Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên kỳ tích mùa xuân 1975 - Bài 6

Bài 6: Quân và dân Cao Bằng góp phần vào chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947

Lịch sử mãi khắc ghi, ngày 7/10/1947, thực dân Pháp huy động 12.000 quân tinh nhuệ mở cuộc tiến công quy mô lớn lên 7 tỉnh Việt Bắc và trung du: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Đây là cuộc tiến công chiến lược, “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm vào khu I, hòng bao vây căn cứ địa Việt Bắc tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Trong đó, chúng dùng binh đoàn bộ binh thuộc địa xuất phát từ huyện Đình Lập (Lạng Sơn) làm mũi nhọn theo quốc lộ 4 tiến đánh Cao Bằng, rồi theo quốc lộ 3 vòng về Bắc Kạn bao vây phía đông và phía đông bắc Việt Bắc. Cao Bằng đương nhiên trở thành mục tiêu chiếm đóng quân thù.

Ngay sau khi nhận được thông báo của Khu ủy Khu 1 về âm mưu, thủ đoạn của địch trên hướng Cao Bằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẩn trương triệu tập cuộc họp thống nhất nhận định tình hình cụ thể và triển khai các lực lượng phòng thủ trên quốc lộ 4 và quốc lộ 3, tăng cường trận địa bắn máy bay địch ở khu vực thị xã Cao Bằng, khi chúng tập kích đổ bộ bằng đường không. Đúng như nhận định của ta, ngày 9/10/1947, thực dân Pháp cho 300 quân nhảy dù xuống Nà Chướng, Nà Lắc (thị xã Cao Bằng) chiếm giữ một số vị trí trọng yếu ở phía đông - nam thị xã. Cuộc chiến đấu đánh máy bay địch và quân nhảy dù của quân và dân ta diễn ra ác liệt ngay từ đầu. Trong đó, khẩu đội súng thượng liên do xạ thủ Nông Văn Diên thuộc Trung đoàn 24 bố trí trên đồi Thiên Văn đã bắn rơi chiếc máy bay JU-52 rơi xuống làng Pác Cáy, xã Hòa Chung (thị xã Cao Bằng). Tên đại tá Lămbe, Phó tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương cùng với 12 sĩ quan tham mưu trên máy bay đã bị tiêu diệt. Hơn nữa, ta thu được toàn bộ bản kế hoạch của thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc. Ngay lập tức, tài liệu tối mật đó đã được quân ta nhanh chóng chuyển về Bộ tổng Tham mưu tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, giúp chỉ huy bổ sung hoàn thiện phương án tác chiến, quyết phá tan cuộc tiến công của địch lên Việt Bắc. Vừa đặt chân lên đất Cao Bằng, quân Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân, du kích và bộ đội địa phương.

Ngày 11/10/1947, quân pháp từ Thất Khê, Lạng Sơn kéo lên đã bị Tiểu đoàn 73 của ta phục kích đánh chặn trên đèo Bông Lau tiêu diệt nhiều tên địch và phá hủy 2 xe quân sự. Ngày 12/10/1947, chúng cho quân đánh chiếm xã Đề Thám, huyện Hòa An (nay thuộc thành phố Cao Bằng), đồng thời, nhảy dù xuống Đông Khê, huyện Thạch An và xây dựng đồn Đông Khê cùng với một số đồn bốt khác dọc đường 4 nhằm chuẩn bị đón các cánh quân lên tiếp ứng. Quân Pháp bị bộ đội địa phương và dân quân du kích của huyện Thạch An chặn đánh, tiêu diệt nhiều tên địch. Từ ngày 14 - 27/10/1947, chúng tiến công vào các huyện Nguyên Bình, Quảng Uyên, Trùng Khánh, nhưng đều bị dân quân du kích chống trả quyết liệt. Ngày 28/10/1947, một cánh quân của chúng từ Đề Thám nống lên Nước Hai, huyện Hòa An cũng bị quân, dân ta chặn đánh tiêu diệt hàng trăm tên. Cuộc chiến “cài răng lược” của quân và dân ta ngăn chặn bước tiến thực dân Pháp vẫn diễn ra liên tiếp, giằng co từng tấc đất, buộc chúng phải co cụm lại chống trả.

Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 15/10/1947 “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của thực dân Pháp”. Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo phong trào thi đua giết giặc lập công, tiêu thổ kháng chiến; động viên nhân dân thu hoạch vụ mùa, giành lương thực cho kháng chiến và quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, cơ quan đầu não cách mạng sơ tán đến những vùng an toàn khu ở Thạch An, Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng… Trung đoàn 24 được củng cố tăng cường binh lực và chuyển thành Trung đoàn 74 do đồng chí Chu Huy Mân làm trung đoàn trưởng. Từ tháng 11/1947 từ tỉnh đến xã đều thành lập Ủy ban mùa đông kháng chiến để vận động nhân dân góp thêm sức của, sức người cho kháng chiến. Chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng nghìn mét vải gửi tặng bộ đội, dân quân, du kích đang chiến đấu ở mặt trận. Để bảo toàn và phát triển lực lượng đáp ứng cuộc kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy Cao Bằng quyết định chỉ đạo dùng chiến thuật phục kích và tập kích bất ngờ dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở nhằm tiêu hao quân địch, ngăn chặn các cuộc càn quét của chúng, bảo vệ nhân dân. Đồng thời, bố trí lực lượng canh phòng, lập làng chiến đấu, đào hào giao thông, đắp ổ chiến đấu những nơi yểm trọng. Với tinh thần “mỗi viên đạn, một quân thù”, công nhân xưởng quân giới Lê Tổ chặn đánh địch tiêu diệt 60 tên, bảo vệ an toàn xưởng quân giới. Đội lão du kích huyện Trùng Khánh chế tạo thêm súng hỏa mai và cung nỏ để đánh giặc.

Làng Pác Cáy, xã Hòa Chung (nay là tổ 8, phường Hòa Chung, Thành phố) - nơi chiếc máy bay JU-52 của Pháp bị bắn rơi ngày 9/10/1947. Ảnh: Thế Vĩnh

Làng Pác Cáy, xã Hòa Chung (nay là tổ 8, phường Hòa Chung, Thành phố) - nơi chiếc máy bay JU-52 của Pháp bị bắn rơi ngày 9/10/1947. Ảnh: Thế Vĩnh

Trên ba trục đường chính Cao Bằng - Đông Khê, Cao Bằng - Ngân Sơn, Cao Bằng - Nguyên Bình, từ tháng 4/1947 đến tháng 6/1948, lực lượng của ta đã phá hủy 67 cầu cống, đào 7.805 hố cắt ngang đường, phá 2.513 m đường ở khu vực xung yếu, dựng 4.920 m vật cản gây tắc nghẽn đường, gây cho địch khó tiếp tế, hành quân hợp lực và tạo nên các vị trí phục kích của quân ta.

Chớp thời cơ, tạo ra tình thế mới, ta liên tiếp mở các trận chiến ở nhiều nơi, nhiều hướng suốt từ Quảng Uyên (Quảng Hòa), Trấn Biên (Trà Lĩnh) tới Ngân Sơn, Chợ Rã (thuộc tỉnh Bắc Kạn). Đặc biệt, trên đường số 4, hàng loạt trận đánh của quân và dân ta thu được thắng lợi lớn, như trận phục kích tại Bó Mò, ngày 20/11/1947, của Trung đội 1 thuộc Đại đội 670 huyện Thạch An với vũ khí thô sơ, nhưng quân ta đã phá hủy 2 xe quân sự, tiêu diệt và làm bị thương 13 tên địch, thu 1 súng máy, một súng trường và 6 băng đạn. Trải qua hơn hai tháng chiến đấu bền bỉ, kiên cường, sát cánh cùng quân và dân Lạng Sơn, quân và dân Cao Bằng đã cắt đứt giao thông tiếp tế của địch trên quốc lộ số 4, bẻ gẫy “gọng kìm” phía đông của địch, tổ chức đánh 34 trận, tiêu diệt 344 tên, bắn bị thương 67 tên, góp phần tiêu hao sinh lực địch, đẩy chúng vào thế bị động, phải co cụm, chốt giữ một số vị trí trên quốc lộ số 4 và số 3. Song, bọn chúng thường xuyên bị quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích liên tục tấn công, làm giảm sút ý chí chiến đấu, hoang mang, lo sợ. Trên đà thắng lợi, ngày 1/1/1948, Tiểu đoàn 73 và Đại đội 670 đã làm nên trận đánh phục kích được đánh giá xuất sắc nhất Quân khu 1, tại Lũng Mười (đường số 4), quân ta đã phá hủy 5 xe quân sự, phá hỏng 40 xe, thu 30 súng và đạn dược các loại. Tiếp đó, là những trận đánh của Trung đoàn 74 và bộ đội địa phương, dân quân du kích tại Bó Củng, Lũng Nhài, Nậm Nàng, Nà Leng, Khau Khoang, Lũng Nặm, Mai Lùng…, làm cho đường số 4 bị chia cắt vỡ vụn, hành lang an toàn của địch bị phã vỡ nghiêm trọng.

Chỉ tính từ tháng 10/1947 đến tháng 4/1948, sau khi quân ta bắn rơi chiếc máy bay JU 10, thu bản kế hoạch tấn công lên Việt Bắc của địch, lực lượng vũ trang của ta đã đánh 289 trận, tiêu diệt 1.257 tên địch, 130 tên bị thương, phá hủy 29 xe quân sự, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng khác. Quân địch rệu rã; âm mưu, thủ đoạn, kế hoạch của chúng bị phá sản hoàn toàn.

Quân và dân Cao Bằng đã cùng với quân và dân Việt Bắc thực hiện đúng như lời Bác Hồ dạy, mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, anh dũng chiến đấu ngoan cường, lập nên những chiến công to lớn, góp phần quan trọng phá tan cuộc tiến công chiến lược Thu - Đông năm 1947 với thủ đoạn “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 thể hiện đậm nét đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến của Đảng ta. Đồng thời, là niềm tin, rất đỗi tự hào của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Bài 7: Chiến thắng biên giới 1950

Lê Chí Thanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cao-bang-tu-hao-gop-phan-xung-dang-cung-ca-nuoc-lam-nen-ky-tich-mua-xuan-1975-bai-6-3176181.html
Zalo