Cảnh báo ứng dụng hoàn tiền kiểu đa cấp

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử thực hiện 'tiêu dùng hoàn tiền' hay 'mua sắm hoàn tiền'. Theo đó, người tiêu dùng được hoàn lại từ 80% đến 100% khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác bởi các cơ quan chức năng đã cảnh báo, một số trang thương mại điện tử, ứng dụng hoàn tiền có dấu hiệu biến tướng theo kiểu bán hàng đa cấp, không rõ ràng và minh bạch về mô hình hoạt động.

Người tiêu dùng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ khi tham gia ứng dụng mua sắm hoàn tiền để tránh rủi ro.

Tinh vi dụ dỗ khách hàng

Theo quảng cáo trên một số website, ứng dụng MyAladdinz mang lại lợi ích lớn cho cả người mua và người bán. Người mua được hoàn tiền đến 80% giá trị đơn hàng; người bán thu hút giữ chân khách hàng và gia tăng lợi nhuận… Hàng hóa trong cộng đồng MyAladdinz rất đa dạng, từ đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm đến ô tô, nhà đất đều có thể được hoàn tiền. Nhiều người đã cài đặt ứng dụng MyAladdinz vì tin rằng với mức hoàn tiền lên đến 80% giá trị hàng hóa thì chỉ phải trả 20% chi phí là có thể “rinh” món đồ muốn mua. Tuy nhiên, khi cài đặt ứng dụng và mua hàng, người mua mới vỡ lẽ, họ vẫn phải trả toàn bộ 100% tiền, việc hoàn tiền chỉ thể hiện ở tích điểm trên ứng dụng.

Chị Trương Thị Thanh Mai (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa), người sử dụng ứng dụng MyAladdinz cho biết: "Tôi phải nạp tiền thật vào tài khoản để đổi sang một loại tiền ảo tiêu dùng trong hệ thống được gọi là Gem, 1 USD đổi được 1 Gem. Sau khi thanh toán 100% đơn hàng, tôi sẽ được hoàn 80% vào tích điểm, gọi là Poin. Poin và Gem có thể đổi sang nhau theo tỷ lệ quy định được gọi là tăng thêm “tài sản”. Nhưng khi tôi muốn đổi từ Gem sang tiền thật thì không được. Ứng dụng này còn thể hiện kinh doanh đa cấp ở việc người giới thiệu sẽ được trả phần trăm hoa hồng trên tổng chi tiêu hoặc tổng doanh thu của hệ thống cấp dưới".

Tương tự, một ứng dụng khác vừa mới ra đời với tên gọi “IBG - sống và tiêu dùng thông minh 4.0” cũng quảng cáo hoàn 80% giá trị sản phẩm. Người tiêu dùng có thể trao đổi mua bán IBG (loại tiền trong hệ thống này), đầu tư tài sản với giá trị nhân 5 lần và cũng được nhận hoa hồng khi phát triển hệ thống cấp dưới.

Theo Phó Trưởng phòng Điều tra xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương) Lê Thanh Sơn, những ứng dụng thương mại điện tử quảng cáo “giá trị hoàn tiền 80%” hay “giá trị tích lũy 80%” đều hướng người tham gia hiểu nhầm chỉ cần bỏ ra 20% số tiền là có thể sở hữu được sản phẩm, dịch vụ. Nhưng thực tế việc hoàn tiền với giá trị phần trăm cao như vậy chỉ ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì theo tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, không có ý nghĩa hoàn tiền như quảng cáo. Đây là một thủ đoạn tinh vi đưa thông tin sai lệch nhằm thu hút, dụ dỗ người đăng ký sử dụng.

Cần tỉnh táo trước những chiêu trò

Các cơ quan chức năng cảnh báo ứng dụng hoàn tiền có dấu hiệu biến tướng theo kiểu bán hàng đa cấp, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác.

Trước các hình thức biến tướng kinh doanh đa cấp của các dự án đầu tư tài chính, thương mại điện tử, tiền ảo… ông Lê Thanh Sơn cho biết: Việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng hoàn tiền liên quan đến một số loại tiền ảo chỉ có giá trị nội bộ, không được pháp luật Việt Nam công nhận. Để hạn chế rủi ro tài chính và pháp lý, người dân không nên tham gia đầu tư, mua bán qua những website và ứng dụng thương mại điện tử này.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, mô hình kinh doanh đa cấp trên các website, ứng dụng điện tử rất phức tạp, người tiêu dùng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ, nghe khuyến cáo từ cơ quan chức năng để tránh thua thiệt, rủi ro. Thực tế, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào. Người tham gia đầu tư không được cấp giấy chứng nhận hay xác nhận theo quy định pháp luật nên khi khiếu nại sẽ hoàn toàn gặp bất lợi.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, Điều 217a Bộ luật Hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, có thể bị xử lý hình sự với mức phạt từ 5 tỷ đồng đến 5 năm tù giam… Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự; phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự. Để tránh bị thiệt hại, mọi người cần cẩn trọng trước những lời mời chào đầu tư, mua bán dễ sinh lời.

Hiện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang đẩy mạnh công tác cảnh báo, tuyên truyền về những hành vi bán hàng đa cấp trái phép, huy động tài chính, tiền ảo để người dân nhận thức được những rủi ro khi tham gia. Bên cạnh đó, với các trường hợp có đầy đủ thông tin chứng cứ, Cục sẽ chuyển tới cơ quan công an điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/977660/canh-bao-ung-dung-hoan-tien-kieu-da-cap
Zalo