Cảnh giác với chiêu lừa đảo 'cũ' mà tinh vi

Mỗi người tỉnh thức thêm một chút, xã hội sẽ sáng thêm một phần. Từ đó, việc giữ gìn giới hạnh không chỉ là chuyện của riêng ai theo đạo Phật, mà là nền tảng chung cho một đời sống an lành, đáng tin cậy và đầy nhân cách.

Ngày 20/04, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên lấy trộm hai thùng bia tại tiệm tạp hóa, sau đó rồ ga kéo theo người phụ nữ ngã nhiều vòng trên đường, khiến ai biết thông tin này cũng tỏ ra vô cùng bức xúc, bất bình trước hành vi mất nhân tính của kẻ chực chờ “không làm mà muốn có ăn”.

Thương cảm cho người phụ nữ chủ tiệm tạp hóa, khi vừa bị mất của, lại bị thương tích. Vụ việc xảy ra khoảng 16h ngày 19/04 trên đường Võ Văn Bích, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, Tp.HCM.

Trước đó không lâu, đầu tháng 04/2025, trên mạng xã hội cũng xuất hiện đoạn video clip về một người đàn ông trung niên vào một quầy bán sầu riêng lấy cắp hai hộp cơm sầu riêng mở sẵn, bày ở bàn kê trên vỉa hè, sát lề đường, rồi phóng xe máy chạy khiến cho người bán không kịp… định thần.

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Đoạn đầu video, người bán cứ nghĩ người đàn ông kia vào mua sầu riêng, khi thấy ông ta cầm hai hộp sầu riêng, người bán cứ nghĩ ông ta lựa chọn và quay vào lấy túi nilon để đựng các hộp sầu cho khách, nào ngờ khi vừa quay vào thì ông khách đã vội phóng xe chạy mất, mang theo hai hộp sầu riêng… Thấy vậy, người bán “ngẩn ngơ” trông theo.

Mọi người xem video đều đoán rằng giá trị của hai hộp sầu riêng không nhiều, chỉ vài trăm ngàn đồng, nên người bán đã không đuổi theo…

Vâng, thực ra thì kiểu lừa đảo theo kiểu “cướp hàng” như hai sự vụ kể trên không phải là “chiêu” mới, nếu như không muốn nói là đã quá cũ, nhưng sự tinh vi vẫn luôn khiến nhiều người mất cảnh giác, hoặc không thể ngờ tới …, nên vẫn có không ít trường hợp bị mắc mưu. Như cách đây vài năm, vụ việc tương tự cũng xảy ra tại một tiệm tạp hóa ngay gần nhà tôi, lúc đó khoảng 22 giờ khuya, bà chủ tiệm tạp hóa đang chuẩn bị thu dọn hàng để đóng cửa đi ngủ, bỗng xuất hiện một người đàn ông trung niên đỗ xịch xe gắn máy trước tiệm hỏi mua ba thùng bia Sài Gòn xanh và hai cây thuốc lá con mèo (craven), cộng vài thứ lặt vặt khác. Thấy vậy, bà chủ mừng quýnh, bởi suốt cả buổi tối hôm đó buôn bán ế ẩm, hàng bán chẳng được bao nhiêu, nên khi có khách mua hàng vào thời điểm cuối ngày như vậy, bà không mừng mới là lạ.

Trong lúc người đàn ông vẫn dựng xe máy và đứng chờ ở cửa tiệm, bà chủ hì hụi vào trong bê hàng ra đặt ở cửa cho khách. Lúc đã lấy đủ hàng rồi, người đàn ông chất hàng lên xe và nói tính tiền. Rồi trong lúc bà chủ tiệm cầm máy tính cộng hóa đơn để tính tiền thì người khách kia như giả bộ quên, vội bảo: "À mà chị lấy cho tôi thêm một thùng bia nữa đi, vì nhỡ về đang nhậu mà hết bia thì mất vui...".

Tạm bỏ dở công việc tính tiền, bà chủ tiệm tiếp tục đi vào để bê thêm một thùng bia nữa cho khách, khi bê thùng bia ra, bà bàng hoàng khi không thấy vị khách "sộp" đã “không cánh mà bay”. Hốt hoảng kêu la, chồng bà đang xem tivi trong nhà chạy ra, mấy người hàng xóm chạy sang xem cơ sự thế nào, nhưng đều không thể giúp gì được, vì đường phố vẫn còn đông đúc, trong khi không thể xác định kẻ gian chạy về hướng nào mà tìm. Cũng có người nói bà nên trình báo công an để họ điều tra, nhưng vì trị giá của số hàng chỉ khoảng hơn một triệu đồng, không quá nhiều, nên bà đã không báo công an, mà chỉ coi đây là "học phí", là bài học cảnh giác cho việc buôn bán sau này.

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Như đã nói, thủ đoạn lừa đảo kể trên không còn mới nhưng khá tinh vi. Kẻ gian thường “nhắm” vào các chủ cửa hàng tạp hóa để "hành nghề". Chủ ý lừa đảo, nên khi đã chọn một số mặt hàng, hàng đã được chất lên xe, kẻ gian thường "điều" chủ cửa hàng vào bên trong lấy thêm một vài món hàng nào đó, để… mua thêm, rồi khi chủ cửa hàng “tất bật” vì nghĩ được khách hời thì chúng sẽ phóng xe chạy mất khiến “khổ chủ” không biết đâu mà tìm.

Kẻ gian thường chọn các cửa tiệm không có nhân viên, chỉ có một người bán hàng, thời điểm hay ra tay hành động là lúc sáng sớm khi mới mở hàng; buổi trưa; lúc nhá nhem tối; hoặc thời điểm đêm khuya, lúc chuẩn bị đóng cửa đi ngủ.

Từ thực trạng lừa đảo với chiêu trò tinh vi như trên, rất mong mọi người, nhất là những chủ hàng tạp hóa, người bán hàng ở lề đường, cần nâng cao cảnh giác, khi bán hàng cho “thượng đến” phải hết sức thận trọng, không được lơ là trong việc cử người giám sát để không xảy ra mất mát, thiệt hại kinh tế.

Từ góc nhìn Phật giáo, hành vi trộm cắp, dù lớn hay nhỏ, đều vi phạm giới thứ hai trong Năm giới của người phật tử tại gia: “Không lấy của không cho”. Đức Phật dạy rằng: “Tâm tham lam là gốc rễ của khổ đau”, bởi khi con người vì lòng tham mà chiếm đoạt của người khác, thì chính họ đang tự tạo nghiệp bất thiện cho mình.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật từng giảng: “Khi một người làm điều ác, họ tưởng như mật ngọt. Nhưng ác nghiệp ấy sẽ theo họ như bóng không rời hình”. Cũng từ đó, lời Phật dạy không chỉ mang tính giáo lý, mà còn là lời cảnh tỉnh cho đời sống thường nhật: Ai sống với chính niệm, biết đủ và có lòng từ, sẽ tránh được những hành vi khiến bản thân và người khác khổ đau.

Hơn thế, những câu chuyện như thế này, nếu chỉ nhìn bằng đôi mắt lên án, chúng ta sẽ dễ sinh thêm sân hận. Nhưng nếu nhìn bằng ánh từ bi, ta có thể hiểu rằng: Những người trộm cắp, lừa đảo kia cũng đang chịu đựng một đời sống bất an, thiếu thốn và mất phương hướng. Tâm từ bi không bênh vực cái sai, nhưng có thể giúp ta mở ra cái nhìn bao dung, không tiếp tục tạo thêm giận dữ giữa xã hội vốn đã nhiều bất ổn.

Mỗi người tỉnh thức thêm một chút, xã hội sẽ sáng thêm một phần. Từ đó, việc giữ gìn giới hạnh không chỉ là chuyện của riêng ai theo đạo Phật, mà là nền tảng chung cho một đời sống an lành, đáng tin cậy và đầy nhân cách.

Tác giả: Nguyễn Gia Long

Địa chỉ: Số 58/24 đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, Tp. Thủ Đức(Tp.HCM)

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/canh-giac-voi-chieu-lua-dao-cu-ma-tinh-vi.html
Zalo