Cảnh sát biển Việt Nam tạo đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện
Nâng cao chất lượng huấn luyện là một trong những khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết hằng năm của Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam; đồng thời là nội dung quan trọng trong xây dựng lực lượng cảnh sát biển cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Đình Cường, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.
Phóng viên (PV): Để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trong năm 2025, Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam (CSB) tập trung vào các khâu đột phá như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Đình Cường: Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển ngày càng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, CSB chú trọng tạo bước đột phá trong công tác huấn luyện, SSCĐ. Hằng năm, Đảng ủy CSB ban hành nghị quyết về nhiệm vụ cần xác định tạo đột phá trong huấn luyện. Năm 2022, đột phá vào công tác “Kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả huấn luyện”; năm 2023, đột phá vào “Công tác truyền thụ kinh nghiệm, cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy dạy đơn vị trong công tác huấn luyện”; năm 2024, tập trung đột phá “Thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ huấn luyện”.

Thiếu tướng Lê Đình Cường, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.
Năm 2025, CSB tập trung xác định đột phá “Nâng cao chất lượng quản lý kỷ luật; huấn luyện điều lệnh, thể lực giỏi” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu “Bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
PV: Để thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá trong công tác huấn luyện năm 2025,Bộ tư lệnh CSB đã chỉ đạo, triển khai trong toàn lực lượng thực hiện những nội dung nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Đình Cường: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã xác định, Bộ tư lệnh CSB đã chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện theo tinh thần Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng công tác huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng năm 2025 của Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và Nghị quyết của Đảng ủy CSB.
Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị coi trọng công tác chuẩn bị huấn luyện đầy đủ, chu đáo về con người, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập. Đồng thời chú trọng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện theo hướng “Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Lấy đổi mới nội dung, chương trình tổ chức phương pháp huấn luyện làm khâu đột phá; nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ là then chốt”; bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, quán triệt tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc và 6 mối kết hợp.

Biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam xuất phát thực hiện nhiệm vụ trên biển. Ảnh: ĐỨC HẠNH
Các đơn vị đã quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc “Huấn luyện từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp”, bảo đảm trong cơ cấu cán bộ có người giỏi kèm cặp người yếu, cán bộ có kinh nghiệm với cán bộ mới, cán bộ trẻ. Chú trọng huấn luyện kết hợp lý thuyết với thực hành, nhất là trong huấn luyện khai thác, sử dụng các phương tiện trang bị mới, hiện đại. Các đơn vị thường xuyên thực hiện tốt các nội dung: Huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật tàu CSB; huấn luyện thể lực, chuyển trạng thái SSCĐ; huấn luyện chính quy, rèn luyện kỷ luật; huấn luyện nghiệp vụ, thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu lạ, kết hợp huấn luyện dài ngày trên biển; huấn luyện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; huấn luyện đêm, sử dụng công cụ hỗ trợ, huấn luyện võ thuật; tổ chức huấn luyện và kiểm tra bắn súng đối với các đối tượng...
Đối với các Vùng CSB, tổ chức kiểm tra chiến thuật đơn tàu tại bến, trên biển; tổ chức diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp hải đoàn, hải đội; có đối kháng cấp hải đội; tổ chức tốt các hội thi, hội thao, diễn tập.... Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ; đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật sơ cấp, bồi dưỡng kiến thức hàng hải và nghiệp vụ pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh sáng kiến cải tiến trang bị huấn luyện, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong đào tạo, huấn luyện... Hiện nay các nội dung huấn luyện, SSCĐ của lực lượng đạt kết quả tốt đúng với mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.

Cảnh sát biển Việt Nam huấn luyện diễn tập tuần tra chung. Ảnh: ĐỨC HẠNH
PV: Để xây dựng CSB tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện những chủ trương, giải pháp huấn luyện như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Đình Cường: Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo và xây dựng lực lượng CSB ngày càng tinh nhuệ, hiện đại, đặt ra yêu cầu cao hơn, khẩn trương hơn. Do vậy để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và tạo đột phá trong huấn luyện, CSB cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện, bảo đảm công tác huấn luyện được thực hiện đúng hướng. Theo đó, chỉ đạo huấn luyện tập trung vào lực lượng SSCĐ, cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược; huấn luyện sử dụng thành thạo trang thiết bị mới trong các loại hình thức tác chiến. Coi trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn công tác và chiến đấu của Quân đội và lực lượng. Đồng thời phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác huấn luyện đi sâu vào công tác tham mưu tác chiến về những vấn đề mới, khó đặt ra từ thực tiễn huấn luyện, công tác nhằm nâng cao trình độ, năng lực chấp pháp trên biển.
Hai là, tập trung đầu tư xây dựng, củng cố phòng học, thao trường, bãi tập; tích cực nghiên cứu đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, bổ sung nội dung, chương trình huấn luyện cho lực lượng tàu, lực lượng nghiệp vụ trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển; coi trọng các nội dung huấn luyện phù hợp với điều kiện chiến tranh công nghệ cao, thách thức an ninh phi truyền thống, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến, phương thức hoạt động của các đối tượng thù địch, các đối tượng vi phạm pháp luật và xử lý linh hoạt các tình huống trên biển.

Cảnh sát biển Việt Nam huấn luyện công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ảnh: ĐỨC HẠNH
Nội dung huấn luyện cần chú trọng thực hành theo từng chuyên ngành, đặc biệt về nghiệp vụ pháp luật, điều lệnh thể lực, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, binh chủng hợp thành. Tăng cường huấn luyện thực hành về đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp, hoạt động dài ngày trên biển, luyện tập chiến thuật vòng tổng hợp có đối kháng cấp hải đội, huấn luyện tàu đóng mới, tàu chuyển giao từ nước ngoài... bảo đảm cho bộ đội vừa làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, vừa làm chủ tình huống trong mọi điều kiện.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với thực hiện nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; đổi mới công tác kiểm tra huấn luyện theo hướng vừa duy trì kiểm tra định kỳ theo quy định, vừa tăng cường kiểm tra đột xuất trước, trong huấn luyện. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện thiếu trách nhiệm, sai trái, không đúng quy định trong huấn luyện; xem xét xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng việc, đồng thời thông báo rút kinh nghiệm kịp thời đến các cơ quan, đơn vị.
Nhận thức rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong duy trì thực thi pháp luật trên biển, Đảng ủy CSB xác định việc nâng cao và tạo bước đột phá công tác huấn luyện, SSCĐ, nâng cao sức mạnh tổng hợp trong thực thi pháp luật là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, xây dựng lực lượng CSB tiến thẳng lên hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự an toàn trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
THU THẢO (thực hiện)