Cảnh giác cao độ trước thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, hàng chục vụ lừa đảo qua mạng đã xảy ra tại Sóc Trăng, gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Các đối tượng liên tục biến tướng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người dân một cách tinh vi và nguy hiểm.

Tội phạm mạng lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo

Theo ghi nhận, các đối tượng lừa đảo hiện không chỉ sử dụng những phương thức cũ mà còn khai thác công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), để tạo ra các tình huống giả mạo vô cùng thuyết phục.

Chúng thường giả danh người thân, cán bộ công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng, hoặc cả shipper, để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Anh Nguyễn Hoàng Tâm (ngụ Phường 8, TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Ngay cả tôi là người trẻ, sử dụng mạng thường xuyên nhưng vẫn có lúc không phân biệt được thật - giả. Với người lớn tuổi hoặc ít tiếp xúc công nghệ, nguy cơ bị lừa lại càng cao.”

Đáng chú ý, việc các nền tảng số liên tục thu thập thông tin người dùng vô tình tạo ra những lỗ hổng bảo mật, khiến thông tin cá nhân dễ dàng bị rò rỉ, đánh cắp.

Các đối tượng xấu có thể dễ dàng nắm được họ tên, địa chỉ, số tài khoản, và nhiều thông tin cá nhân khác của nạn nhân, từ đó dựng lên các kịch bản lừa đảo hoàn hảo, đánh trúng vào tâm lý nạn nhân, khiến cho họ dễ dàng bị đánh lừa.

Nhiều nạn nhân sập bẫy, thiệt hại nặng nề

Mới đây, chị N.T., một người dân tại TP. Sóc Trăng, đã bị lừa hơn 1,7 tỷ đồng thông qua một “chương trình trúng thưởng” trực tuyến. Theo lời kể, ban đầu chị chỉ chuyển khoản vài trăm nghìn đồng để “nhận thưởng”, sau đó được hoàn tiền và thưởng thêm hoa hồng. Các nhiệm vụ về sau yêu cầu số tiền lớn hơn, khiến chị liên tục chuyển khoản cho đến khi phát hiện bị lừa.

“Tôi nghĩ chỉ làm vài nhiệm vụ nhỏ để kiếm thêm thu nhập, nhưng rồi cứ cố gắng gỡ gạc. Khi nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn”, chị N.T. cho biết.

Một trường hợp khác, ông Trần Lê Mạnh Đình (ngụ Phường 5, TP. Sóc Trăng) may mắn phát hiện và tránh được một vụ lừa đảo. Ông cho biết nhận được cuộc gọi giả danh shipper, yêu cầu ông chuyển tiền hàng rồi thông báo ông đã đăng ký dịch vụ chạy shipper nếu không làm việc sẽ bị trừ tiền vài triệu đồng hàng tháng vào tài khoản của mình.

Muốn hủy đăng ký phải truy cập vào một đường link do chúng gửi. Đường link này dẫn tới một trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin cá nhân và mã OTP.

“Tôi nghi ngờ khi thấy hệ thống yêu cầu nhập số tiền, nên lập tức thoát ra. Nếu chậm vài giây, có lẽ toàn bộ số tiền trong tài khoản đã không còn”, ông Đình kể lại.

Hơn 5 tỷ đồng bị chiếm đoạt chỉ trong vài tháng

Theo Thượng tá Phan Sỹ Vinh - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 27 vụ lừa đảo mạng, với tổng thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, có những vụ chỉ thiệt hại vài triệu đồng, nhưng cũng có những vụ lên tới hàng tỷ đồng.

Điển hình, ngày 5/4/2025, lực lượng công an đã bắt giữ đối tượng L.T.N - cư trú tại TP. Sóc Trăng - được xác định là một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia hoạt động từ khu vực “Tam Thái Tử” (Campuchia) ngay khi đối tượng này nhập cảnh về nước và có mặt tại Sóc Trăng. Đối tượng đã sử dụng 12 tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch lừa đảo, với tổng số tiền lên đến 131 tỷ đồng.

Thượng tá Vinh nhận định: “Tội phạm mạng ngày càng hoạt động có tổ chức, thường xuyên thay đổi thủ đoạn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân còn thiếu cảnh giác và dễ tin vào các lời dụ dỗ qua mạng”.

Chủ động phòng ngừa là biện pháp hiệu quả nhất

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Sóc Trăng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân nhận diện các thủ đoạn lừa đảo. Các buổi tuyên truyền được tổ chức thường xuyên tại các trường học, khu công nghiệp, địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo hiện nay trong cộng đồng.

Ngoài ra, thời gian tới, Công an tỉnh Sóc Trăng cũng phối hợp với các ngân hàng và các nhà mạng để tiến hành rà soát, xác thực thông tin tài khoản đáng ngờ, yêu cầu xác thực thông tin chủ thuê bao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này.

Đồng thời, khuyến khích người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID để hỗ trợ việc trình báo và truy vết trong các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo.

Dù vậy, theo các chuyên gia an ninh mạng, biện pháp phòng ngừa hiệu quả và bền vững nhất vẫn là sự tỉnh táo và ý thức tự bảo vệ từ mỗi cá nhân.

Không có “lá chắn” nào vững vàng hơn tinh thần cảnh giác và sự hiểu biết của chính người dân. Mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức, thói quen kiểm chứng thông tin và không vội tin vào những lời mời chào, hứa hẹn trên mạng.

Hà Giang - Trọng Nghĩa

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/canh-giac-cao-do-truoc-thu-doan-lua-dao-tren-khong-gian-mang-476044.html
Zalo