Cảnh giác cao độ với bệnh sốt xuất huyết
Mặc dù SXH không có thuốc đặc trị nhưng tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh và các biến chứng nặng.
Các bác sĩ, chuyên gia y tế tại TP HCM đã có những chia sẻ quan trọng với bạn đọc về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết cũng như biện pháp phòng ngừa, trong đó có vai trò của tiêm vắc-xin
Trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có dấu hiệu gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, để nâng cao nhận thức cộng đồng về cách phòng chống bệnh này, sáng 16-11, Báo Người Lao Động đã tổ chức talkshow - tư vấn trực tuyến với chủ đề "Tiêm vắc-xin, phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết". Chương trình thực hiện với sự đồng hành của Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu.
Rất dễ bùng dịch!
Tại chương trình, các chuyên gia, bác sĩ thông tin SXH Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue lây truyền qua muỗi vằn. Đây là bệnh được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Chỉ trong vòng 4 năm (2019-2022), Việt Nam đã ghi nhận 2 đỉnh dịch SXH lớn với tổng số ca mắc lên tới hơn 661.000 ca, trong đó có hàng ngàn ca bệnh nặng. Thực tế này đặt ra một thách thức không nhỏ cho công tác phòng ngừa và điều trị bệnh.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng ca mắc SXH trong năm nay có sự liên quan chặt chẽ đến yếu tố thời tiết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 11.000 ca mắc SXH. Đặc biệt, với tình trạng mưa bão kéo dài, nguy cơ dịch bùng phát càng cao.
ThS-BS Đinh Thị Hải Yến, Trưởng Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe của HCDC, cho biết mưa kéo dài tạo ra các vũng nước đọng, là nơi lý tưởng để muỗi vằn sinh sôi. Nếu người dân không chủ động dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi ở, đặc biệt là những khu vực có nước đọng, nguy cơ dịch bệnh sẽ càng lớn.
Ngoài yếu tố thời tiết, thói quen sinh sống thiếu vệ sinh và việc không chủ động xử lý các ổ dịch cũng là nguyên nhân khiến dịch SXH bùng phát mạnh ở các khu vực đô thị, đặc biệt là TP HCM. "TP HCM là khu vực có mật độ dân cư cao, không gian sống chật hẹp nên rất dễ phát sinh các ổ dịch" - BS Yến cảnh báo.
Theo dõi sớm dấu hiệu
SXH có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em. Theo TS-BS Huỳnh Trung Triệu, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, SXH ở trẻ em có thể diễn biến nhanh và nguy hiểm. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh là sốt cao đột ngột, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tình trạng sốc, xuất huyết và suy đa cơ quan.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh có thể chuyển nặng và gây ra các biến chứng như xuất huyết nội tạng, suy gan, suy thận. Với trẻ em, các dấu hiệu nguy hiểm bao gồm: ói nhiều, chảy máu (mũi, răng, tiêu hóa), đau bụng dữ dội hoặc giảm huyết áp đột ngột. Lúc này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đối với người lớn, bệnh cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhưng diễn tiến nhanh và nghiêm trọng hơn, với các dấu hiệu như đau nhức cơ thể nhiều, sốt kéo dài, chảy máu mũi, nướu răng hoặc tiêu chảy ra máu. "Biến chứng nguy hiểm của SXH có thể bao gồm xuất huyết nội tạng, sốc, thậm chí là suy gan, thận, tim. Điều quan trọng là phải được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời" - BS Triệu lưu ý.
Trước việc nhiều phụ huynh thắc mắc nếu trẻ bị mắc SXH nhẹ thì có cần cho nhập viện ngay hay có thể điều trị tại nhà? Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ cần được đưa đến bệnh viện? BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết 60% trẻ nhiễm SXH có thể điều trị tại nhà bằng cách cho uống thuốc hạ sốt và uống thật nhiều nước.
Tuy nhiên, phụ huynh phải theo dõi con thật kỹ, nếu có các dấu hiệu cảnh bảo thì phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Một số dấu hiệu cảnh báo như: ói nhiều (3-4 lần/ngày), đau bụng ở vị trí vùng gan, xuất huyết (ói ra máu, phân sẫm màu)… Đây là những trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng. SXH có thể hết trong vòng 7 ngày. Khi có con mắc SXH, phụ huynh phải bình tĩnh, xem xét khi nào có thể điều trị ở nhà, khi nào cần phải nhập viện.
SXH hoàn toàn không lây nhiễm giữa người với người mà lây nhiễm trung gian thông qua muỗi vằn. SXH có 4 type gây bệnh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Vì vậy, người đã bệnh hoàn toàn có khả năng tái phát, lây nhiễm do bị muỗi SXH đốt.
Ưu tiên phòng bệnh
Mặc dù SXH không có thuốc đặc trị nhưng tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh và các biến chứng nặng.
BS Lê Thanh Khôi, Giám đốc chuyên môn y khoa tại Hệ thống Nhà thuốc & Tiêm chủng FPT Long Châu, cho biết theo các nghiên cứu, hiệu lực phòng chống của vắc-xin có tác dụng hơn 80% sau 12 tháng. Theo nghiên cứu dài hạn, trong vòng 54 tháng đạt tỉ lệ hơn 60%. Vắc-xin SXH được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Với những trẻ dưới 4 tuổi, cách tốt nhất phòng chống là hạn chế tối đa việc để muỗi vằn tiếp xúc, ngủ mùng ngay cả ban ngày, bổ sung các thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho trẻ... Tuy nhiên, BS Khôi cũng nhấn mạnh vắc-xin chỉ là một phần trong chiến lược phòng ngừa bệnh. "Dù tiêm vắc-xin giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, người dân cần kết hợp các biện pháp khác như vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi và lăng quăng" - BS Khôi nói.
BS Đinh Thị Hải Yến cho biết hiện vắc-xin SXH vẫn được tiêm theo dạng dịch vụ, vì vậy chỉ các cá nhân có nhu cầu mới đi tiêm. Nếu chỉ có cá nhân tiêm đơn thuần thì "lá chắn" này cũng không hiệu quả. Số người tham gia tiêm càng nhiều thì mức độ bảo vệ cộng đồng sẽ được nâng cao. "Việc đưa một loại vắc-xin vào chiến dịch tiêm chủng cộng đồng cần có nhiều bước kiểm định nên sẽ mất thêm một thời gian mới có thể triển khai rộng rãi trong cộng đồng" - BS Yến cho biết.
BS Đinh Thị Hải Yến cũng khuyến cáo ngoài việc tiêm vắc-xin, việc diệt muỗi và lăng quăng là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh. Muỗi vằn là nguyên nhân chính gây ra bệnh SXH. Ngành y tế khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, nuôi cá để ăn lăng quăng trong các bể nước không thể thay nước thường xuyên.
BS Huỳnh Trung Triệu chia sẻ trong quá trình điều trị tại bệnh viện đã chứng kiến nhiều sự mất mát do bệnh SXH. Vì vậy, ông cho rằng phòng bệnh là quan trọng. Tất cả các bệnh, trong đó có SXH, cả cộng đồng phải chung tay hỗ trợ, bảo vệ nhau. Ngoài ra, mỗi người dân cần làm sao để có thể chủ động bảo vệ bản thân. "Nếu có vắc-xin phòng bệnh SXH thì giảm nguy cơ mắc nặng, phải nhập viện" - BS Triệu nhận định.
Phát hiện, xử lý sớm các ổ dịch
Bên cạnh các biện pháp cá nhân, sự phối hợp giữa ngành y tế và cộng đồng là yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống bệnh. Các bác sĩ cho biết việc phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch là rất quan trọng. Nếu phát hiện ổ dịch, ngành y tế sẽ ngay lập tức vào cuộc để xử lý, diệt muỗi và lăng quăng. Tuy nhiên, sự hợp tác của cộng đồng cũng không kém phần quan trọng. Theo BS Đinh Thị Hải Yến, ngành y tế đang triển khai ứng dụng "Y tế trực tuyến" để người dân có thể phản ánh kịp thời các ổ dịch. Người dân có thể thông qua các ứng dụng này để báo cáo các vấn đề liên quan SXH, sau 24 giờ, các phản ánh sẽ được chuyển đến nơi có ổ dịch, chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng xử lý.
Trẻ có nên tiêm để tránh tái nhiễm?
Trong phần tư vấn trực tuyến, nhiều bạn đọc thắc mắc nếu đã mắc 1 trong 4 chủng SXH thì có nên tiêm vắc-xin nữa hay không? Nếu tiêm có thể ngừa được tất cả các chủng của bệnh SXH không? Chi phí tiêm vắc-xin ra sao? Trả lời câu hỏi, BS Lê Thanh Khôi cho biết hiện tại, Bộ Y tế đã cấp phép cho vắc-xin Qdenga để phòng bệnh SXH cho người từ 4 tuổi trở lên. Trên thế giới có một loại vắc-xin khác là Dengvaxia. Theo thông tin từ nhà sản xuất, vắc-xin Qdenga có thể phòng ngừa được 4 type virus SXH. Nếu trẻ đã bị SXH 1 type rồi thì nên tiêm vắc-xin để phòng tái nhiễm đối với các chủng khác. Với bệnh SXH, lần nhiễm sau có thể nặng hơn, nên việc tiêm phòng cho trẻ là rất cần thiết.