Cao su Đà Nẵng (DRC): Động lực tăng trưởng từ thị trường Mỹ và dòng lốp PCR
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC) được kỳ vọng là doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi trực tiếp từ việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với lốp xe tải Thái Lan.
Giá cao su tăng cao “bào mòn” lợi nhuận
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2024 với doanh thu thuần nhích tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1.100 tỷ đồng.
Bóc tách dữ liệu cho thấy, thị trường nước ngoài chiếm 51% tổng doanh thu quý 4/2024 của Cao su Đà Nẵng, tương ứng khoảng 561 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do Brazil, thị trường đóng góp 44% doanh thu xuất khẩu, áp thuế nhập khẩu cao (áp dụng từ quý 2/2023).
Trong khi đó, doanh thu tại thị trường Mỹ của Cao su Đà Nẵng đã tăng lên, chiếm khoảng 28% tổng doanh thu xuất khẩu, do khách hàng đa dạng hóa nguồn cung trước khi biện pháp chống bán phá giá lốp xe tải Thái Lan tại Mỹ chính thức có hiệu lực từ năm nay. Tuy nhiên, điều này cũng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Brazil.
Sản lượng xuất khẩu lốp TBR và lốp PCR, hai dòng sản phẩm chủ lực của Cao su Đà Nẵng, trong quý 4/2024 lần lượt đạt 131.000 chiếc và 36.000 chiếc, tương ứng giảm 13% và 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với thị trường nội địa, doanh thu trong nước chiếm 49% tổng doanh thu quý 4/2024 của Cao su Đà Nẵng, tương ứng khoảng 539 tỷ đồng. Con số này tăng trưởng tới 24% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ việc các khách hàng truyền thống gia tăng đơn hàng trở lại.
Xét về các khoản chi phí, Cao su Đà Nẵng đã ghi nhận mức tăng mạnh đối với các nguyên liệu đầu vào chính trong kỳ. Trong đó, chi phí cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lần lượt tăng 27% và 19% so với quý 4/2023.
Ngoài ra, công ty còn phải chịu thêm chi phí khấu hao cao hơn khi giai đoạn mở rộng của nhà máy lốp radial đi vào hoạt động.
Kết quả, Cao su Đà Nẵng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 4/2024 ở mức 73 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế cả năm 2024, Cao su Đà Nẵng đạt 4.673 tỷ đồng doanh thu thuần và 289 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt hoàn thành 91% mục tiêu doanh thu và 101% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Động lực tăng trưởng từ thị trường Mỹ và dòng lốp PCR
Bước sang năm 2025, như Tạp chí Công Thương đã phân tích, hoạt động xuất khẩu của Cao su Đà Nẵng sang thị trường Mỹ kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể khi lốp TBR của Thái Lan chịu mức thuế chống bán phá giá cao, từ 12,33 - 48,39%.
Trong năm 2023, Thái Lan chiếm thị phần xuất khẩu lốp TBR vào Mỹ lớn nhất với khoảng 28% tương ứng 6,8 triệu lốp TBR/năm và Việt Nam chiếm 12% thị phần tương đương 5,9 triệu lốp TBR/năm. Cao su Đà Nẵng cũng là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu lốp TBR sang Mỹ lớn nhất.
Đối với thị trường nội địa, lốp xe bán trong nước của Cao su Đà Nẵng hiện chủ yếu là lốp bias. Tuy nhiên, nhằm bắt kịp xu thế chuyển dịch sang dùng lốp radial, Cao su Đà Nẵng đang triển khai nhiều chiến lược bán hàng phù hợp và các giải pháp kích cầu.
Ngoài ra, hướng đi mới là lốp PCR (phân khúc xe tải nhẹ và xe con) đang mở ra cơ hội tăng trưởng lớn cho Cao su Đà Nẵng. Thời gian qua, công ty đã chi khoảng 100 tỷ đồng cho đầu tư thiết bị mới và chuyển đổi một phần công suất dây chuyền sản xuất lốp bias sang sản xuất lốp PCR để phù hợp với xu hướng radial hóa trên toàn thế giới. Đặc biệt, quy mô thị trường lốp PCR gấp khoảng 6 lần so với thị trường xe tải tại Mỹ và gấp 5 lần so với tại Việt Nam.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Bảo Việt, mảng lốp PCR của Cao su Đà Nẵng đã gần đạt đến mức hòa vốn kể từ quý 3/2024 và kỳ vọng sản lượng tiêu thụ dòng lốp này tiếp tục tăng trưởng, đạt khoảng 60 - 80.000 lốp/tháng trong năm 2025. Qua đó, Cao su Đà Nẵng sẽ chính thức ghi nhận lợi nhuận gộp dương từ mảng sản phẩm này.
Ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cung cho biết, bước đầu khảo sát nhu cầu lốp PCR tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm như Ấn Độ, Brazil… ở mức khả quan, từ đó công ty sẽ lên kế hoạch xuất khẩu phù hợp.