Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tiếp tục thiếu cát, dự án chậm tiến độ
Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án cao Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là do thiếu hụt nguồn vật liệu đắp nền, chủ yếu là cát. Bởi đến nay mới chỉ xác định được nguồn cát đắp khoảng 23 m3 so với tổng nhu cầu dự kiến 29 triệu m3.
![Nguồn vật liệu cát san lấp thiếu hụt trầm trọng Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_3_51503477/cfec621d4c53a50dfc42.jpg)
Nguồn vật liệu cát san lấp thiếu hụt trầm trọng Ảnh minh họa
Bộ Giao thông vận tải mới đây đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang liên quan đến tiến độ thi công tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện Quốc hội chuyển đến sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, có nội dung như sau:
“Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm giảm áp lực lưu lượng phương tiện giao thông lớn di chuyển trên quốc lộ 91 (đoạn từ thành phố Long Xuyên đến thành phố Châu Đốc), góp phần kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông, đặc biệt là trong cao điểm thời gian diễn ra các ngày lễ, tết”.
Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 1399/BGTVT-CĐCTVN ngày 13/02/2025 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ này tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022 quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia thành 4 dự án thành phần và giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng là cơ quan chủ quản tổ chức triển khai đầu tư dự án, bảo đảm tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Theo Bộ này, ngay sau khi Nghị quyết số 60/2022/QH15 được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, các địa phương đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu huy động tối đa vật tư, nhân lực, thiết bị để triển khai dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Về phần mình, với vai trò bộ quản lý chuyên ngành, thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Cho đến nay, dự án đã đạt được một số kết quả nhất định; chẳng hạn như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đạt 99%, khối lượng thi công đạt khoảng 30%...
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận rằng tiến độ triển khai công trình còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Cụ thể, đến nay mới xác định được nguồn cát khoảng 23 triệu m3 so với tổng nhu cầu của dự án khoảng 29 triệu m3.
“Hiện các địa phương đang đẩy nhanh thủ tục cấp phép mỏ và rà soát bổ sung nguồn cát còn thiếu; đồng thời xem xét phương án sử dụng cát biển trên địa phận tỉnh Sóc Trăng để đắp nền đường”, lãnh đạo Bộ này khẳng định.
Về hướng sắp tới, Bộ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công bù đắp các hạng mục công việc còn chậm nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Phấn đấu sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, giảm áp lực lưu lượng phương tiện giao thông di chuyển trên quốc lộ 91.
Dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188 km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng với 4 dự án thành phần, được khởi công toàn tuyến vào tháng 6/2023.
Theo tính toán thì nguồn cát phục vụ san lấp thi công dự án vào khoảng 31 triệu m3. Còn tính toán ban đầu của Bộ Giao thông vận tai là 28,91 triệu m3; trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3 và năm 2025 là 8,95 triệu m3. của Bộ Giao thông vận tải, là 28,91 triệu m3; trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3 và năm 2025 là 8,95 triệu m3.
Trước đó, tại cuộc họp với các địa phương dự án vào cuối tháng 02/2024, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tiền Giang hỗ trợ hai địa phương Hậu Giang và Cần Thơ tổng cộng khoảng 8 triệu m3 cát san lấp để phục vụ thi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, do nguồn vật liệu san lấp này đang thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án...