Cảnh giác 'Công an giả' lừa người vi phạm pháp luật

Ngay từ đầu năm 2025, một số đối tượng đã giả danh Công an để đe dọa, gây áp lực với những người vi phạm pháp luật. Điển hình là một nhóm lừa đảo, giả vờ đi kiểm tra xe 'lậu' rồi cưỡng đoạt tài sản tại huyện Đông Anh.

Ba đối tượng là Nguyễn Trí Anh (Hà Nội), Trương Anh Tuấn (Yên Bái), Hoàng Thanh Hoài (Yên Bái) đều đã trên 30 tuổi. Trong đó, hai người đã có tiền án, tiền sự. Nhận thức được việc mua bán xe cũ không giấy tờ là hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất lừa lấy xe máy của anh Vũ Tuấn Việt (sinh năm 2007 tại Nghĩa Hưng, Nam Định) sau khi thấy bài đăng của anh trên nhóm Facebook “Mua bán xe cũ không giấy tờ”.

"Lướt trên mạng thấy có người đăng bán xe không giấy tờ, tôi bộc phát nghĩ sẽ giả vờ đi mua rồi lừa lấy xe. Ba anh em thống nhất cùng nhau đi chiếm đoạt chiếc xe đó", đối tượng Nguyễn Trí Anh cho biết.

Nói là “bộc phát”, nhưng các đối tượng lại lên kế hoạch rất bài bản và chi tiết. Đối tượng Trí Anh, người liên hệ trực tiếp với người rao bán xe sẽ giả làm người mua xe; còn Tuấn và Hoài sẽ mang theo còng số 8, giả làm cán bộ Công an, đe dọa, buộc người bán xe phải giao xe cho chúng.

"Tôi nói với người bị hại rằng: 'Chúng tôi là cán bộ Công an quận Long Biên, chúng tôi nghi ngờ chiếc xe này liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản'. Sau đó tôi cùng bị cáo Tuấn giả vờ kiểm tra số khung, số máy của chiếc xe và kết luận đây là xe trộm cắp tài sản, cần phải tịch thu để cơ quan Công an điều tra làm rõ", Đối tượng Hoàng Thanh Hoài cho hay.

Các đối tượng đã bán chiếc xe máy với giá 5.800.000 đồng và chia nhau số tiền có được. Tưởng rằng hành vi của mình đã trót lọt, nhưng ngay khi nhận được tin báo, các cán bộ Công an huyện Đông Anh đã nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Đại úy Lưu Bảo Anh - Điều tra viên, Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh - cho biết: “Đến nay, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với 3 bị can. Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh, sau đó sẽ hoàn thiện thủ tục để truy tố các đối tượng theo quy định của pháp luật”.

Theo lực lượng chức năng, một trong những lý do khiến nhóm đối tượng này dễ dàng thực hiện hành vi của mình là do người dân thường lo lắng trước sự kiểm tra của cơ quan Công an.

"Đã có 2/3 bị can trong vụ án đều có tiền án, tiền sự về tội phạm xâm phạm tài sản công dân. Trong vụ án này, các đối tượng đã lên kế hoạch chiếm đoạt xe máy của anh Việt bằng cách giả danh lực lượng Công an để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt tài sản. Từ trường hợp này, chúng tôi khuyến cáo người dân rằng, khi làm việc với cơ quan Công an, nếu là người liên quan, sẽ có giấy mời, giấy triệu tập đến làm việc. Với những người tự xưng là cán bộ Công an thì cần xác minh kỹ các thông tin trước khi làm việc, tránh để lộ lọt thông tin cá nhân", Đại úy Lưu Bảo Anh cho biết thêm.

Rõ ràng, các đối tượng này có nhận thức về pháp luật, nhưng lại sử dụng chính sự hiểu biết ấy để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng vẫn mong mỏi sự khoan hồng, nhưng nếu không có sự chuyển biến trong nhận thức thì thứ duy nhất thay đổi chính là số tiền án, tiền sự của các đối tượng.

Mai Linh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/canh-giac-cong-an-gia-lua-nguoi-vi-pham-phap-luat-301123.htm
Zalo