Cơn bão Yagi đã khiến nhiều cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Ninh thiệt hại nặng nề, nhiều khu vực chỉ còn lại đống đổ nát. Theo thông tin từ ngành y tế tỉnh Quảng Ninh, 30/33 cơ sở y tế bị gãy đổ cây xanh, vỡ kính một số tòa nhà, hành lang, hỏng cửa, trần một số phòng, khoa, hệ thống nội thất trong các phòng như điều hòa, tủ lạnh, ti vi, giường, bàn ghế cũng không thể sử dụng. Ngoài ra, các bệnh viện cũng gián đoạn cung cấp suất ăn cho người bệnh. Ảnh: Sở Y tế Quảng Ninh.
Bệnh viện Phổi (Quảng Ninh) cũng thiệt hại nặng nề như bay tấm tôn chắn cổng, 80% cây xanh gãy đổ. Nhiều ôtô bị các tấm tôn, cây, vật thể khác bay rơi đè vỡ; lật, tốc, bay mái tôn nóc khoa kiểm Ảnh: Sở Y tế Quảng Ninh.
Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) bị cây đổ vào cổng phá vỡ lan can, vỡ nhiều cửa kính tầng 8 nhà B, nhà C, nhà G (khu vực nhà ăn cũ), tốc mái khu bảo vệ khí Oxy (chưa ảnh hưởng đến cung cấp Oxy). May mắn, hiện đơn vị chưa ảnh hưởng đến công tác công tác cấp cứu và khám chữa bệnh. Ảnh: Sở Y tế Quảng Ninh.
Sau cơn bão số 3, địa phương này mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt, dẫn tới nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí CO. Ngày 9/9, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Trong đó, có 2 trường hợp trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch. Ảnh: Sở Y tế Quảng Ninh.
Yên Bái là một trong những địa phương đang bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt sau bão số 3. Theo ông Trần Quang Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái, hiện tại đây có ba trạm y tế bị ngập nước là Trạm y tế Nam Cường, Hồng Hà và Nguyễn Thái Học. Hai trạm bị cô lập là Trạm y tế Tuy Lộc và Hợp Minh vì đường vào trạm ngập đến cổ, hiện tại mất điện, Trạm y tế phường Nam Cường phải đi bằng xuồng. Ảnh: Lê Hảo.
Hiện trạm mất điện, nhân viên y tế phải dùng đèn pin, đèn dầu trực nếu có trường hợp bệnh nhân cấp cứu. Ảnh: Lê Hảo.
Do ảnh hưởng của mưa bão số 3, hiện vẫn có không ít trường hợp từ tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, cấp cứu. Trước đó, bênh viện đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân cấp cứu, phẫu thuật do bị chấn thương, đa chấn thương liên quan đến bão Yagi. Ảnh: BVCC.
Đa phần bệnh nhân chuyển đến từ các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, trong đó có cả từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Sơn La... Ảnh: BVCC.
Chia sẻ trên trang thông tin cá nhân, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1, cho biết, khoa cũng trong tình trạng quá tải. Đến sáng 9/9, khoa có gần 130 bệnh nhân, tăng 150% so với số giường có thể tiếp nhận được, nhân viên phải xếp giường cáng kín lối đi hành lang tại khoa. "Dù có hơi chật chội, người bệnh vẫn được chăm sóc y tế đầy đủ, ngày 3 bữa cơm ấm nóng phục vụ tại giường, mọi người cùng nhau vui vẻ chia sẻ khó khăn…", PGS Khánh nói. Ảnh: BVCC.
TS Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E, Hà Nội, cho biết trong ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, đơn vị đã tiếp nhận 36 ca cấp cứu. Trong đó, có 16 ca cấp cứu ngoại khoa: 10 trường hợp cấp cứu do người bệnh gặp tai nạn liên quan đến bão số 3; 20 ca cấp cứu nội khoa. May mắn, sau cấp cứu, tình trạng các bệnh nhân đều ổn định. Ảnh: BVCC.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu A9 luôn sáng đèn. PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thông tin sau khi bão đổ bộ, Trung tâm Gây mê hồi sức của đơn vị cũng có rất nhiều bệnh nhân nặng được phẫu thuật cấp cứu. Ảnh: BVCC.
Phương Anh