Cao điểm xây dựng ở Tiền Giang, vật liệu khan hiếm, giá cao nhà thầu điêu đứng
Gần đây, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao lại khan hàng, phần lớn doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gặp khó khăn khi triển khai thi công các công trình, dự án.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc công ty TNHH Triệu Cang tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành cũng như nhiều doanh nghiệp xây dựng tại địa bàn tỉnh Tiền Giang mấy ngày nay phải loay hoay đi tìm kiếm nguồn vật liệu đá để phục vụ các công trình đã trúng thầu. Theo ông Lợi dù giá cao nhưng đá rất khan hiếm, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình dự án.
“Đá khan hiếm, bây giờ làm lộ nhựa, đường bê tông không có đá nên phải chậm tiến độ. Khi thị trường khan hiếm, mỏ đá sẽ lên giá, bên cung cấp vật liệu cũng tăng giá theo. Hiện giờ giá để đấu thầu ai cũng giảm giá để muốn có được công trình, nhà thầu tìm cách làm, thua lỗ thì phải chịu, rất khó khăn. Bây giờ các mỏ đá giao lẻ cho mình nói rằng, đá ưu tiên cho các dự án vành đai, đường cao tốc... những điểm nhỏ mà vào lấy rất khó khăn, sà lan phải nằm chờ có khi đến 3-4 tuần mới mua được một sà lan đá" - ông Lợi nói.

Nguồn vật liệu cát, đá phục vụ cho ngành xây dựng ở tỉnh Tiền Giang ở thời điểm này khan hiếm
Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bước vào cao điểm mùa xây dựng nhất là các dự án cầu đường từ vốn đầu tư công, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng rất cao. Tuy nhiên, nguồn cung vật liệu khan hiếm đang gây khó cho doanh nghiệp lẫn người dân.
Giá xi măng tăng 2.500 đồng/bao 50 kg, giá vật liệu đá các loại tăng trung bình từ 40.000 - 60.000 đồng/m3 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nguồn cung rất hạn chế. Cụ thể, đá 1x2 dao động từ 460.000 - 540.000 đồng/m3, đá 0x4 khoảng 320.000 đồng/m3. Theo các nhà thầu, trước đây, chỉ cần đưa sà lan đến các tỉnh miền Đông Nam bộ mua hàng trong thời gian khoảng 2 - 3 ngày, bây giờ khoảng một tuần mới lấy được hàng và rất nhỏ giọt.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các “mỏ đá” các nơi hiện nay giảm trữ lượng và ưu tiên phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia nên nguồn còn lại mới bán ra thị trường không nhiều. Doanh nghiệp xây dựng đang tìm kiếm nguốn vật liệu đá các nơi dù giá ở mức cao.

Đối với các dự án xây dựng đường giao thông, bờ kè cần nguồn cát, đá rất lớn
Đối với các công trình đường giao thông, vật liệu đá chiếm khoảng 50% - 60% giá trị công trình. Trong khi đó, dự toán ban đầu phê duyệt giá đá thấp nên nhà thầu phải chịu lỗ. Đối với các doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi, đổ trụ, dầm bê tông thì nguồn cát, đá không thể thiếu nên rơi vào cảnh khốn đốn.
Ông Đặng Hữu Biên, Giám đốc công ty TNHH Hữu Biên- doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh bê tông tươi và các vật liệu xây dựng tại tỉnh Tiền Giang tâm tư: “Mấy ngày nay mình chạy mua đá vất vả quá mà không có đá, phải ra tận Vũng Tàu, Bình Dương nằm cả tuần mua được 1-2 sà lan. Giá thì cao, lên nhiều lắm, bây giờ tính ra vùng Ninh Thuận, Bình Thuận mua đi tàu bằng đường biển mà chưa được.
Nhu cầu sử dụng nhiều mà không có đá, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều vì trước đây mỗi ngày xe chạy bán ra vài trăm m3 bây giờ chỉ còn hơn một trăm khối, không có đá mà sản xuất”.
Riêng nguồn cát xây dựng, nhất là cát san lấp mặt bằng tại địa phương dù có nhiều mỏ cát trên sông Tiền đang hoạt động nhưng chỉ phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia nên nguồn vật liệu này nội tỉnh cũng xảy ra khan hiếm. Hiện nay, hầu hết các nhà thầu, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng phải mua nguồn cát nhập từ Campuchia về với giá thấp nhất khoảng 240.000 đồng/m3 (tùy xa gần).

Nâng cấp mặt đường không thể thiếu vật liệu đá dăm cấp phối
Ông H., chủ 3 sà lan ở thành phố Mỹ Tho chuyên mua cát xây dựng từ Campuchia về cung cấp cho các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi thì cung cấp cát từ Campuchia về, cát xây đang hiếm lắm. Mua bến đó giá gần 200.000 đồng/khối, chở về đây khoảng 270.000 đồng/khối. Khai thác bên Campuchia chắc đến Tết tới hết quá, thấy càng ngày hút càng cạn kiệt. Ở đây mình đem về bán cho nội địa, các bãi vật liệu xây dựng, các trạm trộn bê tông, thiếu hàng ra nữa. Đá bây giờ chủ yếu phục vụ xây dựng các đường cao tốc, hiếm lắm”.
Việc khan hiếm, giá tăng cục bộ đối với nhiều vật liệu trong ngành xây dựng đã xảy ra nhiều năm nhưng hiện nay là đỉnh điểm và "nóng" nhất hiện nay là nguồn đá, cát. Do đó, có khả năng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Tiền Giang năm nay hơn 7.000 tỷ đồng khó đạt được kế hoạch giải ngân do nhiều công trình, dự án thi công tiến độ chậm trước tình trạng khan hiếm nguồn cát, đá.
Chính quyền và các ngành chức năng, các chủ đầu tư các dự án ở tỉnh Tiền Giang cần sớm quan tâm, tháo gỡ khó khăn này trong khả năng, điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt đối với vật liệu cát cần khai thác các mỏ cát còn lại trên sông Tiền nhằm phục vụ các công trình và nhu cầu của doanh nghiệp, người dân trong tỉnh song song với việc cung cấp cho các dự án quốc gia.