Cảnh giác với chiêu trò 'việc nhẹ lương cao': Sinh viên dễ mắc bẫy

Với những lời mời gọi hấp dẫn như 'việc nhẹ lương cao, không cần kinh nghiệm', hàng nghìn sinh viên đã trở thành nạn nhân của các đường dây lừa đảo tinh vi.

Làm một ngày, mất tiền cả tháng

Chỉ với một vài cú nhấp chuột trên mạng xã hội, sinh viên có thể tiếp cận hàng trăm nghìn tin tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Những công việc như “đánh giá sản phẩm online”, “xem video kiếm tiền” hay “đặt đơn hàng nhận hoa hồng” thường đi kèm cam kết thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Chỉ với một vài cú nhấp chuột trên mạng xã hội, sinh viên có thể tiếp cận hàng trăm nghìn tin tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Ảnh: Phương Trang

Chỉ với một vài cú nhấp chuột trên mạng xã hội, sinh viên có thể tiếp cận hàng trăm nghìn tin tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Ảnh: Phương Trang

Nhiều sinh viên nhẹ dạ cả tin đã đăng ký làm thử. Sau khi đăng ký vào trang website hoặc các app mà các đối tượng đưa ra với nhiều thông tin cá nhân và khoản phí, các sinh viên cũng nhận được nhiệm vụ đầu tiên và được các đối tượng lừa đảo trả công đầy đủ để tạo niềm tin. Sau đó, chúng dụ dỗ họ nạp thêm tiền để “mở khóa cấp độ cao hơn”, “nhận hoa hồng lớn hơn” rồi biến mất không dấu vết.

Không chỉ mất tiền, nhiều bạn trẻ còn rơi vào vòng xoáy nợ nần, bị đe dọa, thậm chí có nguy cơ vi phạm pháp luật khi bị lợi dụng làm trung gian trong các giao dịch bất hợp pháp.

Nguyễn Minh Anh, sinh viên năm tư tại Hà Nội, là một trong những nạn nhân của chiêu trò tuyển dụng việc làm online. Cô đăng ký công việc “đánh giá sản phẩm online” với lời hứa thu nhập hấp dẫn, chỉ cần điện thoại là có thể kiếm tiền. Ban đầu, công việc chỉ yêu cầu cô xem video và để lại bình luận để nhận 100.000 đồng mỗi nhiệm vụ. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, khiến Minh Anh tin tưởng hơn. Tuy nhiên, khi cô được mời tham gia “nhiệm vụ cấp cao” với lời hứa thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày, cô đã không ngần ngại nạp tiền để kích hoạt tài khoản VIP. Cuối cùng, Minh Anh mất trắng 20 triệu đồng khi hệ thống sập và kẻ lừa đảo biến mất.

 Tội phạm công nghệ cao nhắm vào sinh viên qua những hình thức giả mạo tinh vi. (Ảnh: Phương Trang)

Tội phạm công nghệ cao nhắm vào sinh viên qua những hình thức giả mạo tinh vi. (Ảnh: Phương Trang)

Tương tự như Minh Anh, Hoàng Minh, sinh viên năm nhất tại Hà Nội, cũng rơi vào bẫy của tội phạm công nghệ cao. Một ngày, anh nhận được tin nhắn giả mạo từ ngân hàng, yêu cầu cập nhật thông tin tài khoản khẩn cấp. Tin tưởng vì tin nhắn có logo và cách thức chuyên nghiệp, Hoàng Minh làm theo yêu cầu, nhập mã OTP và thông tin cá nhân vào liên kết giả mạo. Chỉ sau vài phút, anh phát hiện tài khoản của mình bị rút sạch gần 20 triệu đồng. Khi báo cáo sự việc với ngân hàng, Hoàng Minh mới biết mình đã trở thành nạn nhân của chiêu trò “phishing” - lừa đảo qua website giả mạo.

Cả Minh Anh và Hoàng Minh đều là những ví dụ điển hình của tội phạm công nghệ cao, đặc biệt nhắm vào sinh viên - đối tượng dễ bị lôi kéo bởi những cơ hội kiếm tiền nhanh chóng hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.

Theo thống kê từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an, chỉ trong năm 2024, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 68% so với năm 2023, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói là số vụ lừa đảo qua mạng đối với sinh viên và thanh thiếu niên đã tăng mạnh. Chỉ trong năm 2024, có hơn 1.000 vụ lừa đảo trực tuyến với tổng số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những hình thức lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn để lại những tổn thương tâm lý nặng nề cho các nạn nhân, khiến họ mất niềm tin vào công nghệ và mạng xã hội.

Lừa đảo ngày càng tinh vi, sinh viên phải tỉnh táo

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học, cảnh báo rằng tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, với nhiều phương thức lừa đảo khó lường. Ông nhận định: “Tội phạm công nghệ cao hiện nay không còn chỉ là những vụ lừa đảo nhỏ lẻ, mà đã phát triển thành những đường dây chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức, sử dụng công nghệ hiện đại để đánh lừa nạn nhân. Chúng tận dụng AI, deepfake, blockchain để tạo ra những kịch bản lừa đảo phức tạp, khiến ngay cả những người có hiểu biết về công nghệ cũng có thể mắc bẫy”.

 Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học.( Ảnh: NVCC)

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học.( Ảnh: NVCC)

Một nguy cơ mà nhiều sinh viên không lường trước là việc bị lợi dụng làm trung gian chuyển tiền cho các đường dây rửa tiền xuyên quốc gia. “Nhiều bạn trẻ vì muốn kiếm thêm thu nhập mà nhận lời đứng tên tài khoản ngân hàng, thực hiện các giao dịch hộ người khác. Đến khi bị cơ quan chức năng điều tra, mới nhận ra mình đã tiếp tay cho tội phạm công nghệ cao” - ông cảnh báo.

Thượng tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo công nghệ cao, người dân nói chung và sinh viên nói riêng cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ, không tham gia các giao dịch tài chính mập mờ. “Hãy luôn kiểm tra kỹ các đường link trước khi bấm vào, không vội vàng làm theo hướng dẫn của bất kỳ ai qua điện thoại mà chưa xác minh rõ ràng. Khi có dấu hiệu nghi vấn, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng”.

Trước thực trạng trên, nhiều trường đại học đã chủ động tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, cảnh báo về kỹ năng nhận diện lừa đảo công nghệ cao. Tuy nhiên, để thực sự ngăn chặn vấn nạn này, cần có sự chung tay từ nhiều phía. Gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và quản lý tài chính cho con em mình.

Về phía sinh viên, hơn ai hết, các bạn cần tự nâng cao nhận thức, không nên tin vào những công việc có mức lương quá cao so với thực tế. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ và không tham gia các giao dịch tài chính mập mờ. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời.

Thực tế cho thấy, mọi chiêu trò lừa đảo đều đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân. Trong thời đại số, bên cạnh việc học tập, sinh viên cần trang bị kiến thức về an toàn tài chính, tự bảo vệ mình khỏi những cạm bẫy được giăng sẵn trên không gian mạng. Không có công việc nào dễ dàng mà mang lại thu nhập khủng, và không có cơ hội nào đến một cách quá ngẫu nhiên. Sự tỉnh táo chính là tấm lá chắn tốt nhất giúp sinh viên tránh xa những “cạm bẫy vàng” trên môi trường số.

Phương Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/canh-giac-voi-chieu-tro-viec-nhe-luong-cao-sinh-vien-de-mac-bay-381182.html
Zalo