Cảnh sát giao thông mặc thường phục có được dừng xe xử phạt vi phạm giao thông?
Theo quy định cảnh sát giao thông được mặc thường phục, hóa trang để phát hiện, xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông mặc thường phục có được dừng xe xử phạt vi phạm giao thông?
Cảnh sát giao thông được hóa trang mặc thường phục trong trường hợp nào?
Khoản 1, Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định, cảnh sát giao thông (CSGT) được mặc thường phục khi phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
Khoản 2, Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT được mặc thường phục làm nhiệm vụ trong 2 trường hợp:
(1) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
(2) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.
Việc mặc thường phục kết hợp với bộ phận tuần tra, kiểm soát giao thông công khai phải được thực hiện theo kế hoạch đã được ban hành. Thẩm quyền quyết định cho phép CSGT mặc thường phục để làm nhiệm vụ được quy định tại Khoản 3, Điều 11 Thông tư 32 như sau:
- Cục trưởng Cục CSGT; Giám đốc Công an tỉnh trở lên quyết định cho phép mặc thường phục khi sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và khi đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh hoặc giao thông phức tạp.
- Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông; Trưởng phòng CSGT; Trưởng Công an huyện quyết định cho phép mặc thường phục khi sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, bộ phận CSGT mặc thường phục phải giữ một khoảng cách phù hợp với cán bộ CSGT tuần tra, kiểm soát công khai để bảo đảm kịp thời xử lý vi phạm (theo Khoản 4, Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA).
Cảnh sát giao thông mặc thường phục có được dừng xe xử phạt vi phạm giao thông?
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA, tổ CSGT được phép bố trí một bộ phận cán bộ mặc thường phục, phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
Các trường hợp tuần tra, kiểm soát giao thông cần bố trí thêm lực lượng CSGT mặc thường phục bao gồm:
- Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.
Trong đó, CSGT mặc thường phục thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện vi phạm.
Khi phát hiện vi phạm thì CSGT mặc thường phục thông báo ngay cho CSGT thuộc bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để dừng phương tiện và xử lý theo quy định.
Theo đó, trong hầu hết các trường hợp, CSGT mặc thường phục không được dừng xe xử phạt giao thông.
Riêng trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng về giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm thì CSGT mặc thường phục có thể sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay vi phạm.
Sau đó, thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
Các yêu cầu đối với cảnh sát giao thông khi đang thực hiện nhiệm vụ xử phạt được quy định như thế nào?
Điều 3 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định khi thực hiện nhiệm vụ xử phạt hành chính về giao thông đường bộ cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định của pháp luật, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.
- Khi tiếp xúc với nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.
- Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.
- Bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an.