Cánh cửa tiến vào giải phóng Sài Gòn đã được mở toang thế nào?
Qua tài liệu lưu trữ của đối phương, có thể thấy Mỹ - Thiệu đã đặt rất nhiều hy vọng vào phòng tuyến cố thủ Phan Rang - Xuân Lộc.
Trong cuốn Về đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, từ những tài liệu lưu trữ của đối phương, các tác giả (nhóm biên soạn sách Trung tâm Lưu trữ quốc gia II) đã chia sẻ một phần “bí mật” về động thái của giới cầm quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn sau khi Quân Giải phóng hoàn toàn làm chủ 6 tỉnh Tây Nguyên (25/3/1975) và làm chủ khu vực Trung Trung Bộ (29/3/1975).

Sách Về đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn.
Trước đó, chiến thắng Phước Long (6/1/1975) đã mở ra thời cơ lớn cho Quân Giải phóng tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Tháng 2/1975, Quân Giải phóng mở chiến dịch Tây Nguyên, tiến công giải phóng vùng cao nguyên Quân khu 2 của chính quyền Sài Gòn. Ngày 10/3/1975, chiến dịch mở màn với chiến thắng chớp nhoáng sau 33 giờ tiến công thị xã Buôn Ma Thuột của Quân Giải phóng. Quá “choáng váng”, ngày 14/3/1975, quân đội Sài Gòn rút bỏ Tây Nguyên.
Trong khi chiến dịch Tây Nguyên đang thắng lợi giòn giã, lực lượng vũ trang Quân Giải phóng ở khu vực Trung bộ mở chiến dịch tổng tấn công giải phóng duyên hải miền Trung và hoàn toàn làm chủ khu vực Trung Trung Bộ.
Trước sức mạnh như vũ bão của Quân Giải phóng, trong các ngày 24, 25 và 26/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu hết ban hành công điện khẩn đến nhật lệnh kêu gọi, ra lệnh quân đội Sài Gòn “tử thủ” các tỉnh còn lại, nhưng vẫn không cứu vãn được thế thua.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống G. Ford bàng hoàng trước sự thất thủ mau lẹ của quân đội Sài Gòn, lập tức phái tướng Weyand, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, trực tiếp sang thị sát chiến trường.
Đến Sài Gòn vào tối ngày 25/3/1975, qua ngày 26/3/1975, Wayand lập tức có cuộc gặp với các quan chức cao cấp của Mỹ và giới lãnh đạo chính quyền Sài Gòn. Sáng 26/3/1975, Weyand gặp Nguyễn Văn Thiệu, chiều cùng ngày họp với Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn. Những ngày kế tiếp, Weyand gặp gỡ các tướng lĩnh chỉ huy chiến trường của chính quyền Sài Gòn nhằm trực tiếp nắm tình hình chiến sự.
Ngày 2/4/1975, sau khi hoàn thành thị sát, tướng Weyand tổ chức cuộc họp hỗn hợp Mỹ - chính quyền Thiệu ngay tại Sài Gòn nhằm thống nhất kế hoạch phòng thủ.
Kết thúc cuộc họp, chính quyền Sài Gòn bắt tay ngay vào thiết lập tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh với hai “tử điểm” là Phan Rang và Xuân Lộc.
Cùng ngày, tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger, trong một cuộc họp báo, cũng công bố kế hoạch thiết lập phòng tuyến cố thủ của Mỹ - Thiệu tại miền Nam Việt Nam.
Đến tối ngày 2/4/1975, Cao Văn Viên, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng, ra Nhật lệnh kêu gọi quân đội Sài Gòn cố thủ chiến tuyến.
Ngày 4/4/1975, nhằm củng cố tinh thần binh lính, Nguyễn Văn Thiệu đã lớn tiếng đổ lỗi sự thất thủ triền miên vừa qua là do Mỹ không chịu viện trợ chứ không phải sự yếu kém của quân đội Sài Gòn.
Quân Giải phóng phá tan phòng tuyến Phan Rang
Ngày 6/4/1975, sau thời gian gấp rút chuẩn bị dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Mỹ, phòng tuyến cố thủ Phan Rang của chính quyền Sài Gòn được hình thành với lực lượng gồm:
- Trung đoàn 5 (Sư đoàn 2) và Liên đoàn 31 biệt động quân bố trí dọc hai bên đường số 1 ở Bắc Phan Rang 20 km, lấy đường hẻm Du Long làm trận địa phòng ngự. Tiểu đoàn pháo binh của Liên đoàn biệt động 31 gồm 4 khẩu 155 mm và 8 khẩu 105 mm bố trí phía sau.
- Trung đoàn 4 (Sư đoàn 2) giữ đường 20 phía Nam đèo Ngoạn Mục.
- Lữ đoàn 2 dù (được điều từ Sài Gòn) giữ sân bay Thành Sơn.
- Tiểu đoàn pháo của Lữ dù 2 bố trí trong thị xã.
- Chi đoàn thiết giáp thuộc sư đoàn 2 làm dự bị.
- Bốn tiểu đoàn bảo an của chi khu Ninh Thuận giữ các chốt Suối Đá, Ba Râu, Hội Diên, Cà Đú, Đới Sơn và ngã tư Ga Tháp Chàm.
- Lực lượng còn lại của Sư đoàn 6 không quân gồm hơn 150 máy bay các loại đóng tại sân bay Thành Sơn.
Ngày 8/4/1975, với vị trí là cụm phòng thủ trung tâm trong số ba cụm Tây Ninh - Xuân Lộc - Phan Rang, chính quyền Sài Gòn bố trí tại Xuân Lộc binh lực mạnh nhất có trong tay gồm:
– Sư đoàn bộ binh 18 với ba trung đoàn 43, 48 và 52.
– Lữ đoàn 5 tăng thiết giáp.
– Bốn tiểu đoàn bảo an 340, 342, 343, 367.
– Hai tiểu đoàn pháo binh 181 và 182 với 42 khẩu pháo các loại, trong đó có hai khẩu M107 175 mm.
– Hai liên đoàn dân vệ.
Với việc thành lập cụm phòng thủ, trong đó “Tử điểm” là Phan Rang và Xuân Lộc, cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều dồn hết hy vọng vào đây. Và họ cho đó là tiền đề có thể thay đổi được cục diện chiến trường để đi tới một giải pháp hữu hiệu hơn.

Bộ đội tiến vào giải phóng thị xã Xuân Lộc. Nguồn: VietnamPlus.
Ngày 9/4/1975, đồng thời với việc uy hiếp phòng tuyến Phan Rang, Quân Giải phóng mở chiến dịch tấn công Xuân Lộc. Trong khi chiến trường Xuân Lộc diễn ra giằng co, ngày 14/4/1975, Quân Giải phóng bắt đầu đột phá tuyến phòng thủ Du Long, chính thức mở trận tiến công phá vỡ phòng tuyến Phan Rang.
Chỉ sau hai ngày tiến công, Quân Giải phóng đã phá tan phòng tuyến Phan Rang. 9 giờ 30 phút sáng ngày 16/4/1975, Quân Giải phóng chiếm dinh tỉnh trưởng, bắt Đại tá, Tỉnh trưởng Ninh Thuận; 10 giờ, bắt Trung tướng, Phó tư lệnh Quân đoàn 3, và Chuẩn tướng, chỉ huy Sư đoàn 6 không quân chính quyền Sài Gòn, chính thức đập tan “Lá chắn Phan Rang”, làm tiêu tan mọi hy vọng của Mỹ - Thiệu.
Trong khi đó, ngày 14/4/1975, trước nguy cơ phòng tuyến Phan Rang vỡ, chính quyền Sài Gòn quyết định tổ chức hệ thống cố thủ ngay trong thành phố Sài Gòn. Một mặt, tiếp tục tổ chức đợt hai của chiến dịch Lê Văn Duyệt đánh vào các cơ sở của Quân Giải phóng tại Sài Gòn - Gia Định và vùng phụ cận.
Đồng thời, họ cải tổ Biệt khu thủ đô thành 5 liên khu, mỗi liên khu có một bộ chỉ huy chiến thuật do một đại tá chỉ huy. Bên dưới hình thành hệ thống cố thủ đến tận khóm, ấp với các khóm chiến đấu, khu phố chiến đấu... tạo thành hệ thống cố thủ liên hoàn.
Tại Dinh Độc Lập, dưới áp lực của Mỹ và các phe nhóm đối lập, đồng thời nhằm củng cố thêm tinh thần chiến đấu cho quân đội Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cải tổ nội các. Ngày 15/4/1975, nội các mới do Nguyễn Bá Cẩn làm thủ tướng, được gọi là Nội các chiến đấu chính thức trình diện Tổng thống chính quyền Sài Gòn với lời bảo đảm sẽ sát cánh cùng Thiệu tử thủ tới cùng.
Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường đã khiến các kế hoạch của Mỹ trở nên quá muộn màng. Trước nguy cơ Quân Giải phóng tấn công Sài Gòn ngày một tới gần, ngày 21/4/1975, Tổng thống G. Ford ép Thiệu phải từ chức, nhường ghế cho Trần Văn Hương, hòng hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ vì đó mà chấp nhận những yêu cầu đòi viện trợ quân sự cho chế độ Sài Gòn.
Trước giờ Thiệu đọc diễn văn từ chức, Quân Giải phóng đã chọc thủng “Cánh cửa thép Xuân Lộc” để tiến vào Sài Gòn. Ngày 23/4/1975, quá thất vọng với diễn tiến của chiến trường, Tổng thống Gerald Ford tuyên bố: Chiến tranh Việt Nam được coi như chấm dứt đối với Mỹ và chuẩn bị kế hoạch di tản khỏi Sài Gòn.