'Cành khế ngọt' với nỗ lực đưa sân khấu cải lương trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Độc đáo, mới mẻ, thu hút và giàu cảm xúc - đó là những ấn tượng mà 'Cành khế ngọt'- vở diễn mới nhất vừa được Nhà hát Cải lương ra mắt, đã để lại trong lòng khán giả. Với nhiều thử nghiệm khi dàn dựng trong không gian Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội), vở diễn kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch hút khách.
Với thời lượng khoảng 80 phút, “Cành khế ngọt” đưa người xem trở lại những năm 30 của thế kỷ 20, khi nhân dân Việt Nam sống trong cảnh “một cổ hai tròng”, dưới 2 tầng áp bức. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của Khế-nàng thiếu nữ xinh đẹp xuất thân từ một gia đình tá điền. Đang chuẩn bị kết hôn với Nền thì Khế rơi vào tầm ngắm của Quản Báu và chủ của hắn là Cụ Cả Hoành – một điền chủ giàu có nức tiếng.
Để chiếm đoạt Khế, chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào, từ đầu độc mẹ Khế để Khế phải hoãn cưới, tới lập mưu bắt vị hôn phu của nàng đi làm xa để tiện bề hãm hại, thậm chí dùng cả thuốc phiện để khống chế nàng… Quản Báu và Cụ Cả Hoành chính là điển hình cho tầng lớp bóc lột ở nông thôn Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, với những âm mưu, tội ác, sự đểu cáng được giấu diếm trong vỏ bọc của sự tử tế. Bao người dân nghèo đã phải chịu nhiều áp bức, bóc lột, cho đến khi ánh sáng của cách mạng rọi tới, mang đến cho họ niềm hy vọng về cuộc sống bình yên…
Đảm nhận vai trò vừa là tác giả, vừa là đạo diễn của vở diễn, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, tác phẩm nhắc lại những ký ức đau buồn của quá khứ để làm nổi bật những giá trị đích thực của độc lập, tự chủ, hòa bình và ổn định xã hội hôm nay, từ đó phát huy tinh thần đại đoàn kết, hướng tới một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
“Vở diễn là dịp để Nhà hát Cải lương Việt Nam trình bày định hướng và phong cách nghệ thuật của mình; quảng bá những nét hay, nét đẹp của nghệ thuật cải lương Việt Nam – một loại hình nghệ thuật truyền thống mang những đặc trưng của phương pháp tự sự phương Đông, nhưng lại kết hợp tài tình với những giá trị của nghệ thuật sân khấu phương Tây. Mục đích chính là tiếp cận ngày càng nhiều hơn các tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ, nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam”, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.
“Cành khế ngọt” là vở diễn nằm trong dự án xây dựng các "Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo. Đó là lý do vở diễn được dàn dựng với nhiều thử nghiệm mới mẻ để phù hợp nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách.
Điểm độc đáo đầu tiên là thay vì diễn trên sân khấu hộp như thông thường, vở diễn tận dụng toàn bộ không gian 4 chiều của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm để làm thành đất diễn cho nghệ sĩ. Cũng bởi thế mà khoảng cách giữa các diễn viên và công chúng gần như được xóa nhòa. Người xem có cảm giác như đang được hòa vào mạch kịch, dõi theo từng hỉ, nộ, ái, ố của diễn viên. Điều này mang đến hưng phấn cho nghệ sĩ, nhưng cũng tạo nên áp lực khiến các nghệ sĩ phải thật sự cố gắng để thể hiện khả năng diễn xuất trong khoảng cách rất gần với khán giả.
Đặc biệt, “Cành khế ngọt” mang đến nhiều bất ngờ khi được dàn dựng theo định dạng mới: ca nhạc kịch cải lương đương đại. Bên cạnh những làn điệu cải lương đặc trưng như vọng cổ, nam ai, nhạc lễ, các bài lý..., vở diễn còn được Nghệ sĩ nhân dân Trọng Đài đưa vào 8 ca khúc sáng tác mới dựa trên những âm hưởng truyền thống dân gian như vè, đồng dao, dân ca bắc bộ…
“Với thử nghiệm lần này, chúng tôi muốn có thể tiếp cận nhiều hơn các đối tượng công chúng, nhất là công chúng trẻ. Các bạn trẻ sẽ thấy sân khấu truyền thống cải lương không hề khó xem, cũng không hề khô khan”, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên bày tỏ.
Với mục đích muốn “khoe” những nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt tới du khách trong nước, quốc tế, ekip sáng tạo đã đưa vào “Cành khế ngọt” nhiều chất liệu văn hóa truyền thống dân gian thể hiện qua nếp ăn, ở, phong tục tập quán, hội hè của người Việt. Điểm nhấn đáng chú ý là vẻ đẹp của cổ phục Việt toát lên từ vở diễn. Được biết, toàn bộ các trang phục của diễn viên trong tác phẩm đều được các bạn trẻ của Ỷ Vân Hiên thiết kế. Đây là đơn vị đã khẳng định được thương hiệu trong phục dựng hệ thống cổ phục Việt Nam.
Thêm một điểm nhấn thú vị là sự xuất hiện của dàn đồng ca trong vở diễn, với sự góp giọng của các nghệ sĩ Minh Hải, Văn Đáng, Thu Hiền, Ngân Hà, Đinh Hương. Không chỉ hát, họ còn xuất hiện trong vở diễn với vai trò là người dẫn chuyện và là thành phần quan trọng vẽ nên bối cảnh, không khí cho từng cảnh diễn.
Nếu gắn bó với những tác phẩm của Nhà hát Cải lương Việt Nam, sẽ dễ nhận ra ở “Cành khế ngọt”, ekip sáng tạo đã khéo léo “cài cắm” những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm ở dàn đồng ca và trong các vai diễn lớn tuổi như Cụ Cả Hoành (nghệ sĩ Quách Xuân Thông), bà Ba (Nghệ sĩ ưu tú Minh Lý), mẹ Khế (nghệ sĩ Thu Thảo)… để làm “bệ đỡ” cho các diễn viên trẻ tỏa sáng. Các nghệ sĩ Ngọc Linh (vai Khế), Tuấn Thịnh (vai Nền), Việt Anh (vai Quản Báu) đã chứng tỏ được nội lực của dàn diễn trẻ giàu triển vọng của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên cho hay, Nhà hát Cải lương Việt Nam dự kiến sẽ duy trì lịch diễn định kỳ tại không gian 22 Hàng Buồm để giới thiệu rộng rãi nghệ thuật cải lương tới du khách. Sau “Cành khế ngọt”, Nhà hát cũng sẽ nghiên cứu để có thêm những tác phẩm phù hợp vận hành tại điểm diễn này.