Cảnh giác với việc trẻ nhét dị vật vào mũi

Nghịch và tò mò, muốn khám phá thế giới nên việc trẻ em nhét dị vật vào mũi là tình huống dễ bắt gặp.

Kể từ khi Bệnh viện Nhi Queensland hoạt động, các bác sĩ đã lấy ra hàng trăm dị vật từ mũi của trẻ em. Ảnh: INT

Kể từ khi Bệnh viện Nhi Queensland hoạt động, các bác sĩ đã lấy ra hàng trăm dị vật từ mũi của trẻ em. Ảnh: INT

Nghịch và tò mò, muốn khám phá thế giới nên việc trẻ em nhét dị vật vào mũi là tình huống dễ bắt gặp. Loại tai nạn này thường xảy ra với trẻ dưới 7 tuổi.

Những dị vật thường gặp

Trẻ nhỏ thường có thói quen nhét những đồ nhỏ vào mũi. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ đa khoa Tim Jones nhớ lại tình huống gắp một hạt đậu, gồm cả lá và rễ, mọc trong lỗ mũi của một bệnh nhi bốn tuổi rưỡi. “Đứa trẻ đó thực sự bắt đầu kêu đau đầu, không ngửi được mùi.

Sau đó, trẻ bắt đầu có một ít dịch kèm máu chảy ra từ mũi phải. Trong những trường hợp như vậy, các phụ huynh biết là có điều gì đó không ổn. Song, họ chỉ không ngờ đến tình huống đó”, Tiến sĩ Tim Jones - Chủ tịch Khoa Sức khỏe trẻ em và thanh thiếu niên của Cao đẳng bác sĩ đa khoa Hoàng gia Australia cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng trẻ nhét dị vật vào mũi là vấn đề khá phổ biến. Bệnh viện Nhi Queensland (QCH) tại Australia đã biên soạn danh sách 10 thứ trẻ em thường nhét vào mũi và có thể khiến các bé phải cấp cứu.

Kể từ khi bệnh viện này hoạt động cách đây một thập kỷ, các bác sĩ đã phải lấy hàng trăm dị vật ra khỏi mũi của hơn 1.650 trẻ em. 10 “thủ phạm” hàng đầu theo thứ tự là: Hạt cườm, lego, bóng, hạt giống, quả hạch, đồ chơi, cúc áo, bút màu, nam châm và pin.

“Trẻ em không bao giờ ngừng làm tôi kinh ngạc với khả năng nhét những thứ ngẫu nhiên vào mũi của chúng”, bác sĩ cấp cứu nhi khoa của QCH, Tiến sĩ Aaron Johnston cho biết và chia sẻ về trường hợp một bé gái nhét hình trang trí bướm vào mũi.

“Rõ ràng là khi đó, trẻ chỉ chơi với một vài hình trang trí bướm và nghĩ: ‘Không biết những thứ này có vừa với mũi của mình không nhỉ?’, trẻ nghĩ và làm”, Tiến sĩ Johnston cho biết và chia sẻ, ông thường sử dụng một dụng cụ có móc hoặc thiết bị nhỏ để gắp các dị vật ra khỏi lỗ mũi của bệnh nhi.

 Bác sĩ cấp cứu nhi khoa Aaron Johnston của Bệnh viện Nhi Queensland. Ảnh: Abc

Bác sĩ cấp cứu nhi khoa Aaron Johnston của Bệnh viện Nhi Queensland. Ảnh: Abc

Kỹ thuật cấp cứu

Trong trường hợp trẻ đưa dị vật vào mũi, một kỹ thuật thường được sử dụng để cấp cứu được gọi là “nụ hôn của cha mẹ”. Trong đó, về cơ bản, cha mẹ của trẻ sẽ thực hiện hô hấp nhân tạo cho bé. Đồng thời, bịt lỗ mũi không chứa dị vật.

Tiến sĩ Johnston cho biết, kỹ thuật này “đôi khi có thể giúp thổi thẳng dị vật ra khỏi mũi”. “Chắc chắn là rất an toàn khi thử một điều gì đó như kỹ thuật nụ hôn của cha mẹ tại nhà. Điều đó có thể giúp họ tránh được một chuyến đi đến bệnh viện”, ông nói.

Song, theo chuyên gia Aaron Johnston, quy tắc đầu tiên của cấp cứu nhi khoa là: “Nếu lo lắng, phụ huynh nên đưa con đi khám”. Ông cho biết: “Hầu hết những bệnh nhi đến QCH không cần phải đến phòng phẫu thuật. Trẻ thường có thể được thực hiện gắp dị vật tại phòng khám của bác sĩ chuyên khoa.

Đôi khi, bác sĩ sử dụng một chút thuốc an thần hoặc giảm đau để giúp trẻ thư giãn. Trong trường hợp nếu dị vật đó quá lớn, hay gây tình trạng quá đau, hoặc đã ở trong đó trong một thời gian dài, bác sĩ sẽ cần gây mê để giúp lấy nó ra”.

QCH cũng đã biên soạn danh sách 10 vật dụng trẻ em có nguy cơ nuốt phải nhiều nhất khiến các bé phải cấp cứu. Trong 10 năm qua, bệnh viện đã điều trị cho hơn 10.200 trẻ em nuốt phải thứ mà chúng không nên nuốt. Tiến sĩ Johnston cho biết, trung bình, các chuyên gia của QCH chăm sóc khoảng ba trẻ em mỗi ngày vì nuốt hoặc nhét dị vật vào đường mũi.

“Khoảng 80% các dị vật sẽ đi qua cơ thể mà không gây hại. Tuy nhiên, luôn có nguy cơ một số vật có thể bị kẹt hoặc gây thương tích bên trong cơ thể trẻ”, ông nói. Ví dụ, nếu pin cúc áo bị kẹt ở thực quản, nó có thể làm bỏng mô trong hai giờ, gây ra thương tích đe dọa tính mạng.

Chúng có thể nhanh chóng gây tổn thương, cả thực quản, ống dẫn thức ăn và thậm chí có thể gây ra những vấn đề về tim. Tim nằm ngay sau ống dẫn thức ăn. Nếu dị vật gây bỏng ống dẫn thức ăn, thì sau đó cơ tim hoặc các mạch máu sẽ bị ảnh hưởng.

Nam châm cũng có thể là dị vật vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là nếu trẻ bị kẹt hai hoặc nhiều nam châm trong cơ thể. “Trong trường hợp đó, nam châm có thể dính lại với nhau bên trong cơ thể và gây ra các vết loét, loét, tắc nghẽn hoặc tạo thành lỗ trên những cơ quan nội tạng”, TS Johnston cho biết. Khi mùa lễ hội đang đến gần, chuyên gia này kêu gọi mọi người hãy cảnh giác khi tặng quà cho trẻ em, đặc biệt là khi mua đồ chơi từ các trang web trên Internet.

TS Johnston cảnh báo, nếu trẻ có dị vật trong cơ thể, nhưng không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy bé bị nghẹn hoặc đau đớn, trẻ có thể không có bất kỳ triệu chứng tức thời nào. Tiến sĩ Johnston khuyến cáo, cha mẹ nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu thấy trẻ chảy nước dãi hoặc nôn, thở khò khè, ho hoặc khó thở, kêu đau ngực hoặc đau bụng, từ chối ăn hoặc bị sốt, hay có máu trong phân.

Theo ABC

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/canh-giac-voi-viec-tre-nhet-di-vat-vao-mui-post713623.html
Zalo