Cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai

Trận mưa lũ từ đêm mùng 8 đến sáng 10.9 đã gây thương vong, mất mát về người; hàng trăm nhà ở bị ảnh hưởng, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp, thậm chí rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”; sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề; không ít công trình thủy lợi, đường giao thông trên địa bàn tỉnh hư hại. Trước thực tế này, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm sớm ổn định đời sống của nhân dân và khôi phục sản xuất.

Nhiều thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Mưa lớn khiến nhà ở của một hộ dân xã Đông Thành (Bắc Quang) ngập sâu trong nước (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: CTV

Mưa lớn khiến nhà ở của một hộ dân xã Đông Thành (Bắc Quang) ngập sâu trong nước (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: CTV

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang Trần Minh Hữu cho biết: Toàn huyện có hơn 340 ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại. Trong đó, hơn 3 ha cây keo và gần 6 ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị gẫy đổ; gần 300 ha cây lúa, ngô, lạc và 35 ha cây ăn quả bị ngập sâu trong nước. Riêng tại xã Đồng Yên, nước lũ cuốn trôi, làm chết 20 con lợn và hơn 4.500 con gà; 5,2 ha ao cá tràn bờ, tỷ lệ thiệt hại lên đến hơn 70%. Trên các tuyến đường của các xã Đồng Yên, Quang Minh, Việt Hồng, Liên Hiệp… có hàng chục điểm ngập sâu trong nước; có điểm ngập sâu đến hơn 2m khiến giao thông tê liệt. Nước lũ bủa vây, Trường THCS Đồng Yên phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Toàn huyện còn có 80 nhà ở bị ảnh hưởng, gồm 3 nhà dân tại xã Tân Thành, Tân Lập bị gió lốc làm tốc mái với tỷ lệ thiệt hại khoảng 10 - 30%; 77 nhà ở tại các xã Đồng Yên, Đông Thành, Vĩnh Phúc bị ngập úng cục bộ do nước lũ dâng cao.

Nằm ở vùng thấp, huyện Quang Bình là địa phương phải gánh chịu những hậu quả nặng nề trong đợt bão lũ lần này. Trên địa bàn huyện có 2 nhà phải di dời khẩn cấp; 2 nhà bị vùi lấp hoàn toàn; 3 nhà bị nước lũ cuốn trôi và 66 nhà bị sạt lở. Ngoài ra, hơn 100 ha lúa, ngô và cây lâm nghiệp của bà con nông dân cũng bị thiệt hại theo dòng nước lũ. Quốc lộ 279 đoạn qua xã Yên Thành bị sạt lở taluy 11 điểm, khối lượng khoảng 4.000 m3 đất; 1 cây cầu treo bị cuốn trôi và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở các xã vùng trũng thấp như: Vĩ Thượng, Xuân Giang, Tiên Yên, Bằng Lang ngập úng sâu, sạt lở rất nghiêm trọng. Theo người dân chứng kiến, trận mưa lũ khiến mực nước trên các sông, suối dâng cao chưa từng thấy, nước lũ cuồn cuộn chảy xiết gây ảnh hướng lớn đến hoạt động giao thương, đi lại và cuộc sống của nhân dân.

Lãnh đạo huyện Quang Bình kiểm tra khu vực sạt lở nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 279, đoạn qua địa phận xã Yên Thành (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: Hoàng Tuấn

Lãnh đạo huyện Quang Bình kiểm tra khu vực sạt lở nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 279, đoạn qua địa phận xã Yên Thành (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: Hoàng Tuấn

Những cơn mưa kéo dài trong nhiều giờ đã làm 4 hộ dân thôn Bờ Sông, xã biên giới Xín Cái (Mèo Vạc) rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Trong đó, hộ anh Vừ Mí Già (sinh 1995), Vừ Mí Già (sinh 1996) có nhà xây 3 gian; hộ anh Vừ Mí Sính, có nhà gỗ 2 gian và gia đình anh Vừ Mí Súng có nhà gỗ 3 gian đều bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Điều đáng nói, cả 4 trường hợp này đều mới tách hộ và là những chủ hộ trẻ, tuổi đời từ 28 - 35. Không chỉ mất nhà, sản nghiệp của họ là 3 chuồng chăn nuôi gia súc cùng 2 con bò, 2 con dê đều bị lũ dữ cuốn trôi khiến thiệt hại của các hộ lên đến hơn 500 triệu đồng. Tất cả tài sản mất trong phút chốc, làm cho cuộc sống của người dân vùng biên vốn đã khó khăn nay lại càng trở nên khó khăn hơn.

Tính đến sáng 10.9, mưa lũ đã làm 713 nhà ở của các hộ dân trong toàn tỉnh bị ảnh hưởng. Hơn 1.117 ha sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại, với nhiều diện tích nguy cơ mất trắng. Thêm vào đó, nhiều tuyến kênh mương trong tình trạng vùi lấp, hư hỏng. Không ít tuyến đường tại huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc… bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn khiến các phương tiện giao thông không thể lưu thông. Tại xã Quảng Nguyên (Xín Mần), 1 gian nhà tại Chợ trung tâm xã với chiều dài 28 m, rộng 15 m đổ sập hoàn toàn; 3 gian nhà bị nghiêng có nguy cơ bị sập đổ và 4 cột điện tại huyện Bắc Mê gãy đổ. Không chỉ thiệt hại về tài sản, đau xót hơn khi nước lũ đổ về đã cuốn trôi cháu Giàng Thị C. (sinh 2021), thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) gây tử vong thương tâm; cháu bé Cẩu Thị Thúy Ánh, 6 tháng tuổi, thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng (Hoàng Su Phì) mất tích do lũ và sạt lở đất; 1 cháu bé may mắn được cứu kịp thời, bị thương ở chân. Tổng thiệt hại trong toàn tỉnh khoảng 27,5 tỷ đồng.

Chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiên tai

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh hỗ trợ người dân di chuyển tại khu vực ngập lụt tổ 2, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: Mộc Lan

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh hỗ trợ người dân di chuyển tại khu vực ngập lụt tổ 2, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: Mộc Lan

Với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang cùng sự chung sức đồng lòng, tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân, ngay từ khi nắm bắt được thông tin diễn biến mưa lũ, người dân ở sinh sống ở các khu vực trọng điểm hay xảy ra ngập lụt của thành phố đã chủ động, khẩn trương thực hiện các phương án phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai. Anh Phùng Minh Chung, tổ dân phố 2, phường Minh Khai cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các đợt mưa lũ trước đó, các hộ dân đã túc trực khi trời mưa to kéo dài, mức nước sông Lô dâng lên cao. Từ sáng sớm ngày 9.9, các gia đình đã giúp đỡ nhau di chuyển các vật dụng thiếu yếu đến vị trí an toàn. Đồng thời, dự phòng sẵn một số đồ đạc, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống thường ngày. Ngày hôm qua, khi nước đã ngập sâu vào nhà khoảng 40 cm nhưng gia đình tôi không thiệt hại về tài sản, an toàn về người”.

Lãnh đạo huyện Bắc Quang trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại cơ sở (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: Thanh Loan

Lãnh đạo huyện Bắc Quang trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại cơ sở (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: Thanh Loan

Đối với các huyện bị ngập lụt như Bắc Quang, Quang Bình, ngay sau khi mưa lũ dâng lên cao, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã kịp thời bố trí nhân lực, phương tiện tham gia phòng, chống bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng chí Đào Quang Diệu, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Từ huyện đến xã vẫn đang duy trì lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống mưa lũ, đặt an toàn tính mạng con người lên trên hết. Những hộ bị vùi lấp, sập đổ, cuốn trôi nhà được lưu trú tạm nhà người thân, nhà văn hóa thôn, không để gia đình nào phải thiếu chỗ ở. Cùng với đó, công tác dự báo, cảnh báo, thông tin thời tiết được theo dõi chặt chẽ, liên tục”.

Phó Chủ tịch UBND xã Xín Cái (Mèo Vạc) Dương Trọng Thái chia sẻ: “Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp, ngành, 4 hộ dân thôn Bờ Sông đã theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, mực nước sông Nho Quế và chuyển đến nơi trú tránh an toàn, ở ghép với các hộ khác trong thôn nên không bị thiệt hại về người khi lũ trên sông dâng cao. Trước thực tế cả 4 hộ trên đều bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà ở, cấp ủy, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống từng hộ động viên, thăm hỏi, vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ như: Quần áo, chăn màn, thực phẩm... Đồng thời, phối hợp với Đồn Biên phòng Xín Cái và huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định cuộc sống”.

Lực lượng “4 tại chỗ” huyện Mèo Vạc vượt lũ đưa 1 bệnh nhân xuất huyết dạ dày đến bệnh viện cấp cứu kịp thời (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: Minh Đức

Lực lượng “4 tại chỗ” huyện Mèo Vạc vượt lũ đưa 1 bệnh nhân xuất huyết dạ dày đến bệnh viện cấp cứu kịp thời (ảnh chụp sáng 9.9). Ảnh: Minh Đức

Trong hoàn cảnh thiên tai, bão lũ chồng chất, với sự vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các cấp, các ngành, sự có mặt kịp thời mọi lúc, mọi nơi của lực lượng công an, quân đội, hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ được diễn ra hết sức khẩn trương, quyết liệt. Ngoài việc thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn, các địa phương đang tập trung hỗ trợ những hộ dân thiệt hại về nhà ở và tài sản khắc phục hậu quả. Những hộ nằm trong vùng xung yếu được tuyên truyền, vận động di dời đến nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Trên những tuyến đường bị sạt lở đã huy động máy móc, phương tiện và nhân lực để san gạt bùn, đất, đá, đặt rào chắn, cảnh báo ở nơi có nguy cơ sạt lở cao. Trong ngổn ngang đổ nát, đau thương, mất mát vì mưa lũ, có biết bao tấm lòng thảo thơm sẻ chia từng hạt gạo, gói mì, chăn màn, áo mặc cho người gặp hoạn nạn và cũng có biết bao tấm gương sẵn sàng lăn xả, quên mình vì sự an toàn của nhân dân.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG - MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202409/cap-bach-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-b922441/
Zalo