Cấp bách xử lý ô nhiễm lưu vực sông
Nhiều năm qua, Việt Nam đứng trước áp lực lớn về suy thoái môi trường, trong đó ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông là vấn đề nghiêm trọng và dai dẳng nhất. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ký ban hành kế hoạch cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở các lưu vực sông gây nhức nhối nhiều năm. (Nguồn: CTT quan trắc môi trường)
Tình trạng xả thải nhức nhối đe dọa an ninh nguồn nước
An ninh nguồn nước đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển bền vững, ổn định chính trị và chủ quyền quốc gia. Nhận thức rõ điều này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022, xác định mục tiêu trọng tâm như bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.
Trong đó, các giải pháp quan trọng bao gồm phải chủ động ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Đáng chú ý, vấn đề bảo vệ môi trường lưu vực sông luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Nông nghiệp và Môi trường mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.
Tình trạng ô nhiễm lưu vực sông những năm qua đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các cấp, các ngành và dư luận xã hội. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp ở cả cấp Trung ương và địa phương để giải quyết vấn đề này.
Nhiều báo cáo thống kê đã xác định cụ thể các nguồn thải chính gây tác động tiêu cực đến chất lượng nước lưu vực sông. Đầu tiên là nước thải sinh hoạt từ các đô thị và khu dân cư nông thôn. Ước tính, cả nước có khoảng 7.680.000m³/ngày đêm nước thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị loại IV trở lên.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang hoạt động vẫn còn ít, tổng công suất chưa đáp ứng được thực tế; tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý trung bình trên toàn quốc chỉ đạt khoảng 12,5%.
Nguồn thải lớn thứ hai là nước thải từ các cụm công nghiệp. Hiện cả nước có khoảng 698 cụm công nghiệp đang hoạt động, nhưng đáng suy ngẫm là chỉ có 16,8% trong số đó có hệ thống xử lý nước thải.
Nguồn lớn thứ ba là nước thải từ các làng nghề. Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ về lượng nước thải phát sinh và hiện trạng xử lý trên toàn quốc, nhưng thực tế kiểm tra cho thấy rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Xử lý hình sự các hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng
Hiện nay, việc quản lý và bảo vệ môi trường nước tại các lưu vực sông đang được triển khai theo khuôn khổ của ba luật chuyên ngành gồm: Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Thủy lợi năm 2017, cùng với hệ thống các văn bản dưới luật và quy định liên quan.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình thực thi vẫn tồn tại không ít bất cập. Đặc biệt, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu tính răn đe, chưa đủ sức ngăn ngừa và xử lý hiệu quả các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường nước.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ký Quyết định số 746/QĐ-BNNMT ngày 11/4/2025, ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cụ thể hóa các nội dung yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cấp bách kiểm soát, xử lý ô nhiễm lưu vực sông, đặc biệt là tại lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Kế hoạch gồm 11 nhóm nội dung hành động cụ thể, từ rà soát, công bố danh mục nguồn thải vào các lưu vực sông theo quy định đến tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định,
Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông, tạo hiệu ứng răn đe trong doanh nghiệp, xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng.