Cảnh giác với thủ đoạn giả danh lực lượng công an để lừa đảo
Thời gian gần đây, không ít người dân nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là công an phường, công an TP Thanh Hóa thông báo về việc vi phạm có liên quan đến xử phạt nguội về giao thông, đăng ký xe trên dịch vụ công, hướng dẫn cài đặt các ứng dụng dịch vụ công (VNelD, dichvucong...) và yêu cầu người dân đến cơ quan công an để khắc phục ngay trong ngày.
Cách đây hơn 1 tháng, trong khoảng thời gian 1 tuần liên tục, chị Thùy Dung ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa thường xuyên nhận được cuộc gọi của người tự xưng là cán bộ công an phường, Công an TP Thanh Hóa đề nghị chị cung cấp thông tin để hoàn thiện mã định danh cá nhân.
Lần đầu tiên là 9h sáng khi chị đang làm việc tại cơ quan thì nhận được số điện thoại lạ xưng là cán bộ Công an phường Nam Ngạn thông báo căn cước công dân của chị bị lỗi trên hệ thống, cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu chị đến cơ quan công an để khắc phục ngay trong ngày. Đến chiều, khoảng 13h kém, chị đang ngủ trưa lại nhận được cuộc gọi xưng là cán bộ của Công an TP Thanh Hóa yêu cầu chị cung cấp thông tin để nhập lại mã định danh. Nhưng do thường xuyên theo dõi thông tin và đọc các cảnh báo của Công an TP Thanh Hóa đăng trên trang facebook nên chị chỉ nhẹ nhàng trao đổi với đối tượng đừng dùng thủ đoạn trên để lừa đảo người dân nữa.
Tuy nhiên, 2 ngày sau chị lại nhận được cuộc gọi xưng là cán bộ của Công an TP Thanh Hóa nói trong điện thoại với giọng rất gay gắt, đề nghị chị nghiêm túc cung cấp thông tin để nhập lại mã định danh cá nhân. Nhận thấy đối tượng cố tình uy hiếp tinh thần, chị liền đưa điện thoại cho một người đồng nghiệp nam. Anh đồng nghiệp biết được đối tượng cố tình gây áp lực cho chị nên đã đề nghị đối tượng cung cấp đầy đủ họ và tên, chức vụ, ở phòng, ban nào của Công an TP Thanh Hóa để nhờ người bên Công an TP Thanh Hóa xác minh lại danh tính. Nếu đúng cán bộ của Công an TP Thanh Hóa sẽ sẵn sàng hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin như đối tượng yêu cầu.
“Thấy không thể cho “con mồi” vào “bẫy” nên đối tượng đã văng tục ngay trên điện thoại. Và, cũng từ đó tôi không bị “khủng bố” tinh thần bằng các cuộc gọi lạ tự xưng là Công an TP Thanh Hóa nữa", chị Dung chia sẻ.
Cũng như chị Dung, anh Trần Thanh ở phường Đông Hương nhận được cuộc gọi xưng là cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh yêu cầu anh đến làm thủ tục sang tên xe ô tô.
Anh Thanh cho biết: "Trước kia, anh có sở hữu một chiếc xe ô tô nhưng anh đã bán cho một người bạn. Người bạn đã làm thủ tục sang tên nên khi nhận được cuộc gọi xưng là công an, anh biết là đối tượng lừa đảo nên đã vòng vo trên điện thoại với đối tượng một hồi. Khi đối tượng nhận biết anh “câu giờ” trên điện thoại thì tắt máy. Vài ngày sau, anh lại tiếp tục nhận được cuộc gọi cũng xưng là công an, yêu cầu anh đến làm thủ tục sang tên xe ô tô, nếu anh bận không đi được thì ủy quyền cho đối tượng làm thay. Vừa nghe đối tượng nói xong, anh mắng cho một hồi trong điện thoại, đối tượng lập tức buông lời chửi bậy rồi tắt máy".
Không bình tĩnh xử lý tình huống như chị Dung, anh Thanh, đầu năm nay chị Nhung ở phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) đang công tác tại Hà Nội nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ công an phường thông báo tài khoản định danh mức độ 2 của chị bị trùng với người khác, yêu cầu chị phải trực tiếp ra công an xử lý trong ngày. Do đang ở xa nhà nên chị nói bận, không về kịp trong ngày thì đối tượng hướng dẫn chị đồng bộ “online” thông qua hình thức tải phần mềm có logo VNeID, có yêu cầu khuôn mặt, vân tay và số điện thoại. Khi chị thực hiện các bước theo hướng dẫn của đối tượng thì toàn bộ số tiền trong tài khoản của chị “không cánh mà bay”.
“Cũng may là trước ngày đi công tác, chị đến ngân hàng gửi một khoản vào sổ tiết kiệm, chỉ để lại trong tài khoản hơn chục triệu để chi tiêu”, chị Nhung chia sẻ.
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã kịp thời có bài viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội khuyến cáo với nội dung: Gần đây, trên địa bàn TP Thanh Hóa đã xuất hiện tình trạng công dân trên địa bàn nhận được các tin nhắn và cuộc gọi từ các đối tượng tự xưng là cán bộ đội cảnh sát giao thông, Công an TP Thanh Hóa thông báo việc vi phạm có liên quan đến xử phạt nguội về giao thông, đăng ký xe trên dịch vụ công và các lĩnh vực liên quan đến lực lượng cảnh sát giao thông đang xử lý để dẫn dắt, gây sức ép tâm lý đến người dân làm cho người dân hoang mang, lo sợ nhằm lừa đảo, khai thác thông tin cá nhân.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với lý do phục vụ xác minh, điều tra, xử lý. Đồng thời, yêu cầu nạn nhân không nói với gia đình, kể cả với nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền.
Để chủ động phòng ngừa với thủ đoạn lừa đảo trên, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác và lưu ý: Tất cả các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có), trực tiếp đến trụ sở công an để giải quyết vụ việc vi phạm. Lực lượng cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, người dân có thể gọi đến số điện thoại trực ban của lực lượng công an để được hướng dẫn, giải đáp.
Khi nhận được các cuộc gọi này, người dân nhanh chóng đến trình báo tại cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị người dân không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, số chứng minh Nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email...) cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.