Cánh quân thứ 6 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là lực lượng nào?

Trong khi 5 cánh quân lớn của chúng ta tiến vào Sài Gòn, đòn tiến công của phi đội Quyết Thắng được coi như cánh quân thứ 6, đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả đẩy nhanh quá trình tan rã của địch, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng là chiến công chói lọi nhất, rực rỡ nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc Tống tiến công này, Bộ chỉ huy chiến dịch điều động 5 quân đoàn (trên dưới 15 sư đoàn). Đó là các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 có đủ các binh chủng hợp thành, với 5 cánh quân theo 5 hướng (bắc, tây bắc, đông, đông nam và tây-tây nam).

Ngoài ra lực lượng Phòng không - Không quân được xem là cánh quân thứ 6. Vậy, vai trò của bộ đội phòng không, không quân được thể hiện như thế nào trong đại thắng mùa xuân năm 1975? Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Công Tuệ, Chủ nhiệm Khoa Quân chủng, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.

PV: Lâu nay, khi nói về các lực lượng tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chúng ta thường hay nói đến các quân đoàn chủ lực, những quả đấm thép, thần tốc đập tan sức kháng cự của địch. Nhưng có một lực lượng rất quan trọng, có thể được coi là cánh quân thứ 6 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đó là lực lượng phòng không, không quân. Vậy, bộ đội phòng không, không quân đã được chuẩn bị như thế nào cho Chiến dịch, thưa ông?

PV: Lâu nay, khi nói về các lực lượng tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chúng ta thường hay nói đến các quân đoàn chủ lực, những quả đấm thép, thần tốc đập tan sức kháng cự của địch. Nhưng có một lực lượng rất quan trọng, có thể được coi là cánh quân thứ 6 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đó là lực lượng phòng không, không quân. Vậy, bộ đội phòng không, không quân đã được chuẩn bị như thế nào cho Chiến dịch, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Công Tuệ: Thực hiện quyết tâm của cấp trên phê chuẩn, trong hai năm 1973-1974, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã đề xuất và tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh tác chiến ở miền Nam và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trên Chiến trường miền Nam, Quân chủng đã khẩn trương tổ chức lại lực lượng và chuyển giao hơn 5% số trung đoàn pháo cao xạ, nhiều trung đoàn tên lửa và một số đơn vị như radar và không quân, xây dựng nhiều đơn vị phòng không mới cho các quân đoàn chủ lực, nhất là trên hướng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Trị Thiên. Xây dựng, phát triển bộ đội phòng không địa phương tại các vùng giải phóng và vùng giao tranh. Qua đó, chúng ta đã xây dựng được thế trận phòng không vừa vững chắc, vừa rộng khắp, vừa có trọng điểm và có lực lượng dự bị mạnh.

PV: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, các chiến dịch diễn ra nối tiếp nhau, gối đầu nhau, vì thế mà các lực lượng phải cơ động liên tục và đến giai đoạn cuối là thần tốc tiến về Sài Gòn. Vậy thì bộ đội phòng không đã phối hợp tác chiến như thế nào để có thể bảo vệ được đội hình binh chủng hợp thành?

Đại tá Nguyễn Công Tuệ: Trong các chiến dịch của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng phòng không tập trung nâng cao khả năng tác chiến, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm bảo tác chiến liên tục, dài ngày, quy mô lớn. Đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng theo từng giai đoạn chiến dịch, từng trận đánh, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn tác chiến. Qua đó, nghệ thuật tác chiến của lực lượng phòng không, không quân ngày càng phát triển, từ cách đánh luồn sâu áp sát bằng lực lượng gọn nhẹ đến đi cùng đội hình tác chiến của bộ đội binh chủng hợp thành bằng các đơn vị như pháo phòng không, tên lửa và các lực lượng khác, vừa tiêu diệt địch trên không, vừa tiêu diệt địch mặt đất, mặt nước, bảo vệ đội hình tiến công.

Quá trình tác chiến, lực lượng phòng không đã thường xuyên bám sát, kịp thời, yểm hộ và chi viện có hiệu quả cho đội hình binh chủng hợp thành. Đồng thời, phát huy tác dụng tốt trong nhiệm vụ chủ yếu là đánh địch trên không, mặt đất, mặt nước. Quá trình tác chiến từ ngày 26/4 đến ngày 30/4/1975, lực lượng phòng không đã đánh 225 trận, bắn rơi 43 máy bay địch, có 14 chiếc rơi tại chỗ, bắn cháy 10 tàu chiến và tiêu diệt hàng trăm hoạt điểm của địch, xe tăng, xe quân sự, bảo vệ an toàn đội hình tiến công trên các hướng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

PV: Ngày 19/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân mới chính thức nhận nhiệm vụ cho không quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và chỉ sau 9 ngày, tức là ngày 28/4, Phi đội Quyết thắng đã dùng máy bay A37 thu được của địch để tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông, việc chúng ta dùng máy bay thu được của địch để đánh địch có ý nghĩa như thế nào, trong bối cảnh lúc bấy giờ?

Đại tá Nguyễn Công Tuệ: Đây là một chủ trương mạnh dạn, đúng đắn phù hợp với tình hình thực tế lúc bây giờ. Và chỉ sau một thời gian huấn luyện, chuyển loại đến ngày 27/4/1975 thì phi công, thợ máy của ta đã làm chủ hoàn toàn được máy bay A37. Đây là máy bay thu được của địch. Lúc 8 giờ ngày 28/4, tại sân bay Phù Cát, Thiếu thướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng đã chính thức phê chuẩn lực lượng tham gia trận đánh gồm 6 phi công. Đó là Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On. Biên đội được thành lập mang tên “Phi đội Quyết thắng”.

Qua nghiên cứu tình hình, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã giao nhiệm vụ cho Phi đội Quyết thắng tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một trong số các mục tiêu quan trọng bậc nhất có ý nghĩa chiến lược của Chiến dịch. Lúc 16 giờ 17 phút ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng xuất kích.

Sau khi phát hiện được mục tiêu, Phi đội triển khai đội hình chiến đấu theo phương án và đã tiến hành công kích. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, oanh tạc mục tiêu, Phi đội đã tập hợp đội hình trở về hạ cánh an toàn vào lúc 18 giờ 05 phút. Kết quả trận đánh đã phá hủy và làm hư hỏng nặng cụm máy bay địch tập trung ở khu vực sân đỗ gồm 24 chiếc A-37 và F-5E, 4 máy bay vận tải, diệt hàng trăm tên địch và làm tê liệt hoàn toàn hoạt động sân bay Tân Sơn Nhất. Trận đánh của không quân của chúng ta vào sân bay Tân Sơn Nhất đã gây chấn động lớn.

Trong khi 5 cánh quân lớn của chúng ta tiến vào Sài Gòn, đòn tiến công của Phi đội Quyết thắng đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả đẩy nhanh quá trình tan rã của địch, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch.

Hình ảnh phi đội Quyết Thắng trở về sân bay Thành Sơn sau khi oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không- Không quân Việt Nam.

Hình ảnh phi đội Quyết Thắng trở về sân bay Thành Sơn sau khi oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không- Không quân Việt Nam.

PV: Có thể khẳng định, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, bộ đội phòng không, không quân đã có bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tác chiến, qua đó đã chi viện, bảo vệ đội hình chiến đấu của các cánh quân. Vậy theo ông, chúng ta đúc rút ra được bài học, kinh nghiệm gì để vận dụng, bổ sung, phát triển trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Đại tá Nguyễn Công Tuệ: Thứ nhất là phải cơ động nhanh, bí mật, bất ngờ, tập trung lực lượng phòng không bảo vệ hướng, tiến công chủ yếu trong các trận then chốt, quyết định để hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Bài học thứ 2, chúng ta cần phát huy cao nhất sức mạnh của lực lượng phòng không ba thứ quân và hình thành thế trận nhiều tầng, nhiều hướng trên không, kết hợp đưa lực lượng phòng không tham gia luồn sâu, áp sát đánh các mục tiêu quan trọng trong chiều sâu phòng ngự của địch.

Bài học thứ 3 đó là lấy vũ khí của địch đánh địch và vận dụng linh hoạt cách đánh mưu trí, sáng tạo, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng. Và bài học thứ 4 là chủ động, chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trong từng trận đánh của chiến dịch và đồng thời làm tốt công tác, tổ chức, chuẩn bị chiến đấu, chỉ huy, hiệp đồng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng phòng không.

Tuy nhiên trong quá trình tác chiến thì lực lượng phòng không, không quân cũng bộc lộ một số hạn chế mà chúng ta cần phải rút nghiệm. Một là hỏa lực phòng không của chúng ta tổ chức thành từng cụm, từng hướng, mang tính độc lập. Nó chưa thực sự liên kết hỏa lực để bao trùm đến toàn bộ đội hình quân địch. Thứ 2, là chưa thực sự nhạy bén, cũng như là đánh giá đúng tình hình, nhất là tình hình hoạt động của địch trên không. Và các đơn vị tên lửa phòng không thì đã để lỡ nhiều cơ hội. Do vậy là không đánh được địch trong những thời điểm quyết định của chiến dịch.

Thứ 3 nữa là lực lượng phòng không luồn sâu, yểm sẵn còn mỏng, chưa đủ sức khống chế hoàn toàn được địch trên không trong một số thời điểm. Ví dụ như là ở sân bay Hòa Bình.

Có thể nói là cuộc Tổng Tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã qua nửa thế kỷ nhưng vẫn còn những bài học, kinh nghiệm rất phong phú và quý giá, cần tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết để đúc rút và vận dụng trong công tác tổ chức, sử dụng bố trí lực lượng phòng không để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Trường Giang/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/canh-quan-thu-6-trong-chien-dich-ho-chi-minh-la-luc-luong-nao-post1188715.vov
Zalo