánh Từ Liệt Hoàng hậu, chính thất của Hoàng đế Tống Cao Tông.
Hiến Thánh Từ Liệt Hoàng hậu tên đầy đủ là Ngô Thược Phân, quê quán ở Khai Phong (nay thuộc tỉnh Hà Nam).
Năm Tĩnh Khang nguyên niên, nàng Ngô Thược Phân tròn 12 tuổi. Trong năm này, quân Kim chiếm đóng ở phía Tây Bắc và đòi triều đình nộp một số lượng lớn vàng, lụa, cắt đất Lưỡng Hà. Đồng thời cử 1 vương, 1 tướng sang làm con tin.
Khang vương Triệu Cấu nghe vậy bèn đến gặp Tống Khâm Tông, khẳng khái xin đi với tư cách sứ thần đến cầu hòa. Khi ấy, Khang Vương 19 tuổi, có 5 con cùng với vợ chính thất là Hình Bỉnh Ý (Hiền Tiết Hoàng hậu) và 2 người thiếp.
Trên đường đi, Triệu Cấu gặp Tông Trạch, vị tướng già này khuyên rằng: "Người Kim đã tiến gần đến kinh thành rồi, binh lực giặc rất mạnh, ngài đi như vậy chẳng phải là mắc bẫy bọn chúng hay sao?".
Khang Vương nghe xong lấy làm chí lý, ông vâng theo lời khuyên của Tông Trạch và quyết định nán lại Tương Châu, tự xưng là Hà Bắc Binh Mã Đại nguyên soái.
Đúng như lời dự đoán của Tông Trạch, vào năm Tĩnh Khang thứ hai 1127, quân Kim đã chiếm được thành Khai Phong. Hai vua Huy Tông và Khâm Tông bị giặc bắt đưa lên phương Bắc.
Sự việc được báo lên, Khang Vương than khóc khôn nguôi. Ông ra lệnh đưa quân về Đại Danh, truyền hịch Hà Bắc định đón đường cứu hai vua Tống, nhưng quân cần vương các nơi không đến phối hợp nên không thành công.
Toàn bộ hoàng tộc nhà Tống, trong đó có cả thê tử của Khang Vương Triệu Cấu đều bị bắt sống.
Ngày 12 tháng 6 năm 1127, sau nhiều lần từ chối việc tiếp quản triều chính, Triệu Cấu đăng cơ ở Nam Kinh, lấy hiệu là Kiến Viêm Tống Cao Tông, lập ra nhà Nam Tống.
Lại nói đến nàng Ngô Thược Phân. Sau cuộc binh biến, gia đình Cao Tông ly tán, mất hết vợ con. Ông bèn chọn Ngô thị nhập cung để làm vợ, khi ấy nàng vừa tròn 14 tuổi.
Ngô thị tuy không thành thạo thi thư, nhưng tính nàng thông tuệ, lại hào sảng.
Sau khi nhà vua lên ngôi, Nam Tống còn sơ khai, nội ngoại còn loạn lạc. Trong triều có binh hùng tướng mạnh, bên ngoài thì truy binh của nhà Kim vẫn đang hăm he.
Để bảo vệ Hoàng đế, dù là phận nữ nhi nhưng Ngô thị mặc quân phục, trang bị kiếm đeo hông, luôn sát cánh làm vệ sĩ bên Tống Cao Tông không rời.
Khi quân Kim nam tiến, Tống Cao Tông phải đi thuyền từ Định Hải đến Xương Quốc. Khi thuyền đang trôi, có con cá nhảy lên đầu thuyền, nàng ra vẻ vui mừng và nói: "Thử chu nhân bạch ngư chi tường dã" (tức sự tích Chu Vũ vương hưng khởi phạt nhà Thương).
Tống Cao Tông nghe thế thì đại hỉ, trong lòng tràn đầy tự tin nên phong nàng làm "Nghĩa Quận phu nhân".
Không lâu sau, ông tấn phong nàng thành Tài nhân, rồi lập làm Uyển nghi, cuối cùng là Quý phi.
Thời điểm ấy, Ngô thị chưa được phong làm Hoàng hậu vì Cao Tông cho rằng hiền thê chính thất Hình Bỉnh Ý của ông vẫn còn sống.
Nhưng việc ông xưng đế đã khiến hoàng tộc nhà Tống bị giam giữ tại nước Kim phải chịu nhục hình. Sau một thời gian, Hiền Tiết Hoàng hậu Hình Bỉnh Ý đã qua đời, chấm dứt những ngày thống khổ nơi đất lạ.
Mãi đến năm Thiệu Hưng thứ 12 (1142), thân mẫu của Tống Cao Tông là Hiển Nhân Hoàng thái hậu được nhà Kim trao trả, ông mới hay hiền thê đã tạ thế. Tin dữ ập đến khiến nhà vua vô cùng đau khổ.
Sau khi Thái hậu trở về, Ngô Quý phi chăm sóc bà rất chu đáo, nàng yêu thương và hiếu thuận với mẹ chồng không khác gì mẹ ruột.
Nhìn thấy sự nhân đức của nàng, Hoàng Thái hậu ngỏ ý muốn lập Ngô Quý phi làm kế hậu.
Thuận theo ý muốn của thân mẫu, năm Thiệu Hưng thứ 13 (1143), Tống Cao Tông sách phong Ngô thị làm Hoàng hậu, đứng đầu cai quản hậu cung.
Bấy giờ, con trai duy nhất của Tống Cao Tông là Hoàng tử Triệu Phu qua đời. Trong hậu cung, Trương Hiền phi nhận nuôi dưỡng Triệu Bá Tông, dòng dõi con cháu của Tống Thái Tổ.
Khi Ngô hoàng hậu còn là Tài nhân cũng đã nhận tông thất Triệu Cừ (赵璩) làm con nuôi. Sau khi Trương Hiền phi mất, Triệu Bá Tông tiếp tục được Ngô hoàng hậu nuôi dưỡng. Đối với hai nghĩa tử, Ngô hoàng hậu nuôi dưỡng chu đáo, yêu thương không thiên vị.
Những năm sau, Tống Cao Tông phong Triệu Bá Tông làm Phổ An Quận vương, còn Triệu Cừ làm Ân Bình Quận vương.
Nhận thấy Triệu Bá Tông tính tình cung kiệm, thích đọc sách, Ngô hoàng hậu khuyên Tống Cao Tông nên lập Bá Tồn làm Thái tử. Tống Cao Tông chấp thuận, tấn phong Triệu Bá Tông làm Kiến vương, đổi tên thành Triệu Thận.
Năm Thiệu Hưng thứ 32 (1162), Tống Cao Tông nhượng vị, Triệu Thận nối ngôi, lấy hiệu là Tống Hiếu Tông. Tống Cao Tông được tôn làm Thái thượng hoàng, còn Ngô hoàng hậu trở thành Thái thượng hoàng hậu, cùng ngự ở Đức Thọ cung.
Không lâu sau, Tống Hiếu Tông tôn bà thành Thọ Thánh Thái thượng hoàng hậu .
Năm Thuần Hi thứ 14 (1187), Tống Cao Tông băng hà, di chiếu cải xưng Ngô hoàng hậu trở thành Hoàng thái hậu.
Năm Thuần Hi thứ 16 (1189), Tống Hiếu Tông lâm bệnh nên nhượng vị, Tống Quang Tông nối ngôi. Ngô Thái hậu được dâng tôn hiệu Thọ Thánh Hoàng thái hậu.
Trong thời đại nhà Tống, Ngô hoàng hậu là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn đến chính trị. Sách "Tống sử" nhận xét về bà rằng: "Ngô Hoàng hậu nhan sắc tuyệt trần, tính cách dễ mến. Bà không chỉ am hiểu sử sách mà còn ra sức tiếp cận thi thư, có nhiều điều thông tuệ, đặc biệt là thư pháp".
Từ khi xuất giá làm thê thiếp của Tống Cao Tông vào năm 1128 đến khi ông băng hà năm 1187, bà và Hoàng đế phu thê ân ái mặn nồng suốt 59 năm. Tại chốn hoàng cung thì cuộc "kim hôn" của Ngô Hoàng hậu và Cao Tông là duy nhất trong lịch sử.
Vì thời thế đổi thay, nên không một vị vua và hoàng hậu nào có thể chung sống với nhau đến răng long đầu bạc như vậy. Chính vì vậy, sự kết duyên của 2 người thật sự là một hôn nhân vàng vô cùng viên mãn!
Ngô Hoàng hậu giữ chức Hoàng hậu và Hoàng Thái hậu qua 4 thời đại vua Tống Cao Tông, Tống Hiếu Tông, Tống Quang Tông, Tống Ninh Tông. Tổng cộng 55 năm. Đây cũng là vị Hoàng hậu có thời gian tại vị lâu nhất .
Vào năm Khánh Nguyên thứ 3, Thọ Thánh Hoàng Thái hậu giá băng, thọ 84 tuổi. Thụy hiệu đầy đủ là Hiến Thánh Từ Liệt Hoàng hậu, bà được an táng tại Vĩnh Tư lăng.