Cấp bách mở rộng mạng lưới cấp cứu ngoại viện

Nếu không có một hệ thống cấp cứu ngoại viện đủ mạnh và hiệu quả, rất nhiều bệnh nhân sẽ không thể vượt qua được nguy kịch

Ngày 31-12-2024, Bộ Y tế kết hợp với Sở Y tế TP HCM tổ chức hội thảo "Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện". Cấp cứu ngoại viện là một trong những thành phần quan trọng trong hệ thống y tế, giúp giảm thiểu rủi ro và cứu sống người bệnh trong các tình huống khẩn cấp.

Cuộc gọi cấp cứu tăng mạnh

Báo cáo tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết tại TP HCM, dù hệ thống cấp cứu ngoại viện đã phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn những thách thức cần phải vượt qua. Hiện TP HCM có tổng cộng 133 bệnh viện (BV), trong đó có 70 BV tư nhân và 12 BV thuộc các bộ, ngành. Đây là một trong những hệ thống y tế lớn của cả nước nhưng lại gặp nhiều vấn đề trong việc đáp ứng nhu cầu cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu ngoài BV.

TP HCM đang vận hành một mạng lưới cấp cứu ngoài BV với Trung tâm Cấp cứu 115 và 43 trạm cấp cứu vệ tinh tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Mặc dù có sự phối hợp giữa cấp cứu trong và ngoài BV nhưng mạng lưới này vẫn chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu thực tế. Dữ liệu cho thấy số lượng cuộc gọi cấp cứu ở TP HCM đã tăng mạnh - từ gần 9.000 cuộc vào năm 2015 lên gần 400.000 cuộc vào năm 2024. Tuy nhiên, theo PGS Dũng, vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu nguồn lực và chất lượng dịch vụ cấp cứu, điều này đòi hỏi một sự cải tiến toàn diện.

Theo TS Khương Anh Tuấn - Viện Chiến lược và Chính sách y tế, hiện 43% các địa phương (27/63 tỉnh, thành) chưa có hệ thống cấp cứu ngoại viện chính thức. Chỉ 17% có trung tâm cấp cứu 115, 29% có hệ thống cấp cứu tại BV đa khoa tỉnh và 11% giao nhiệm vụ cấp cứu cho đơn vị tư nhân.

Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện sẽ tăng cơ hội sống sót cho người bệnh

Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện sẽ tăng cơ hội sống sót cho người bệnh

Không thể chậm trễ trước tình huống nguy kịch

Lý giải nguyên nhân, TS Khương Anh Tuấn cho biết là do thiếu tổ chức và quản lý thống nhất, sự thiếu liên kết giữa các cơ sở y tế. Ngoài ra, việc điều phối cấp cứu tại nhiều địa phương chưa hiệu quả, nhân viên cấp cứu thiếu đào tạo và chưa đạt chuẩn. Cơ chế tài chính và phương tiện cấp cứu chưa rõ ràng, gây khó khăn trong phát triển hệ thống.

TS Tuấn đề xuất cần thiết lập đầu mối điều phối cấp cứu chung, thu hồi đầu số 115 từ các đơn vị tư nhân và bảo đảm nguồn lực đầy đủ để cải thiện chất lượng dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cũng chỉ ra rằng dù hệ thống cấp cứu ngoại viện đã được triển khai ở một số thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội nhưng vẫn thiếu nhân lực và cơ sở vật chất. Thiếu hụt các phương tiện cấp cứu chuẩn hóa, thiết bị y tế và đội ngũ nhân viên có tay nghề cao là một trong những nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả của cấp cứu ngoài BV. Sự thiếu hụt này dẫn đến tình trạng cấp cứu chậm trễ và nguy cơ tử vong cao trong các tình huống khẩn cấp.

TS Đức nhấn mạnh cấp cứu ngoại viện có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu sống người bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp tai nạn giao thông, đột quỵ hay các bệnh lý khẩn cấp khác. Thống kê cho thấy tỉ lệ tử vong tại BV hiện chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số ca tử vong hằng năm, còn lại là tử vong ngoài BV, chủ yếu là do tai nạn giao thông, đột quỵ và các bệnh lý khác.

"Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà là vấn đề cấp bách liên quan đến sự sống còn của cộng đồng" - TS Đức chia sẻ.

Theo TS Hà Anh Đức, trong khi các BV đã có hệ thống cấp cứu nội viện thì cấp cứu ngoại viện lại yêu cầu một mạng lưới rộng khắp, nhanh chóng và có khả năng ứng phó mọi tình huống. Hệ thống cấp cứu ngoại viện phải bảo đảm được sự phối hợp giữa các trạm cấp cứu vệ tinh, xe cứu thương và các BV, sao cho bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và được chuyển nhanh chóng tới các cơ sở điều trị.

TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, chia sẻ thông tin liên quan đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện tại Việt Nam

TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, chia sẻ thông tin liên quan đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện tại Việt Nam

Xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng cho rằng để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cấp cứu ngoại viện, ngành y tế TP HCM đã xây dựng đề án và đang thực hiện với 5 mục tiêu gồm: hình thành các trung tâm cấp cứu 115; xây dựng cổng tiếp nhận và điều phối cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp; triển khai chương trình đào tạo chính quy cho nhân viên y tế; đa dạng hóa phương tiện vận chuyển bệnh nhân cấp cứu; nâng cao chất lượng cấp cứu ngoài BV, phổ cập kiến thức sơ cứu cho người dân.

"Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài BV sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng và nâng cao hiệu quả công tác cấp cứu, chăm sóc và điều trị bệnh nhân, đồng thời giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng và hiệu quả hơn" - PGS Dũng nhấn mạnh.

Để hệ thống cấp cứu ngoài BV được chuyên nghiệp, kịp thời, TS-BS Hà Anh Đức cho biết Cục Quản lý khám chữa bệnh đang xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển cấp cứu ngoại viện tại Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ xây dựng một đề án hoàn chỉnh để báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Thủ tướng Chính phủ. Đề án này không chỉ bao gồm các vấn đề chuyên môn mà còn liên quan cơ chế tài chính, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành y tế cũng như cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác cấp cứu ngoại viện" - TS Đức nói.

TS Đức cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể, như đào tạo nhân lực y tế chuyên trách cho công tác cấp cứu ngoại viện. "Ngoài bác sĩ, chúng ta cũng cần những điều dưỡng viên có kỹ năng và chứng chỉ hành nghề phù hợp. Đồng thời, phải chú trọng đến vai trò của các nhân viên y tế cấp cứu tại hiện trường - những người trực tiếp xử lý các tình huống khẩn cấp. Một vấn đề quan trọng nữa là việc chuẩn hóa các phương tiện cấp cứu, bao gồm các xe cứu thương khẩn cấp và xe cứu thương không khẩn cấp" - ông Đức dẫn chứng.

Theo ông Đức, TP HCM hiện là một trong những điểm sáng trong công tác cấp cứu ngoại viện. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Y tế, các cơ quan Chính phủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các chuyên gia y tế ở Hà Nội và TP HCM để hoàn thiện đề án cấp cứu ngoại viện. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ tất cả các bên liên quan để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân" - ông Đức nói.

5 kiến nghị của ngành y tế TP HCM

Để hệ thống cấp cứu ngoài BV tại TP HCM được hoàn thiện, ngành y tế thành phố đề xuất 5 kiến nghị. Cụ thể: Thứ nhất, BHYT chi trả chi phí cấp cứu ngoài BV giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân trong trường hợp cấp cứu. Thứ hai, cần ban hành quy định về chủng loại, số lượng mô tô cứu thương và quy định về việc cấp phép đối với loại phương tiện này. Đồng thời, cần có các quy định cụ thể cho 2 loại hình xe cứu thương: xe cứu thương khẩn cấp và xe cứu thương không khẩn cấp. Thứ ba, xây dựng các chế độ, phụ cấp ưu đãi và bảo hiểm nghề phù hợp cho các nhân viên y tế làm việc trong môi trường cấp cứu, bao gồm cả tài xế xe cứu thương, với mức độ nguy hiểm khi hoạt động ngoài hiện trường. Thứ tư, kết nối mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo quy mô vùng, giúp tăng cường hiệu quả điều phối và hỗ trợ các trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Thứ năm, phát triển cấp cứu bằng đường hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho những bệnh nhân ở các khu vực xa xôi hoặc trong tình huống khẩn cấp đột xuất.

Cần sự hỗ trợ mạnh mẽ

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định các đơn vị y tế đã có những đóng góp quan trọng trong việc triển khai hệ thống cấp cứu ngoại viện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, đào tạo nhân lực và cơ chế tài chính. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh sự thiếu hụt về chức danh nghề nghiệp và hệ thống pháp lý cho cấp cứu ngoại viện. Dù Luật Khám chữa bệnh và các nghị định liên quan đã được sửa đổi nhưng vẫn cần thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nguồn lực xã hội, bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức xã hội hóa.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ quan liên quan khảo sát và đánh giá nhu cầu về nhân lực, cơ sở hạ tầng và thiết bị cấp cứu ngoại viện. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng chuẩn năng lực cho đội ngũ cấp cứu viên, thiết lập các chương trình đào tạo và xây dựng chức danh nghề nghiệp cho nhân viên cấp cứu ngoại viện.

Theo Thứ trưởng, việc xây dựng đề án cấp cứu ngoại viện giai đoạn 2025-2030 là bước đi quan trọng để hoàn thiện hệ thống này, bao gồm cả kế hoạch và lộ trình cụ thể. Chính sự nỗ lực không ngừng của các chuyên gia và cơ quan chức năng sẽ giúp hệ thống cấp cứu ngoại viện phát triển mạnh mẽ, giảm thiểu tử vong và bảo vệ sức khỏe người dân trong các tình huống khẩn cấp.

Bài và ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cap-bach-mo-rong-mang-luoi-cap-cuu-ngoai-vien-196241231211239307.htm
Zalo