Cấp bách xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Ngành chăn nuôi Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 phải có trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Trong đó, nhiệm vụ cấp bách đến năm 2030, xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn thế giới.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Phùng Đức Tiến tại lễ kỷ niệm mốc 10 năm xuất khẩu và đánh dấu đơn hàng thứ 500 sang thị trường Trung Đông của Công ty TNHH Thuốc thú y Á Châu (Cần Thơ).

Ông Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đang có đóng góp vô cùng quan trọng cho nông nghiệp Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm của ngành chăn nuôi đạt 4 - 5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt hơn 5,7%, đóng góp 26% vào GDP toàn ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 xác định, ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa hầu hết các khâu, từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo chiến lược, ngành chăn nuôi Việt Nam đến năm 2045 phải có trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, nhiệm vụ cấp bách đến năm 2030 phải xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn thế giới tại vùng Đông Nam Bộ.

Nghi thức công bố đơn hàng thứ 500 sang thị trường Trung Đông.

Nghi thức công bố đơn hàng thứ 500 sang thị trường Trung Đông.

Để có thể đạt được những mục tiêu trên, vai trò của ngành sản xuất thuốc thú y trong nước vô cùng quan trọng. Những năm qua ngành chăn nuôi có sự phát triển đột phá là nhờ đóng góp của ngành sản xuất thuốc thú y. Mỗi năm ngành thuốc thú y thu về hàng ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành thuốc thú y chủ yếu phụ thuộc vào kinh doanh thương mại từ những nguồn thuốc ở nước ngoài, chưa giành được thị phần do chưa có nhiều nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt GMP.

"Việc một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thuốc thú y trong nước tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm thông qua việc nghiên cứu, sản xuất, nâng cấp dây chuyền máy móc hiện đại là điều đáng được khuyến khích", ông Tiến nói.

Công ty TNHH Thuốc thú y Á Châu (quận Cái Răng, Cần Thơ) có hệ thống kho bãi trên 500m2, có 7 dây chuyền sản xuất thuốc thú y đạt chứng nhận của WHO. Hiện, công ty đã đăng ký sản xuất lưu hành gần 400 sản phẩm thuốc thú y, sản phẩm dinh dưỡng trong chăn nuôi và thủy sản, phân phối trong nước và xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cap-bach-xay-dung-vung-chan-nuoi-an-toan-dich-benh-post1664213.tpo
Zalo