Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân

Xuyên suốt trên hành trình ra khơi của ngư dân, Cảnh sát biển Việt Nam cùng các lực lượng chức năng luôn sát cánh, đồng hành, trở thành chỗ dựa vững chắc giúp bà con yên tâm bám biển, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 đã và đang đồng hành với ngư dân miền Trung trên hành trình vươn khơi, bám biển. Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trở thành điểm sáng trong công tác dân vận thời kỳ mới. Cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển luôn sẵn sàng lên đường cứu giúp ngư dân khi hoạn nạn, thầm lặng hỗ trợ bà con yên tâm rẽ sóng vươn khơi khai thác hải sản, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lực lượng Cảnh sát biển hỗ trợ các tàu cá gặp nạn.

Lực lượng Cảnh sát biển hỗ trợ các tàu cá gặp nạn.

Ngư dân miền Trung bao đời nay quen sống với thiên tai, mỗi năm trung bình chịu đựng hơn 10 cơn bão, hàng chục tàu thuyền của ngư dân gặp nạn trên biển. Ngư dân Trần Bẹn ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nhớ lại, tháng 6/2022 tàu ông đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa thì cơn bão lớn đổ bộ vào miền Trung, hàng chục ngư dân trên tàu rơi vào hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”. Lúc đó, tàu Cảnh sát biển 8002 nhận lệnh xuất phát, khẩn trương tiếp cận và ứng cứu ngư dân. Bão chưa vào nhưng sóng, gió giật mạnh. Sau gần 6 giờ liên tục tìm kiếm trong điều kiện đêm tối và biển động dữ dội, tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận được tàu cá gặp nạn. Các ngư dân mặc áo phao đứng co ro dưới màn mưa nơi mũi tàu. Nhìn thấy tàu Cảnh sát biển, họ như được sinh ra lần thứ hai.

Cấp cứu ngư dân trên biển.

Cấp cứu ngư dân trên biển.

Ngư dân Trần Bẹn nhớ lại thời khắc hiểm nguy giữa biển khơi: “Các chiến sỹ Cảnh sát biển đã lặn lội đi tìm chúng tôi suốt đêm, nhớ lại thời khắc đó tôi rất xúc động vì lúc sóng to gió lớn thế này mà họ vẫn đến, tiếp cận, cứu sống và đưa chúng tôi về đất liền”.

Lực lượng Cảnh sát biển tiếp cận tàu cá gặp nạn để đưa ngư dân đến nơi an toàn.

Lực lượng Cảnh sát biển tiếp cận tàu cá gặp nạn để đưa ngư dân đến nơi an toàn.

Nhiều năm qua, hàng chục lượt tàu Cảnh sát biển, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của đơn vị này bất chấp hiểm nguy, gian khổ, kịp thời cứu giúp ngư dân vượt qua "cửa tử". Với họ, việc cứu dân, giúp dân, bảo vệ dân không chỉ là nhiệm vụ chiến đấu mà còn là “mệnh lệnh của trái tim người lính". Đã có hàng trăm ngư dân miền Trung trở về từ cõi chết.

Cảnh sát biển lai dắt tàu gặp nạn vào bờ.

Cảnh sát biển lai dắt tàu gặp nạn vào bờ.

Ông Nguyễn Dũng, thuyền trưởng tàu kéo số hiệu ĐNa-0494, từng được các chiến sỹ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cứu hộ khi tàu gặp nạn trên biển vào năm 2022 kể: "Ngày 17/9/2020 thì có cơn bão số 2, gió cấp 8, cấp 9. Nếu mà không có các chiến sỹ Cảnh sát biển chạy ra cứu là hết hy vọng rồi".

Tìm kiếm các ngư dân mất tích.

Tìm kiếm các ngư dân mất tích.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Cảnh sát biển là người sinh ra họ lần thứ 2, nếu không có Cảnh sát biển thì các ngư dân đó đã không còn sống sót".

Cả cuộc đời gắn bó với biển, ông Nguyễn Bảy, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhớ mãi những lần được lực lượng cảnh sát biển cứu sống: "Có những kỷ niệm mà ngư dân chúng tôi không bao giờ quên khi Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân".

Cảnh sát biển luôn sát cánh, đồng hành với ngư dân trong những chuyến vươn khơi.

Cảnh sát biển luôn sát cánh, đồng hành với ngư dân trong những chuyến vươn khơi.

Không dừng lại ở các hoạt động cứu hộ, cứu nạn ngư dân, từ năm 2017, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các địa phương có đảo xa đất liền. Theo đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, đóng chân trên địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kết nghĩa với các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần giúp đảo gần bờ hơn, tạo điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Chương trình này rất thiết thực, lấy ngư dân làm trung tâm với nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân; Tham gia xây dựng địa bàn an toàn, hệ thống chính trị vững mạnh; Giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Là điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; Phối hợp trong việc huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo…

Các chiến sỹ Cảnh sát biển tuyên truyền các quy định pháp luật cho ngư dân khi đánh bắt trên biển.

Các chiến sỹ Cảnh sát biển tuyên truyền các quy định pháp luật cho ngư dân khi đánh bắt trên biển.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hơn 7 năm qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Nhiều hoạt động có sự tham gia của hơn 1.000 người dân như: Khám và cấp thuốc miễn phí; Thăm và tặng quà các gia đình chính sách; Tổ chức cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”...

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

“Mỗi khi ngư dân chúng tôi gặp nạn do thiên tai hay “nhân tai” thì Cảnh sát biển và người dân cả nước luôn hướng về chúng tôi từng giờ, từng phút. Nhiều người ở thủ đô Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh cũng về tận đảo Lý Sơn để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi, bám biển. Điều này khiến chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi tự tin rằng, đằng sau mỗi ngư dân có cả một dân tộc Việt Nam luôn đồng hành mỗi chuyến vươn khơi”- ông Nguyễn Quốc Chinh chia sẻ.

Tàu cá ngư dân miền Trung vươn khơi.

Tàu cá ngư dân miền Trung vươn khơi.

Ở tuổi xế chiều, bà Đinh Thị Xuyến sống tại thành phố Hà Nội cũng dành nhiều thời gian đến với hầu hết các đảo lớn, nhỏ của Việt Nam. Tham gia chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, bà Đinh Thị Xuyến tận tay trao hàng trăm suất học bổng giúp học sinh là con em của ngư dân nghèo.

“Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều người Việt Nam muốn tham gia cùng Cảnh sát biển trong chương trình này. Điều này sẽ tạo nên sức mạnh, quân và dân không thể tách rời nhau. Muốn bảo vệ được Tổ quốc thì quân và dân phải đoàn kết. Chúng ta sẽ luôn nuôi giữ ý chí rằng đây là chủ quyền của Việt Nam và sẽ bằng tất cả những gì có thể bảo vệ điều đó”- bà Đinh Thị Xuyến bày tỏ.

Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam (bên phải) trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam (bên phải) trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Những năm qua, nhiều tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội nghỉ hưu cũng tích cực đồng hành với lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Tham gia chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm từ thành phố Hồ Chí Minh đã đến huyện đảo Lý Sơn trao hàng ngàn lá cờ Tổ quốc tặng bà con ngư dân.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Những chiếc tàu ra khơi, lá cờ Tổ quốc tung bay như vậy làm tôi nhớ đến năm 1973, khi đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo chúng tôi phải chiếm giữ những mảnh đất của mình và cắm những ngọn cờ Tổ quốc mình lên đó, những ngọn cờ ở đâu là Tổ quốc ta ở đó. Đất nước này không chỉ mỗi Quân đội Nhân dân bảo vệ mà phải xây dựng thế trận lòng dân. Người dân gìn giữ từng tấc đất, tấc biển của họ.”

Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc các tàu cá ngư dân miền Trung.

Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc các tàu cá ngư dân miền Trung.

Bà Huỳnh Thị Thùy Dung, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã thực hiện hiệu quả các nội dung chương trình phối hợp, triển khai mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.

“Kết quả triển khai thực hiện chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”góp phần đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới, tăng cường đoàn kết quân dân; phát huy lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo”- bà Huỳnh Thị Thùy Dung, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ.

Đến nay, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai ký kết phối hợp với 28 tỉnh, thành phố có biển thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng, vùng biển khu vực miền Trung giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế của đất nước. Lực lượng Cảnh sát biển phải là điểm tựa vững chắc để ngư dân miền Trung vươn khơi bám biển vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trên tàu cá của ngư dân Lý Sơn vươn khơi luôn treo cờ Tổ quốc.

Trên tàu cá của ngư dân Lý Sơn vươn khơi luôn treo cờ Tổ quốc.

“Đây là chương trình hết sức có ý nghĩa, trực tiếp đi vào ngư dân làm ăn trên biển. Các hoạt động của chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” luôn được tổ chức đúng tính chất đồng hành với ngư dân. Các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển được chúng tôi tổ chức thường xuyên, thông qua đó bảo vệ việc làm ăn của ngư dân trên biển. Phải làm sao đó bà con ngư dân hoạt động đúng luật pháp khi vươn khơi”- Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhấn mạnh.

Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Đối với ngư dân miền Trung, mỗi hành trình vươn khơi, họ luôn phải đối mặt với bao sóng to, gió lớn, hiểm nguy rình rập từ thiên tai và cả “nhân tai”. Xuyên suốt trên hành trình ra khơi của ngư dân, Cảnh sát biển Việt Nam cùng các lực lượng chức năng luôn sát cánh, đồng hành, trở thành chỗ dựa vững chắc giúp bà con yên tâm bám biển, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Hàng ngàn lá cờ Tổ quốc theo tàu cá ngư dân miền Trung vươn khơi.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/canh-sat-bien-dong-hanh-voi-ngu-dan-post1143111.vov
Zalo