Cảnh éo le 'mượn' nhà vệ sinh ở Nhật Bản

Cùng tình trạng quá tải du lịch, Nhật Bản đối mặt vấn đề thiếu hụt nhà vệ sinh. Các cửa hàng, quán ăn than thở khi du khách đổ xô xếp hàng để sử dụng nhờ toilet.

 Lượng khách du lịch tăng mạnh dẫn đến sự quá tải của các nhà vệ sinh công cộng tại Nhật Bản. Ảnh: The Tokyo Toilet.

Lượng khách du lịch tăng mạnh dẫn đến sự quá tải của các nhà vệ sinh công cộng tại Nhật Bản. Ảnh: The Tokyo Toilet.

"Ô nhiễm du lịch" là một trong những vấn đề quan trọng đang được chính quyền Nhật Bản tập trung khắc phục. Trong số đó, làm thế nào để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh công cộng là một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi thời gian gần đây, theo HK01.

Theo đó, để ngăn chặn tình trạng du lịch quá tải gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, một số danh lam thắng cảnh ở Nhật Bản bắt đầu thu phí môi trường đối với du khách.

Ví dụ, thị trấn Biei ở Hokkaido đang xem xét thu phí khách du lịch để có kinh phí cải thiện vấn đề môi trường. Ngoài ra, một số nơi khác cũng đưa ra chính sách thu phí tương tự, chủ yếu nhằm khắc phục vấn đề thiếu hụt nhà vệ sinh công cộng.

Các nhà vệ sinh thuộc Tokyo Toilet Shuttle - tour du lịch tham quan các nhà vệ sinh công cộng thu hút du khách tại Nhật Bản. Ảnh: The Tokyo Toilet.

Các nhà vệ sinh thuộc Tokyo Toilet Shuttle - tour du lịch tham quan các nhà vệ sinh công cộng thu hút du khách tại Nhật Bản. Ảnh: The Tokyo Toilet.

Thành phố Kamakura (tỉnh Kanagawa) nổi tiếng với những ngôi chùa. Đây cũng là điểm check-in thu hút với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, điểm đến nhỏ bé này không có nhiều nhà vệ sinh công cộng. Các du khách phải đến cửa hàng tiện lợi, quán ăn để sử dụng nhờ nhà vệ sinh.

Với lượng khách du lịch ngày càng tăng, điều phổ biến nhất gần đây là tình trạng xếp hàng chờ đi vệ sinh bên ngoài các cửa hàng. Điều này được cho là ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của các đơn vị kinh doanh.

Tờ Asahi Shimbun đưa tin về những trăn trở của các chủ cửa hàng. Họ cho biết lượng người xếp hàng đi vệ sinh kéo dài ra tận bên ngoài cửa quán khiến người mua hàng không thể vào được. Người bán cũng gặp phải những khách du lịch ý thức kém khi vứt giấy bừa bãi trong nhà vệ sinh, khiến bồn cầu luôn bị tắc dù đã cố gắng sửa chữa.

Ngoài ra, lo lắng về hóa đơn tiền nước cũng khiến chủ cửa hàng đau đầu. Thậm chí, có nơi tiền nước lên đến 10.000 yen (gần 70 USD) mỗi tháng khiến chủ doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khóa nhà vệ sinh, từ chối cho khách du lịch sử dụng.

 Nhiều chủ cửa hàng phàn nàn về tình trạng du khách sử dụng nhờ nhà vệ sinh, sau đó xả rác hoặc thả thức ăn xuống bồn cầu. Ảnh: The Tokyo Toilet.

Nhiều chủ cửa hàng phàn nàn về tình trạng du khách sử dụng nhờ nhà vệ sinh, sau đó xả rác hoặc thả thức ăn xuống bồn cầu. Ảnh: The Tokyo Toilet.

Báo cáo cũng cho hay khách du lịch có thói quen vệ sinh khác nhau, điều này gây khó khăn cho việc quản lý vệ sinh nhà vệ sinh ở địa phương. Để giúp du khách nước ngoài hiểu được các cách thức vệ sinh cơ bản, mỗi nhà vệ sinh sẽ có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài như tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc.

Có nơi còn chỉ dẫn rõ ràng: "Không vứt que kem và rác thải thực phẩm thành phẩm vào bồn cầu để tránh làm tắc bồn cầu”.

TOTO, một công ty thiết bị nhà vệ sinh nổi tiếng của Nhật Bản, thực hiện khảo sát 150 khách du lịch nước ngoài vào năm 2018 và nhận thấy việc đánh giá nhà vệ sinh có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá một khu du lịch.

45,3% du khách nước ngoài cho rằng “nhà vệ sinh tại các điểm du lịch họ muốn ghé thăm phải sáng sủa và không có mùi hôi”. Tiếp theo là phải có mạng Internet. Nếu nhà vệ sinh tối và hôi hám, họ sẽ không muốn đến tham quan khu du lịch nữa.

Otsu Sadahiro, giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch thành phố Kamakura, cho biết cách đây không lâu: "Rác thải và nhà vệ sinh là một vấn đề lớn mà chúng tôi phải đối mặt. Chúng tôi cũng hy vọng rằng các điểm du lịch hạng nhất sẽ có nhà vệ sinh hạng nhất và chúng tôi đang xem xét sử dụng chúng để phục hồi ngành du lịch nhằm cải tạo nhà vệ sinh công cộng.”

Ngành du lịch của Kamakura đang bùng nổ và thành phố cũng chi một số tiền đáng kinh ngạc cho việc dọn dẹp nhà vệ sinh. Thành phố có 39 nhà vệ sinh công cộng, phí vệ sinh hàng năm khoảng 42 triệu yen, phí nước khoảng 12 triệu yen.

Nhà vệ sinh ở ga Kamakura, nơi có nhiều khách du lịch, được sử dụng nhiều nhất và nhân viên phải dọn dẹp 6 lần một ngày để giữ sạch sẽ. Vào cuối tuần và ngày lễ, số lần dọn dẹp phải tăng lên gấp 9 lần.

Được biết, để trợ cấp khoản chi phí này, nhà ga đã đặt một hộp quyên góp miễn phí ở lối vào. Mỗi năm, nhà ga nhận được khoản khuyên góp khoảng 700.000-800.000 yen.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/canh-eo-le-muon-nha-ve-sinh-o-nhat-ban-post1490378.html
Zalo