Cao điểm nắng nóng và mưa bão năm nay vào tháng mấy?
Dự báo nhiệt độ trong năm 2025 tại nhiều khu vực có thể vượt ngưỡng trung bình nhiều năm. Đặc biệt, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ được dự báo sẽ chịu đựng những đợt nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Biển Đông xuất hiện 11-13 cơn bão
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO (bao gồm hiện tượng El Nino và La Nina - hiện tượng nóng lên hoặc lạnh bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) đang trong điều kiện trung tính. Từ tháng 5 đến tháng 7/2025, ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70-90%, Từ tháng 8-10/2025, hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính với xác suất từ 55-65%.

Dự báo nhiệt độ trong năm 2025 tại nhiều khu vực có thể vượt ngưỡng trung bình nhiều năm. Ảnh: Tuấn Anh
Nhận định về mùa mưa bão năm 2025 (từ tháng 6-11), Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trên khu vực Biển Đông khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam (mức độ bão tương đương trung bình nhiều năm) với hầu hết các cơn bão tập trung vào nửa cuối mùa bão.
Cùng với đó, từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C (đặc biệt tháng 6 và 8 ). Khu vực Tây Bắc có thời điểm cao hơn trên 1 độ C so với mức trung bình.
Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng xuất hiện diện rộng vào tháng 5, kéo dài đến tháng 8 với cường độ tương đương trung bình nhiều năm. Từ tháng 6-7, nắng nóng giảm tại Tây Nguyên, Nam Bộ. Mưa vừa, mưa to xảy ra ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ tập trung tháng 5 đến tháng 9. Nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, ngập úng vùng trũng thấp.
Lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 5 cao hơn 5–20%. Dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh có thể xuất hiện rải rác trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong các đợt chuyển mùa hoặc không khí lạnh yếu.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết nhiệt độ trong năm 2025 tại nhiều khu vực có thể vượt ngưỡng trung bình nhiều năm. Đặc biệt, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ được dự báo sẽ chịu đựng những đợt nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Ngoài tình trạng nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn cũng sẽ là những thách thức lớn trong năm 2025. Các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung dự kiến sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng thiếu nước, gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Để ứng phó, cần triển khai các biện pháp quản lý, sử dụng nước hợp lý, đồng thời đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi và hệ thống cảnh báo sớm.
Dự báo trong năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều đợt mưa lớn cục bộ, đặc biệt tại các khu vực vùng núi và đô thị. Những đợt mưa này có nguy cơ gây ra ngập úng nghiêm trọng, lũ quét và sạt lở đất, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Các khu vực trũng thấp, đô thị đông dân như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng bằng sông Cửu Long được xem là những nơi cần đặc biệt cảnh giác.
Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng cho Việt Nam
Ông Mai Văn Khiêm cho biết, năm 2025, Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cần thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả như cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo sớm, đồng thời quản lý tài nguyên nước một cách bền vững.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), từ năm 1970 đến 2021, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra gần 12.000 thảm họa, khiến 2 triệu người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế lên đến 4,3 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn còn gần một nửa số quốc gia trên thế giới chưa có hệ thống cảnh báo sớm đầy đủ, khiến hàng triệu người phải đối mặt với rủi ro thiên tai mà không có thông tin kịp thời để ứng phó. Đây cũng là lý do chính của chiến lược "Cảnh báo sớm cho tất cả" cũng như thông điệp của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2025 - "Chung tay vì một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện".
Việt Nam là một quốc gia chịu rất nhiều ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là bão, lũ lụt và hạn hán. Vì vậy, dự báo khí tượng thủy văn là tuyến phòng thủ đầu tiên trong phòng chống thiên tai, là sứ mệnh bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Trong những năm gần đây, công tác dự báo đã có những bước phát triển đáng kể. Việt Nam có mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia gồm hơn 217 trạm khí tượng bề mặt, gần 2.000 trạm đo mưa tự động, 426 trạm thủy văn, 27 trạm khí tượng hải văn, cùng 10 trạm radar thời tiết hiện đại. Hệ thống này giúp theo dõi, giám sát, dự báo và cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn.
Trước các hình thái thời tiết trên, chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov. vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực. Đồng thời, cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương.
Đối với những loại hình thiên tai nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, ở các vùng chịu ảnh hưởng, chính quyền và người dân, cần thực hiện sớm một số biện pháp phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại do gió bão và mưa lớn gây ra như: Cắt tỉa cành cây, hạ biển quảng cáo, khơi thông cống rãnh; gia cố, neo đậu các lồng bè nuôi hải sản an toàn, thu hoạch hải sản thành phẩm... để giảm thiệt hại.