Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chẳng nề hiểm nguy, vì bình yên của nhân dân

Với người lính chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần đối mặt với hiểm nguy, có thể đánh đổi bằng cả mạng sống. Vì vậy, chữa cháy luôn được coi là nghề nguy hiểm.

Ngày cao điểm xảy ra tới 20 vụ việc cháy, nổ

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến giữa năm nay, toàn Thành phố Hà Nội xảy ra 3.116 vụ cháy, 5 vụ nổ làm chết 154 người, bị thương 173 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 340 tỉ đồng…

Cũng trong khoảng thời gian trên, lực lượng Cảnh sát CC&CNCH đã tham mưu tổ chức diễn tập 20 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp Thành phố; 2 phương án trong diễn tập khu vực phòng thủ Thành phố; 193 phương án cấp UBND huyện, phối hợp các cơ sở tổ chức thực tập 5.938 phương án…

Lực lượng Cảnh sát CC&CNCH hiện được bố trí tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện...

Lực lượng này luôn duy trì, đảm bảo đủ phương tiện, quân số thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h, đảm bảo 100% tin báo cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn Thành phố được tiếp nhận, xử lý, triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời.

Chữa cháy luôn là nghề nguy hiểm

Chữa cháy luôn là nghề nguy hiểm

Trung bình mỗi năm, lực lượng CC&CNCH điều động khoảng 5.000 lượt phương tiện, 30.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tham gia bảo vệ khoảng 200 kỳ cuộc, sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao của đất nước và của Thủ đô.

Có thể nói, với người lính chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần đối mặt với hiểm nguy, mà có thể đánh đổi bằng cả mạng sống. Vì vậy, chữa cháy được coi là nghề nguy hiểm.

Mỗi cán bộ chiến sỹ thường xuyên phải đối mặt với nhiệt độ cao từ đám cháy, nguy cơ đổ sập các kết cấu xây dựng, nguy cơ nhiễm độc, chất phóng xạ, những vụ nổ bất ngờ ở hiện trường. Tuy trong mỗi vụ việc luôn có sẵn phương án cho từng tình huống nhưng vẫn có nhiều sự cố không thể lường trước, không thể đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ.

Trong 5 loại hình cháy phức tạp thì Hà Nội có đến 3 loại hình tập trung trong các khu đô thị, dân cư đông đúc. Trong khi đó, điều kiện hạ tầng phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Điều này càng gia tăng áp lực lên lực lượng CC&CNCH thuộc CATP Hà Nội.

Công việc của lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường xuyên phải tiếp xúc với xác chết, có những đám cháy làm chết hàng chục nạn nhân, gây ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, chiến sĩ; về lâu dài có thể gây ra các bệnh về thần kinh, cảm xúc…

Bốn đồng chí hy sinh, 15 đồng chí bị thương khi làm nhiệm vụ

Khối lượng công việc của lực lượng CC&CNCH trên địa bàn Thủ đô lớn hơn rất nhiều so với Công an các địa phương khác. Trung bình mỗi năm, Hà Nội xảy ra 2.200 vụ việc liên quan đến cháy nổ, sự cố, tai nạn, trong đó có 566 vụ cháy (trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng 6 vụ việc, có những ngày cao điểm lên tới 20 vụ việc).

Lực lượng Cảnh sát CC&CNCH được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xếp loại công việc, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại V). Hằng ngày họ phải đảm bảo bố trí 50% quân số tại đơn vị để thường trực chiến đấu (ngoài giờ hành chính) nhưng chưa được hưởng chế độ làm thêm giờ, chế độ làm việc ban đêm.

Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, lực lượng Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có 4 đồng chí hy sinh; 15 đồng chí bị thương khi thực hiện nhiệm vụ; 62 đồng chí thôi phục vụ trước hạn tuổi.

Hiện nay, 100% các vụ cháy, nổ đều được Cơ quan điều tra Công an các cấp và các đơn vị nghiệp vụ phối hợp tổ chức điều tra, giải quyết theo quy định; tiến hành xử lý đối với các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; nhiều trường hợp thuộc các đơn vị quản lý về phòng cháy chữa cháy đã bị xử lý hình sự; các hành vi vi phạm còn lại đều được nghiêm túc kiểm điểm, xử lý. Do đó, trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát CC&CNCH là hết sức nặng nề.

Lực lượng công an diễn tập phòng cháy chữa cháy

Lực lượng công an diễn tập phòng cháy chữa cháy

Mặc dù lực lượng Cảnh sát CC&CNCH là nòng cốt, chủ công trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhưng thời gian qua chưa được hưởng chế độ hỗ trợ của Thành phố.

Trong khi đó, các lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ (lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên ngành) đều được hưởng các chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát CC&CNCH chỉ được hưởng chế độ tiền lương theo mặt bằng chung của lực lượng Công an nhân dân nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, việc HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết “chốt” mức hỗ trợ cao nhất cho lực lượng Cảnh sát CC&CNCH thuộc Công an TP Hà Nội là 3,6 triệu đồng/người/tháng được nhiều cán bộ chiến sỹ và nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Điều này không chỉ thể hiện tính ưu việt của Thủ đô trong xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại mà còn là sự động viên thiết thực, kịp thời cho cán bộ lực lượng Cảnh sát CC&CNCH, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống, yên tâm công tác và cống hiến hết mình, góp phần tạo môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/canh-sat-phong-chay-chua-chay-chang-ne-hiem-nguy-vi-binh-yen-cua-nhan-dan-post598050.antd
Zalo