Cảnh giác 'ma trận' khuyến mại cuối năm
Nhằm kích cầu tiêu dùng cuối năm, DN sản xuất, bán lẻ liên tục đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá, tuy nhiên không ít DN lợi dụng cơ hội này để khuyến mại 'ảo', bán hàng kém chất lượng.
Điều này đòi hỏi vai trò của các cơ quan chức năng trong việc quản lý chặt chẽ hơn hoạt động khuyến mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Doanh nghiệp hồ hởi, “thượng đế” thờ ơ
Thời điểm này, tại nhiều tuyến phố, các cửa hàng kinh doanh trưng ra các tấm pano bắt mắt, phát loa rầm rộ giới thiệu các chương trình giảm giá từ 30 - 50%, thậm chí một số cửa hàng còn giảm giá đến 90%, hay áp dụng các chương trình mua 2 tặng 1 cho mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng. Tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.op Mart, Winmart đồng loạt giảm sâu tới 50% toàn bộ ngành hàng. Tương tự, nhằm thu hút người mua, hệ thống siêu thị điện máy như Media Mart, Điện máy xanh, FPT Shop... cũng đồng loạt trưng ra các tấm biển giới thiệu chương trình giảm giá lên đến 70% và chương trình rút thăm trúng thưởng.
Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý cần có biện pháp phân nhóm và khoanh vùng các gian hàng cả online và offline. Trong đó, các hoạt động giảm giá trên 50% tại các cửa hàng offline, cần được khoanh vùng và giao cho chính quyền địa phương giám sát, phối hợp với cơ quan thuế để xử phạt. Ngoài ra, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chế tài ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền đối với các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… nếu vi phạm nhiều lần.
Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) Đào Cẩm Thủy
Khảo sát thực tế cho thấy, vào thời điểm này các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada cũng ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá "khủng" với nhiều mặt hàng lên đến 50 - 70%. Sàn thương mại điện tử Shopee đưa ra các gói giảm giá từ 50.000 - 300.000 đồng; deal 0 đồng và chỉ từ 1.000 đồng... Không đứng ngoài cuộc, Lazada góp vào ngày hội mua sắm thông qua các chính sách mua tivi giá 1.000 đồng, mua 1 tặng 1. Trong khi đó Tiki, Sendo triển khai việc giảm giá 10.000 - 15.000 đồng, hoặc giảm 10% đơn hàng cho sản phẩm công nghệ và gia dụng, thời trang, thực phẩm.
Đáng chú ý hơn, gần đây, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Việt Nam như Temu, Taobao, 1688 còn tung ra các chương trình giảm giá lên đến 80 -90%. Khi "lướt" sàn thương mại Temu, người tiêu dùng không khó để tìm thấy chiếc sạc điện thoại trên ô tô giảm tới 88%, tai nghe không dây giảm 80%, tủ quần áo khung thép giảm 75%…
Mặc dù các cửa hàng, siêu thị đồng loạt khuyến mại giảm giá sản phẩm, nhưng người tiêu dùng vấn thờ ơ, khiến sức tiêu thụ không tăng trưởng như mong muốn. Lý giải nguyên nhân khiến các chương trình khuyến mại giảm giá sập sàn không thu hút người tiêu dùng mua sắm, hầu hết người dân có chung nhận định rằng, một số cửa hàng chủ yếu khuyến mại, giảm giá những mặt hàng lỗi mốt, hàng tồn kho, thậm chí là khuyến mại “ảo” thông qua việc nâng giá bán trước khi giảm giá.
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, vào ngày Độc thân (11/11) vừa qua có đi mua quần áo tại một cửa hàng Việt Nam xuất khẩu lớn tại Hà Nội.
"Lúc trước tôi thích một chiếc váy ở đó, nhưng giá bán gần 1 triệu đồng nên chưa dám mua. Thấy quảng cáo nhân ngày Độc thân (11/11) giảm giá 50%, nên tôi đến. Nhưng lúc này giá niêm yết của váy là gần 2 triệu đồng, giảm giá 50% thì vẫn còn gần 1 triệu đồng, không khác gì giá cũ. Những mẫu thời trang được giảm giá 70 - 80% đa phần là size khó bán, mẫu từ mùa Hè, thậm chí có cả sản phẩm từ năm trước. Các mẫu mới vẫn nguyên giá hoặc được giảm chỉ 10%, những món đồ được giảm 50% như quảng cáo rất ít" - chị Hoa cho biết.
Thực tế, nhiều cửa hàng thực hiện chương trình giảm giá cuối năm thường để con số khuyến mại lớn nhằm "hút mắt" người mua và cạnh tranh với đối thủ. "Chiêu trò" thường được sử dụng trong việc giảm giá, khuyến mại là người bán thường để giá cũ là giá lúc mặt hàng mới ra thị trường, còn giá khuyến mại là giá trị hiện tại của mặt hàng đó nhưng được dán mác giảm giá.
Phương án nào ngăn khuyến mại “ảo”?
Thông tin về việc một số DN, cửa hàng tung khuyến mại “ảo", Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện có tình trạng một số cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại “ảo” thông qua việc nâng giá sản phẩm trước khi tổ chức khuyến mại. “Chiêu trò” còn được áp dụng khi những khách hàng có hóa đơn có giá trị cao mới được mua thêm sản phẩm khuyến mại, quà tặng…
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mại, không thông qua cơ quan quản lý. Đặc biệt, đã có tình trạng lợi dụng chương trình khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ. Một số cửa hàng kinh doanh còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân để trà trộn sản phẩm cũ, hàng đã sản xuất từ nhiều năm, thậm chí là hàng đã qua sử dụng vào bán cùng với hàng mới…
Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung, để ngăn chặn hiện tượng này, lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương cần thường xuyên kiểm tra các DN, cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại. Trong đó tập trung vào việc kiểm tra DN có đăng ký chương trình khuyến mại, giảm giá với cơ quan quản lý hay chưa. Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát xuất xứ hàng hóa khuyến mại, qua đó bảo đảm không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ lợi dụng chương trình khuyến mại để tiêu thụ.
Chia sẻ về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước hiện tượng khuyến mại “ảo”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, đơn vị sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động khuyến mại trên địa bàn; Tích cực hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thông báo đăng ký thực hiện khuyến mại của các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh; Thực hiện đăng tải đầy đủ thông tin về thời gian, hình thức khuyến mại, sản phẩm khuyến mại và số lượng sản phẩm cũng như những cam kết về chương trình khuyến mại của DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên trang thông tin của sở để người tiêu dùng nắm được.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thanh tra tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định của pháp luật khi các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mại…
Về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn khuyến mại “ảo” này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên đã thông tin: “Để chặn hiện tượng này đưa hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, từ nay đến hết năm 2024, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với thanh tra Sở Công Thương, UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định của pháp luật khi các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mại.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 128 sửa đổi một số điều của Nghị định 81 năm 2018 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, các chương trình khuyến mại tập trung được áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%.
Tuy nhiên, thương nhân phải thông báo hoạt động khuyến mại đến tất cả sở công thương nơi tổ chức khuyến mại tối thiểu trước 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/12/2024.