Cảnh sát giao thông giám sát hình ảnh: xe kinh doanh vận tải sẽ bớt 'ẩu'?

Nghị định 151/2024/NĐ-CP và Thông tư 71/2024/TT-BCA quy định, có 4 loại phương tiện phải lắp camera giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái. Lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý dữ liệu cả hai loại camera: hành trình và trong cabin.

Các chuyên gia kỳ vọng, việc CSGT trích xuất dữ liệu trực tiếp giám sát hành trình mọi lúc, mọi nơi sẽ giúp ngăn lái xe chạy ẩu, lái quá giờ, vi phạm trật tự giao thông. Qua đó ngăn chặn sớm nguy cơ gây tai nạn trên đường.

Truyền dữ liệu từ ngày 25/1

Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định, có 4 loại phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình gồm: ô tô kinh doanh vận tải, ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ.

Thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe được lắp trên ô tô chở người từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải (không kể chỗ ngồi của người lái xe), ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ.

Về quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, Thông tư 71/2024/TT-BCA quy định, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (camera giám sát hành trình) và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (camera trong cabin) ô tô.

CSGT trích xuất dữ liệu camera giám sát hành trình trong cabin ô tô vận tải hành khách để kiểm tra.

CSGT trích xuất dữ liệu camera giám sát hành trình trong cabin ô tô vận tải hành khách để kiểm tra.

Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, dữ liệu này được kết nối, chia sẻ với Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan. Hiện Cục CSGT đã đề nghị các đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe phối hợp thực hiện kết nối, tích hợp, kiểm thử và truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe về Cục CSGT.

Thời gian, đăng ký lịch kiểm thử tích hợp, truyền dữ liệu trên môi trường thật hoàn thành trước ngày 25/1. Cục CSGT cũng phân công bộ phận kỹ thuật hướng dẫn các đơn vị hoàn thành nội dung trên.

Theo các chuyên gia, trước đây, Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 47/2022/NĐ-CP và Nghị định 41/2024/NĐ-CP) quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách/hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ.

Điều 15 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT cũng quy định đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng lái xe đăng nhập thông tin của thiết bị giám sát hành trình và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế, do luật quy định đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị tước phù hiệu, biển hiệu của xe vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km trong 1 tháng nên một số nhà xe đã lắp thêm thiết bị tắt sóng của thiết bị giám sát hành trình nhằm lách luật giao thông. Lái xe cũng không thực hiện chặt chẽ đăng nhập thẻ nhận dạng để quản lý thời gian lái xe dẫn đến nhiều trường hợp lái quá giờ gây mệt mỏi, buồn ngủ dẫn đến tai nạn.

Đến nay, việc quản lý dữ liệu hành trình được giao cho CSGT quản lý sẽ thuận lợi cho việc trích xuất dữ liệu, phát hiện và xử lý vi phạm bất cứ lúc nào. Đồng thời, giảm sự quá tải cho hệ thống lưu trữ dữ liệu khi vi phạm được xử lý kịp thời thay vì chờ tổng hợp. Việc này khiến các lái xe bớt "ẩu" hơn, không dám thực hiện các hành vi vi phạm trên đường.

Ngăn ngừa sớm vi phạm

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, song song với việc lực lượng CSGT thắt chặt kiểm tra, cần phải có sự vào cuộc của nhiều đơn vị cùng nhiều giải pháp.

Đơn vị kinh doanh vận tải cần rà soát lại toàn bộ phương tiện, duy trì hoạt động của các thiết bị giám sát hành trình truyền dẫn, lưu trữ đầy đủ dữ liệu theo quy định.

Các đơn vị quản lý khai thác, kinh doanh bến xe khách có trách nhiệm kiểm tra điều kiện an toàn của ô tô, tài xế. Nếu phát hiện phương tiện thiết bị giám sát hành trình và camera không truyền dữ liệu, lái xe uống rượu bia thì dừng ngay việc ký lệnh xe xuất bến.

Thường xuyên kiểm tra điều kiện của phương tiện, đặc biệt đối với xe chạy ban đêm có cự ly trên 300km, nhất là xe giường nằm nếu không đủ tiêu chuẩn thì kiên quyết không cho xe xuất bến và yêu cầu đơn vị quản lý bố trí xe thay thế. Nếu không khắc phục, bến xe cần báo cáo về Sở GTVT để xử lý.

Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới không cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới nếu thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với xe phải lắp đặt) không hoạt động hoặc không có tín hiệu truyền dẫn.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã tham mưu nhiều văn bản về việc kiểm tra, xử lý vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm. Qua đó, phát hiện vi phạm tốc độ của 2.496 đơn vị với 5.883 lượt; vi phạm thời gian làm việc của 36.347 đơn vị với 152.887 lượt; vi phạm không truyền dữ liệu của 61,444 đơn vị với 500.080 lượt; thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 2.478 đơn vị với 7.767 lượt.

Thời gian tới, lực lượng Thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe. Trên cơ sở đó tham mưu các giải pháp xử lý các xe kinh doanh vận tải vi phạm như: không cấp phù hiệu cho các phương tiện trong thời gian bị thu hồi; nhắc nhở, xử lý các phương tiện vi phạm...

Đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông; Yêu cầu đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định về tốc độ và thời gian lái xe, thường xuyên kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục và truyền dẫn dữ liệu theo quy định trong suốt quá trình tham gia giao thông;

Tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện lắp camera trên xe đảm bảo lộ trình theo quy định của Chính phủ; Tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính đối với các đơn vị vận tải không nghiêm túc thực hiện các quy định.

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và việc thắt chặt xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, các chuyên gia kỳ vọng việc CSGT quản lý dữ liệu giám sát hành trình sẽ giúp ngăn lái xe chạy ẩu, lái quá giờ, vi phạm trật tự giao thông, qua đó chặn sớm nguy cơ gây tai nạn trên đường.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/canh-sat-giao-thong-giam-sat-hinh-anh-xe-kinh-doanh-van-tai-se-bot-au.html
Zalo