Cặp điệp viên thành công nhất của tình báo Liên Xô
Joel Barr và Alfred Sarant là hai đảng viên Cộng sản đã cung cấp bí mật quân sự của Mỹ cho Liên Xô, trở thành những điệp viên thành công nhất trong lịch sử nước này. Sau khi trốn khỏi Mỹ, thay đổi tên và giấu kín nguồn gốc xuất thân của mình, họ bắt đầu cuộc sống mới ở Liên Xô và đạt được một số thành tựu đáng kể trong khoa học.
Lý tưởng Cộng sản và hoạt động tình báo cho Liên Xô
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1950, khi cơ quan phản gián Mỹ phát hiện một mạng lưới tình báo làm việc cho Liên Xô. Mạng lưới này được cho là đã giúp Liên Xô thu thập thông tin về chế tạo vũ khí hạt nhân. Cặp vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg là những thành viên chính, 3 năm sau họ bị hành quyết trên ghế điện. Những người khác bị bắt và lãnh án tù. Hai thành viên duy nhất trong mạng lưới thoát khỏi hình phạt là Joel Barr và Alfred Sarant.

Joel Barr.
Joel Barr sinh năm 1916 tại New York. Cha mẹ ông là người Do Thái di cư sang Mỹ từ thời nước Nga Sa hoàng. Cậu bé lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói và tội phạm hoành hành ở các khu vực đô thị. Đam mê công nghệ từ nhỏ, Joel tự lắp kính thiên văn và máy thu thanh.
Nhờ kiên trì và năng lực của mình, năm 1938, Joel tốt nghiệp trường cao đẳng thành phố với chuyên ngành kỹ sư điện. Trong thời gian học tập, ông gia nhập Liên minh Thanh niên Cộng sản Mỹ.
Nhân vật thứ hai, Alfred Sarant, sinh năm 1918 trong một gia đình người Hy Lạp nhập cư khá giả thuộc tầng lớp trung lưu. Năm 1940, Sarant tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cooper Union tư thục ở New York. Cũng như Barr, Sarant là thành viên của Liên minh Thanh niên Cộng sản Mỹ và yêu thích công nghệ thông tin.
Nhờ say mê chủ nghĩa Marx, trong những năm sinh viên, Barr quen biết Julius Rosenberg, cũng xuất thân từ một gia đình nhập cư Do Thái. Chính Rosenberg (mật danh "Liberal") đã liên lạc với tình báo Liên Xô vào đầu những năm 1940 và đã lôi kéo Barr (mật danh "Mètre"/"Scout") tham gia hoạt động tình báo. Cùng thời gian đó, Barr làm quen với Sarant, họ thuê chung một căn hộ và trở thành bạn thân. Barr tuyển mộ bạn mình vào mạng lưới tình báo với mật danh "Hughes".

Alfred Sarant.
Bắt đầu từ năm 1940, 3 cộng sự nói trên làm việc tại các phòng thí nghiệm của Quân đoàn Tín hiệu Quân đội Hoa Kỳ. Họ chỉ đảm nhận những chức vụ thấp, nhưng lại có quyền tiếp cận nhiều công nghệ mật và có thể sao chép tài liệu mà không gặp khó khăn gì.
Barr và Sarant là những kỹ sư công nghệ, chuyên lắp ráp và thử nghiệm các thiết bị, vì vậy, họ rất am hiểu chúng. Họ được phép đi lại tự do trong các nhà máy để nghiên cứu sâu hơn về quy trình sản xuất.
2 năm sau, Barr và Sarant bị sa thải khỏi Quân đoàn Tín hiệu Quân đội Hoa Kỳ vì quan hệ với đảng Cộng sản Mỹ (Barr) và hoạt động công đoàn tích cực (Sarant). Mặc dù vậy, họ vẫn tìm được việc làm tại công ty tư nhân Western Electric, chuyên thực hiện các hợp đồng quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngay lúc bấy giờ, FBI đã có thể tiếp cận mạng lưới tình báo Rosenberg, nhưng trong bối cảnh chiến tranh với Nhật Bản, mạng lưới này không được chú ý nhiều. Các quan chức phản gián Mỹ thậm chí không thể hình dung được rằng có những điệp viên Liên Xô đang hoạt động trong nước. Sự phối hợp yếu kém giữa FBI và quân đội cũng ảnh hưởng đến tình hình này.
Trong suốt những năm chiến tranh, qua Rosenberg, Barr và Sarant đã chuyển cho Liên Xô hơn 9.000 trang tài liệu liên quan đến hơn 100 chương trình vũ khí, bao gồm: hệ thống radar, kính ngắm máy bay, động cơ phản lực, máy tính tương tự để điều khiển hỏa lực, pháo binh, ngòi nổ cận đích, hệ thống rada và nhận diện "bạn-thù" cùng nhiều chương trình khác.
Những thông tin như vậy, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, là tài liệu cực kỳ quý giá, sánh ngang với các bí mật nguyên tử. Theo lời Đại tá Aleksandr Feklisov, cặp điệp viên (Barr và Sarant) được coi là hiệu quả nhất của mạng lưới tình báo.
Hầu như tất cả các thành viên trong mạng lưới của Rosenberg đều là những người theo chủ nghĩa Marx và tin rằng họ góp phần bảo vệ nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới đang đấu tranh chống chủ nghĩa quốc xã Đức vì sự tồn tại của mình.

Julius và Ethel Rosenberg.
Cuộc sống mới
Trong giai đoạn hậu chiến, Barr và Sarant đã thành lập công ty riêng mang tên Sarant Laboratories và bắt đầu tìm kiếm các hợp đồng quân sự, nhưng chẳng mấy chốc đã bị phá sản. Sau đó, mỗi người tự tìm công việc riêng. Năm 1946, Barr vào làm việc tại Tập đoàn Sperry, một công ty thiết bị và điện tử lớn của Mỹ, nhưng không được phép tiếp cận các hệ thống định vị vô tuyến. Vào thời điểm này, FBI đã có bằng chứng về mối liên hệ của ông với những người cộng sản, nhưng vẫn chưa nghi ngờ ông tham gia hoạt động gián điệp.
Kết quả là Barr mất việc và cảm thấy bị đe dọa, nên ông đã rời Mỹ sang châu Âu (năm 1948), nơi ông bắt đầu nghiên cứu âm nhạc và kỹ thuật, đồng thời thỉnh thoảng cũng liên lạc với điệp viên Liên Xô.
Còn Sarant chuyển đến thành phố Ithaca của New York và kết hôn. Theo nhiều nguồn tin, ông làm thợ sơn và thợ máy, sau đó làm kỹ sư tại Đại học Cornell, tham gia vào việc chế tạo máy gia tốc hạt cyclotron.
Tình hình của mạng lưới tình báo Rosenberg ngày càng xấu đi: từ năm 1948, FBI đã theo dõi Barr, nhầm lẫn ông với Rosenberg. Năm 1950, các thành viên của mạng lưới lần lượt bị bắt, kể cả cặp vợ chồng người đứng đầu mạng lưới. Trong tình thế đó, với sự giúp đỡ của KGB, Barr đã khẩn trương đến Tiệp Khắc (qua Thụy Sĩ), không báo cho ai biết về chuyến đi của mình, thậm chí bỏ lại đồ đạc.
Sau khi vợ chồng Rosenberg bị bắt, các điệp viên FBI đã thẩm vấn Sarant, người còn ở Mỹ, và khám xét nhà ông. Sarant không bị buộc tội, vì vậy họ chỉ yêu cầu ông viết giấy cam kết không rời khỏi nơi cư trú. Đồng thời, Sarant phủ nhận mọi liên quan đến mạng lưới gián điệp, và một tuần sau, đã cùng tình nhân chạy sang Mexico.

Nikita Khruschyov đến thăm KB-2.
Năm 1951, Barr và Sarant gặp nhau tại Praha. Ở Mỹ, họ không bị buộc tội, nhưng FBI vẫn theo dõi họ cho đến năm 1980.
Như vậy, Barr và Sarant là hai điệp viên duy nhất trong mạng lưới Rosenberg thoát khỏi sự truy đuổi của hệ thống tư pháp Mỹ. Ở Tiệp Khắc, họ thay đổi tên và lai lịch: Barr trở thành Joseph Berg, còn Sarant trở thành Philipp Staros. Họ tự giới thiệu là đảng viên đảng Cộng sản Nam Phi và đảng Lao động Canada.
Cả hai điệp viên đều tìm được việc làm tại một văn phòng thiết kế ở Séc. Có thông tin cho rằng họ đã thiết kế một máy tính tương tự cho các lực lượng phòng không, nhờ đó mà hệ thống phòng không tự động đầu tiên ra đời và hoạt động cho đến tận những năm 1980.
“Làn gió mới” của ngành vi điện tử Liên Xô
Năm 1956, hai người bạn cùng gia đình chuyển đến Liên Xô. Sự xuất hiện của các kỹ sư máy tính Mỹ trùng với giai đoạn áp dụng các công nghệ mới, được coi là đầu tàu của nền kinh tế Liên Xô.
Tại thành phố Leningrad, phòng thí nghiệm đặc biệt số 11 (sau này là phòng thiết kế KB-2) dành cho họ đã được thành lập. Staros giữ chức trưởng phòng, còn Berg là phó phòng. Họ được tạo mọi điều kiện thuận lợi: tự tuyển dụng các chuyên gia cần thiết và nhận được mức lương cao (700 rúp/tháng). Tuy nhiên, vì là người nước ngoài, họ luôn luôn bị các nhân viên KGB theo dõi.
Phòng thiết kế của họ thực hiện các đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng. Chẳng hạn, tại đây, họ đã thiết kế một linh kiện cho radar được sử dụng trong các con tàu vũ trụ đầu tiên. Nhờ những thành tích đó, Berg và Staros được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ.
Sau đó, KB-2 bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực vi điện tử: chế tạo máy tính bỏ túi, các mẫu mạch tích hợp phim, bộ nhớ và các linh kiện máy tính với mức tiêu thụ năng lượng thấp. Sản phẩm của họ không chỉ phục vụ cho nền kinh tế quốc dân mà còn cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Một trong những thành tựu quan trọng nhất của KB-2 là trong vòng 2 năm, phòng này đã chế tạo thành công máy tính điện tử (UM1-NH) để giải các bài toán kiểm tra và điều khiển, được sử dụng trong sản xuất, nhà máy điện và các lĩnh vực khác.
Điểm độc đáo của máy tính này là rẻ, gọn nhẹ và tiết kiệm năng lượng. Đây là nguyên mẫu của quá trình số hóa rộng rãi. Hiệu quả của máy tính điện tử UM-1 được cả thế giới công nhận, kể cả Mỹ. Nhờ có thiết bị độc đáo này, một số lãnh đạo của phòng đã được trao Giải thưởng Nhà nước Liên Xô.
Phương pháp làm việc của Staros và Berg chịu ảnh hưởng của khoa học phương Tây: họ tiến hành các nghiên cứu cơ bản, tham khảo các tài liệu tiếng Anh và khuyến khích nhân viên làm theo cách đó; tập trung vào các sản phẩm của chính mình thay vì chỉ sao chép công nghệ của người khác.

Máy tính điện tử UM1-NH.
Đỉnh cao trong sự nghiệp của Staros và Berg là năm 1962, khi Nikita Khruschyov thăm phòng thiết kế của họ (KB-2). Tại đây, họ đã trình bày tất cả những ưu điểm của công nghệ vi điện tử cho nhà lãnh đạo nghe. Cụ thể, Staros đã đề xuất xây dựng một khu phức hợp sản xuất vi điện tử mạnh (khép kín) ở thành phố Zelenograd, quy mô lớn gấp hàng trăm lần các công ty công nghệ cao của Mỹ.
Nikita Khruschyov rất ấn tượng với ý tưởng này, và một tháng sau, chính phủ đã thông qua một nghị quyết về việc thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học 35.
Tuy nhiên, thời điểm này, tình hình chính trị nội bộ của Liên Xô diễn biến rất phức tạp. Khruschyov buộc phải từ chức và tất cả những người gần gũi với ông đều bị thất sủng. Staros và Berg ngay lập tức bị cáo buộc lãng phí công quỹ, âm mưu phục quốc Do Thái (!) và lạm dụng quyền lực. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, KB-2 bị tái cấu trúc nhiều lần, và cuối cùng trở thành một bộ phận của Liên hiệp Sản xuất thiết bị điện tử Leningrad “Svetlana”, còn các cán bộ lãnh đạo bị cách chức. Riêng dự án xây dựng Viện Nghiên cứu Khoa học vi điện tử ở Zelenograd thì không được thực hiện do thiếu kinh phí.
Sau đó, cuộc sống của Staros và Berg đã đi theo hai con đường khác nhau. Staros chuyển đến thành phố Vladivostok, làm việc tại chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Năm 1979, ông qua đời vì nhồi máu cơ tim.
Còn Berg vào làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu tiềm năng của Liên hiệp Sản xuất thiết bị điện tử Leningrad “Svetlana” cho đến khi cơ quan này giải thể, ngoài ra ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và duy trì một lối sống lành mạnh. Cho đến cuối đời, Berg vẫn giữ vững niềm tin vào lý tưởng cộng sản. Năm 1998, ông qua đời vì bệnh tiểu đường.