Cảnh giác với dịch vụ mua bán, trao đổi, thanh toán ngoại tệ

Ngày 24/1, Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Bắc Giang đã có cảnh báo người dân phải cảnh giác với dịch vụ mua bán, trao đổi, thanh toán ngoại tệ.

Theo Phòng An ninh đối ngoại, thời gian gần đây do nhu cầu ngày càng cao của người dân về mua bán, trao đổi, thanh toán ngoại tệ (nhất là tiền Trung Quốc), trên các mạng xã hội (Facebook, Telegram, Tiktok, X…) có nhiều nhóm, kênh Fanpage liên quan 'đổi tiền Việt - Trung' mọc lên như nấm sau cơn mưa, chỉ cần gõ từ khóa 'đổi tiền", "thanh toán" bằng tiền Trung Quốc là xuất hiện nhiều nhóm, nhiều bài viết về dịch vụ này thu hút đông đảo người quan tâm tham gia.

Bên cạnh, những tiện lợi như dễ mua bán, trao đổi, giải quyết nhu cầu sử dụng ngoại tệ để đi du lịch, thăm thân, làm ăn buôn bán, công tác nước ngoài…

Tuy nhiên, việc mua bán, trao đổi, thanh toán ngoại tệ trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro dễ bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, sử dụng nhiều kịch bản, chiêu trò tinh vi, đưa ra các lời mời mua bán, đổi tiền ngoại tệ với giá cực kỳ hấp dẫn, thấp hơn tỷ giá trên thị trường, việc thanh toán không yêu cầu đặt cọc trước, để dụ dỗ những người có nhu cầu đổi, thanh toán, bằng ngoại tệ để họ tin tưởng dẫn đến hậu quả khó lường.

Hậu quả khó lường như mua bán, vận chuyển ngoại tệ trái phép qua biên giới; lừa đảo; rửa tiền; mua bán các mặt hàng cấm; mặt hàng trái phép; phí chênh lệch cao; tiền giả…

Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì bị các đối tượng lừa đảo chặn liên lạc, "bùng" tiền cọc của khách.

Thậm chí, có trường hợp bị cơ quan chức năng nước ngoài "đóng băng" tài khoản (khóa tài khoản nước ngoài) để điều tra, tịch thu... do các giao dịch, trao đổi mua bán ngoại tệ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nhiều nhóm, kênh Fanpage liên quan 'đổi tiền Việt - Trung' (ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang).

Nhiều nhóm, kênh Fanpage liên quan 'đổi tiền Việt - Trung' (ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang).

Theo quy định tại Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/08/2011 của Ngân Hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép, hoạt động thu mua ngoại tệ là một trong những ngành nghề kinh doanh của tổ chức tín dụng và chỉ có tổ chức tín dụng mới được phép thu mua ngoại tệ.

Việc các cá nhân, tổ chức khác thực hiện hành vi thu, mua ngoại tệ được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm của hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi thu, mua ngoại tệ có thể bị xử phạt hành chính (theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hoạt động này hiện đang gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, trật tự khi tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tội phạm trên không gian mạng hoạt động lừa đảo, rửa tiền và mua bán trao đổi ngoại tệ trái phép.

Để có thể phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, khuyến cáo những người có nhu cầu mua bán, trao đổi, thanh toán ngoại tệ nên lựa chọn các địa chỉ uy tín để thực hiện giao dịch đổi tiền ngoại tệ.

Không tham gia vào giao dịch tiền tệ không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc qua các nền tảng không chính thức.

Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, phải xác minh, kiểm tra kỹ thông tin đối tác giao dịch, nguồn gốc giao dịch, cũng như các thông tin khác liên quan.

Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền, đặt cọc trước.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng lừa đảo, rửa tiền và mua bán trao đổi ngoại tệ trái cần báo cáo ngay với cơ quan công an để có thể giải quyết và kịp thời điều tra, xử lý đối tượng lừa đảo.

T.M

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/canh-giac-voi-dich-vu-mua-ban-trao-doi-thanh-toan-ngoai-te-204250124112646411.htm
Zalo