Cao Đường giữ rừng

Đến thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng đặc dụng nơi đây. Có được điều đó chính là nhờ những người dân sinh sống ngay tại cửa rừng luôn dành hết tâm sức để giữ gìn và bảo vệ.

Bình yên rừng đặc dụng

Qua lời giời thiệu, chúng tôi tìm đến thôn Cao Đường, xã Yên Thuận - một thôn nằm gọn trong thung lũng sát rừng đặc dụng Cham Chu. Những mái nhà sàn của người Dao xen bên nhà đất của người Mông, khuất nép vào màu xanh của cây rừng.

Chốt bảo vệ rừng Cao Đường nằm ven con đường độc đạo dẫn tới thôn. Trong tiết trời mùa xuân, nhưng sương mờ gió lạnh vẫn luồn vào mái bao trùm căn phòng rộng khoảng 20 m2. Trời chưa sáng rõ, cán bộ kiểm lâm Lương Văn Hải đã gọi điện cho anh Thào Chẩn Choa, Trưởng thôn Cao Đường cùng tổ quần chúng chuẩn bị đi tuần rừng. Dứt cuộc điện thoại, anh đưa chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Cao Đường. Tại đây, 4 người thuộc tổ đội quần chúng bảo vệ rừng của thôn đã có mặt đông đủ, đang chuẩn bị hành trang cho công cuộc tuần tra, bảo vệ rừng.

Lực lượng chức năng và tổ cộng đồng quần chúng tuần tra, bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn xã Yên Thuận (hàm Yên).

Lực lượng chức năng và tổ cộng đồng quần chúng tuần tra, bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn xã Yên Thuận (hàm Yên).

Cỡ 20 năm gắn bó “giữ rừng”, anh Thào Chẩn Choa bằng tinh thần trách nhiệm của mình đã luôn động viên các thành viên trong nhóm thực hiện tốt việc tuần tra, bảo vệ màu xanh của rừng, anh nói: “Đi tuần rừng phải mất khoảng 5 - 7 tiếng. Có những chuyến kéo dài cả ngày, việc nghỉ ngơi, ăn uống phải tự túc trong điều kiện khó khăn, vất vả. Khi đi tuần rừng, chúng tôi phải mang theo lương thực, thực phẩm, thuốc men và vật dụng cần thiết. Những ngày gặp mưa, hành trình tuần tra càng vất vả, khó nhọc hơn và có nhiều hiểm nguy vì đối diện với mưa đá, giông lốc... Có nhiều chuyến đi kéo dài thời gian, anh em phải nhường nhịn, chia nhau nguồn lương thực, thực phẩm. Phải thật sự yêu rừng thì mới “bám rừng”, hoàn thành những chuyến đi như vậy”. Dứt lời, anh Choa hăng hái mở đường, dẫn chúng tôi đi sâu vào những tán rừng. Vừa đi, anh vừa chia sẻ tiếp: “Thôn Cao Đường có 84 hộ dân với hơn 401 nhân khẩu. Để bảo vệ rừng, thôn đã lập các tổ quần chúng bảo vệ rừng với 22 hộ dân tham gia. Cứ vài ba hôm chúng tôi lại “cơm đùm, gạo bới” lên đường cùng với lực lượng chức năng tuần tra, giữ rừng”.

Ở thôn Cao Đường, việc tuần tra, bảo vệ rừng không chỉ có cánh đàn ông, nhiều phụ nữ cũng tham gia vào tổ bảo vệ rừng. Đơn cử như trường hợp chị Hầu Thị Trá. Hơn 2 năm nay, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra, giữ rừng. “Đến nay, cứ mỗi tháng vài lần, tôi lại cùng mọi người trong thôn đi tuần tra, bảo vệ rừng. Tôi đi theo dấu chân mòn bao năm tháng quyết tâm bảo vệ rừng thật tốt”, chị Trá tâm sự.

Men theo con đường chỉ đủ một người đi, chúng tôi hào hứng thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ của cánh rừng nguyên sinh. Những cây gỗ lớn sát mép rừng, dưới tán của những cây nghiến, bách xanh, đinh, lim, chò chỉ, cây dược liệu,… đã gần ngàn năm tuổi, bóng của mỗi cây xòe ra như những chiếc ô khổng lồ, ánh sáng của mặt trời xuyên xuống đất thành những vệt dài sáng rực, tiếng chim hót líu lo khi rúc rích vang vọng cả cánh rừng. Giữa rừng, nhiều cây nghiến, cây chò chỉ hàng trăm năm tuổi to lớn 4-5 người ôm không hết, thân cây cao chừng bảy, tám mươi mét hiên ngang vươn lên bầu trời. Giờ đây, người và rừng được gần nhau, tựa vào nhau, con người nhỏ bé được những tán rừng kỳ vỹ ôm trọn vào lòng như thế.

Giữ rừng bằng quy ước

Không phải ngẫu nhiên người dân nơi đây lại có ý thức bảo vệ rừng đến vậy, theo họ, ngoài những câu chuyện kể, truyền thuyết mang yếu tố tâm linh về rừng, Người dân còn ý thức rằng bảo vệ rừng giúp điều hòa nguồn nước, bảo vệ đất khỏi xói mòn, giảm thiểu rủi ro lũ lụt và hạn hán. Chính vì vậy từ nhiều đời nay người dân đã thực hiện theo quy ước mà ông cha để lại. Anh Thào Chẩn Choa cho biết: “Quy ước thôn quy định rõ tất cả người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh...”.

Anh Thào Chẩn Choa, Trưởng thôn Cao Đường bên cây nghiến hàng trăm năm tuổi trong khu rừng đặc dụng.

Anh Thào Chẩn Choa, Trưởng thôn Cao Đường bên cây nghiến hàng trăm năm tuổi trong khu rừng đặc dụng.

“Nghe theo lời cán bộ kiểm lâm, chúng tôi còn biết được tác dụng của rừng. Giữ rừng là giữ môi trường sống, giữ đất, nước, hạn chế mưa lũ, xói mòn. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước về bảo vệ rừng còn tạo thu nhập cho bà con để phát triển kinh tế. Bởi thế, bà con luôn bảo nhau không được lấn, chiếm, phá rừng làm nương”, anh Choa nói thêm.

Gắn bó với mảnh đất Yên Thuận nhiều năm nay, anh Hồ Văn Luận, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Yên Thuận chia sẻ: “Cao Đường là thôn còn nhiều khó khăn, trên 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thế, chúng tôi đã thường xuyên xây dựng kế hoạch họp thôn, họp dân, thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định của Luật Lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn và những quy định có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của bà con nhân dân về bảo vệ, phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu”.

Hiện nay, thôn Cao Đường đang triển khai xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng dưới tán rừng để du khách thấy được hết vẻ đẹp của rừng. Cùng với đó, việc giao khoán rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tạo sinh kế cho người dân.

Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết: “Địa phương khoanh nuôi và bảo vệ hơn 3.000 ha rừng đặc dụng thuộc khu rừng đặc dụng Cham Chu. Trong đó, Cao Đường là một trong những thôn có diện tích rừng đặc dụng nhiều nhất của xã và được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện nay, thôn đã có 3 mô hình du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã quy hoạch để du khách tham quan trải nghiệm khu rừng nguyên sinh. Qua đó, kích cầu dịch vụ du lịch, tạo thêm sinh kế bền vững cho bà con, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả hơn”.

Mai Dung

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/cao-duong-giu-rung-209091.html
Zalo