Cảnh quan nông thôn dần mất biểu tượng đặc trưng cây đa, đình làng

Ngày 28/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Ông Dương Khắc Mai phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Dương Khắc Mai phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) thống nhất cao với việc xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Mai, trong xu thế mở cửa tiếp nhận và dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước thách thức lớn, dễ nhận thấy nhất là về mặt kiến trúc. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống. Cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, đình làng. Nhà theo kiến trúc truyền thống thay thế bằng nhà ống, nhà theo kiểu kiến trúc ngoại lai, kiến trúc lập khuôn.

Do đó, để đảm bảo quy hoạch phát triển bền vững, theo ông Mai tại Điều 7 về nguyên tắc hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc bảo vệ, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền.

Ông Lê Hữu Trí phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Lê Hữu Trí phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Theo ĐB Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) dự thảo Luật đã thiết kế logic, rõ ràng 9 nhóm nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan. Qua đó đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Trong đó có một số nội dung mới nổi trội như quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn theo các loại và các cấp độ quy hoạch; phân định, phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Ông Trí đánh giá, đây là sự đổi mới mạnh mẽ tư duy công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Những nội dung mới của dự thảo Luật sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy cho quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý tại khu vực đô thị và nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Ông Trí cũng cho rằng, dự thảo Luật cần có các quy định yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn, giao thoa giữa khu chức năng và đô thị, giữa khu chức năng và nông thôn, giữa đô thị và nông thôn.

Ông Hoàng Văn Cường phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Hoàng Văn Cường phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho hay, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen vào nhau. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

“Việc xây dựng Luật này cũng là một cơ hội để chúng ta nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc, vừa là tiền đề, làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên”-ông Cường nói.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/canh-quan-nong-thon-dan-mat-bieu-tuong-dac-trung-cay-da-dinh-lang-10284268.html
Zalo