Cảnh giác với những bài viết mang nội dung xấu độc dịp lễ 30/4
Cứ vào dịp lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam (30/4) hàng năm, Việt Nam tổ chức các hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước thì trên không gian mạng xuất hiện những bài viết nội dung xấu độc của các tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị. 30/4 năm nay cũng không ngoại lệ.
30/4/1975 là ngày đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam. Vì đó là ngày kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, ngày này không bao giờ phai mờ trong ký ức người Việt yêu nước. Bởi trong đó đã hằn sâu hình ảnh cha, ông giữ nước; các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước được độc lập, tự do. Chính điều đó tạo nên sức mạnh đoàn kết bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, không một thế lực thù địch hoặc tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị nào chống phá được nền độc lập, tự do của dân tộc ta.

Bài viết có nội dung xấu độc.
Thế nhưng, chúng luôn tìm cách chống phá để đạt được ý đồ, mục đích. Cách chống phá phổ biến hiện nay là chúng soạn thảo, đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước gây dư luận xấu trong xã hội. Nhiều nhất là vào dịp đất nước có những sự kiện mang tính chính trị như lễ 30/4.
Ngày 30/4/2025, tròn 50 năm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước là điển hình. Đảng, Nhà nước ta tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là lần này lại tổ chức quy mô lớn tại TP.HCM, nơi đúng 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975, cổng Dinh Độc Lập đã bị húc đổ, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên nóc tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn trong niềm hân hoan, chờ đón của cả dân tộc. Trên không gian mạng có nhiều bài viết chống phá, với ý đồ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động lòng hận thù trong các thế hệ, làm lung lạc niềm tin vào Đảng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bài viết “Né đại lễ 30/4, nhiều người Việt Nam đi du lịch ngoại quốc”, đăng trên trang Nguoi Viet News là điển hình. Chỉ cần đọc “tiêu đề” của bài, chưa cần xem nội dung đã thấy sự bóp méo sự thật, theo kiểu ít thì xít ra nhiều. Khi người viết bài này, thừa biết Việt Nam có 100 triệu dân, mỗi dịp 30/4 gắn với Ngày quốc tế Lao động 1/5 thường Nhà nước có chủ trương để cán bộ, viên chức người lao động và nhân dân nghỉ lễ, vui chơi. Chuyện đi du lịch nước ngoài hay trong nước là quyền của mỗi cá nhân, tổ chức và Nhà nước không bắt buộc mọi người dân phải có mặt dự lễ mà bài viết giật tít “né đại lễ”…
Những bài viết mang nội dung xấu độc như vậy đối với người dân Việt Nam hiện nay không còn xa lạ, khi họ lên án, cười cợt và luôn cảnh giác khi có người chia sẻ, dẫn lại. Tuy nhiên đối với các phần tử và tổ chức phản động, họ luôn tận dụng thời điểm diễn ra các sự kiện lớn để làm mọi cách chống phá.
An ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội vào dịp lễ luôn được siết chặt, phòng ngừa tội phạm, cảnh giác phần tử xấu ở ngoài nước chống phá. Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025), Ngày Quốc tế Lao động (1/5) thể hiện điều đó.
Công điện nêu, lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, trong thời gian này, trên cả nước đồng loạt diễn ra nhiều sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với sự tham gia của đông đảo các lực lượng, các đoàn khách quốc tế. Đồng thời, hiện nay Đảng, Nhà nước đang thực hiện cải cách, sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Bên cạnh đó nhu cầu đi lại, thăm thân nhân, du lịch, sử dụng dịch vụ gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội…
Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tổ chức lực lượng, phương tiện trực, ứng trực thường xuyên, thực hiện có hiệu quả, thực chất các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng...
Thủ tướng giao Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chỉ đạo nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Tăng cường quản lý các hướng, tuyến, địa bàn và đối tượng trọng điểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động khủng bố, phá hoại. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Sẵn sàng phương án ứng phó với các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức trinh sát, giám sát, nắm chắc tình hình trên không gian mạng, kịp thời có biện pháp ứng phó với các hoạt động ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh…
Công an các tỉnh, thành trên cả nước đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ ấy. Trong đó Công an Bình Thuận luôn kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác không chia sẻ những thông tin, bài viết nội dung xấu chưa kiểm chứng, đồng thời tích cực tố giác các hành vi vi phạm trên không gian mạng.