Cảnh giác với các hình thức lừa đảo trên mạng

Lừa đảo trên mạng không phải là một hiện tượng mới nhưng ngày càng biến tướng và khó nhận diện.

Cán bộ huyện Mù Cang Chải phát tờ rơi tuyên truyền Luật An ninh mạng tới người dân.

Cán bộ huyện Mù Cang Chải phát tờ rơi tuyên truyền Luật An ninh mạng tới người dân.

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó lừa đảo trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách phải nâng cao ý thức cảnh giác và tìm ra những giải pháp hiệu quả để bảo vệ người dùng.

Lừa đảo trên mạng không phải là một hiện tượng mới nhưng ngày càng biến tướng và khó nhận diện. Các hình thức lừa đảo phổ biến bao gồm: lừa đảo qua email, kẻ gian gửi email giả mạo từ các tổ chức uy tín như ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc cơ quan chính phủ để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu; lừa đảo qua mạng xã hội, kẻ gian tạo tài khoản giả mạo người thân, bạn bè để nhắn tin mượn tiền hoặc kêu gọi đầu tư vào các dự án ảo; lừa đảo thương mại điện tử, kẻ gian lập các trang web bán hàng giả mạo, quảng cáo sản phẩm giá rẻ nhưng không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng; lừa đảo đầu tư tài chính, các dự án đầu tư tiền ảo, chứng khoán quốc tế hoặc mô hình đa cấp lừa đảo hứa hẹn lợi nhuận cao nhưng thực chất là chiếm đoạt tài sản…

Bà Nguyễn Thị H ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vừa bị kẻ gian lừa 150 triệu đồng chia sẻ: "Chỉ vì thiếu kiến thức, hiểu biết nên tôi đã nghe lời kẻ gian góp vốn vào một công ty đầu tư bất động sản với lời hứa hàng tháng sẽ có lãi suất cao hơn gấp nhiều lần gửi ngân hàng. Tuy nhiên, khi tôi vừa chuyển xong tiền thì bị chặn liên lạc. Tôi đã trình báo cơ quan chức năng, song cơ hội lấy lại được tiền là rất ít. Đây là bài học và là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người”.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân là do nhận thức của người dùng còn hạn chế. Nhiều người chưa được trang bị đủ kiến thức về bảo mật thông tin cá nhân, dễ dàng trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Cùng đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại giúp kẻ gian dễ dàng tạo ra các phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi và việc thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ, chưa có hệ thống pháp luật đủ mạnh để xử lý các hành vi lừa đảo trực tuyến.

Theo đó, đối với các cơ quan chức năng nên tăng cường xây dựng khung pháp lý, ban hành các quy định cụ thể và nghiêm minh về xử lý hành vi lừa đảo trên mạng; thực hiện hợp tác quốc tế để truy vết và bắt giữ các đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia; trang bị các công cụ công nghệ tiên tiến và đào tạo nhân lực chuyên sâu để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo trực tuyến.

Đối với các doanh nghiệp, công ty công nghệ cần liên tục cập nhật và nâng cao khả năng bảo vệ dữ liệu người dùng; phát triển công cụ phát hiện lừa đảo, tích hợp các tính năng phát hiện và cảnh báo nguy cơ lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội, email và ứng dụng; hợp tác với cơ quan chức năng hỗ trợ cung cấp dữ liệu và thông tin để phục vụ công tác điều tra.

Người dùng cần trang bị kiến thức về an ninh mạng, không chia sẻ thông tin cá nhân qua các kênh không đáng tin cậy; kiểm tra nguồn thông tin trước khi thực hiện giao dịch hoặc cung cấp thông tin, kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc và tính xác thực của yêu cầu; sử dụng các công cụ bảo mật và cập nhật phần mềm thường xuyên để bảo vệ tài khoản….

Lừa đảo trên mạng là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội để ngăn chặn. Mỗi cá nhân, tổ chức cần nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

Theo thống kê, chỉ riêng năm 2023, tại Việt Nam đã có hơn 10.000 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo với tổng thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Số lượng nạn nhân không ngừng gia tăng qua các năm, cho thấy sự nguy hiểm ngày càng lớn của các thủ đoạn này.

Hồng Oanh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/14/343728/canh-giac-voi-cac-hinh-thuc-lua-dao-tren-mang.aspx
Zalo