Cảnh báo từ thực tế: Che dàn nóng điều hòa, việc làm tưởng tốt hóa ra phản tác dụng

Trong nỗ lực bảo vệ thiết bị, nhiều người đang vô tình làm hại điều hòa mà không hay biết. Việc che chắn dàn nóng tưởng như cần thiết lại có thể khiến thiết bị hoạt động kém hiệu quả, nhanh hỏng hơn.

Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, điều hòa trở thành “cứu tinh” của các hộ gia đình. Thiết bị này gồm hai phần chính: dàn lạnh đặt trong nhà và dàn nóng lắp ngoài trời. Dàn lạnh chịu trách nhiệm làm mát, còn dàn nóng thường xuyên phơi nắng, dầm mưa đảm nhận vai trò giải nhiệt cho hệ thống.

Nhiều người, vì lo sợ dàn nóng bị hư hỏng theo thời gian, đã tự ý lắp mái che, phủ tấm chắn bụi với mong muốn kéo dài tuổi thọ thiết bị. Tuy nhiên, hành động tưởng như cẩn trọng này lại đang bị các chuyên gia cảnh báo là phản khoa học.

Dàn nóng điều hòa hoạt động với cơ chế tản nhiệt. Khi bị che phủ, khả năng trao đổi nhiệt bị cản trở khiến nhiệt tích tụ, làm giảm hiệu quả làm mát, thậm chí gây quá tải cho máy nén – “trái tim” của thiết bị.

“Ban đầu tôi nghĩ mình đang giúp máy điều hòa bền hơn. Ai ngờ lại khiến nó mát yếu, tiêu tốn điện và có dấu hiệu xuống cấp sớm,” một chủ nhà chia sẻ sau khi tháo bỏ lớp che bụi và nhận thấy thiết bị hoạt động trơn tru hơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một số người lo ngại rằng để dàn nóng “trần trụi” giữa nắng mưa sẽ khiến máy nhanh hỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia kỹ thuật khẳng định điều này đã được tính toán từ khâu thiết kế.

Dàn nóng điều hòa hiện đại thường được chế tạo từ hợp kim nhôm chống ăn mòn, có trọng lượng nhẹ và độ bền cao. Thiết bị cũng được thiết kế chống thấm nước – kể cả mưa lớn cũng khó ảnh hưởng đến linh kiện bên trong.

Ngoài ra, khi dàn nóng hoạt động, quạt tản nhiệt cũng đóng vai trò đẩy nước và bụi bẩn ra ngoài, giúp máy luôn sạch sẽ, thông thoáng.

Những lưu ý không thể bỏ qua khi lắp đặt dàn nóng

Dù không cần che chắn, người dùng vẫn cần lưu ý một số điểm quan trọng:

Kiểm tra chất lượng giá đỡ: Nếu không có vị trí cố định, dàn nóng cần được treo bằng giá đỡ chắc chắn, được bắt vít chặt vào tường. Chất lượng giá đỡ kém có thể dẫn đến rỉ sét, hỏng hóc hoặc rơi thiết bị – tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng.

Thay thế giá đỡ sau 6 năm: Giá đỡ có tuổi thọ trung bình từ 5–6 năm. Sau thời gian này, cần thường xuyên kiểm tra, nếu có dấu hiệu gỉ sét, lỏng lẻo thì nên thay mới để đảm bảo an toàn.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/canh-bao-tu-thuc-te-che-dan-nong-dieu-hoa-viec-lam-tuong-tot-hoa-ra-phan-tac-dung/20250525102858897
Zalo