Cảnh báo trẻ vị thành niên tự tử do mâu thuẫn nhỏ

Chỉ vì bị cha mẹ la mắng, bị điểm kém, mâu thuẫn với bạn bè, chia tay người yêu hay do áp lực về điểm số…, nhiều trẻ vị thành niên đã tìm cách chấm dứt cuộc đời mình.

Cha mẹ lo lắng, túc trực bên giường bệnh của con tại bệnh viện sau khi con uống thuốc tự tử. Ảnh:H.Dung

Cha mẹ lo lắng, túc trực bên giường bệnh của con tại bệnh viện sau khi con uống thuốc tự tử. Ảnh:H.Dung

Đây là điều rất đáng lo ngại, vì ở lứa tuổi này các em chưa phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức. Một suy nghĩ hay hành động bồng bột cũng có thể phải trả giá rất đắt, đó là mạng sống của chính các em và nỗi đau của những người ở lại.

Mỗi năm tiếp nhận khoảng 10 ca bệnh tự tử

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã kịp thời cấp cứu cho một nữ bệnh nhân bị ngộ độc thuốc paracetamol.

Bệnh nhân tên B.N. (13 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) nhập viện lúc nửa đêm trong tình trạng đau bụng nhiều. Qua khai thác bệnh sử từ người nhà bệnh nhân được biết, khoảng 2,5 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đã uống cùng lúc 12 viên thuốc paracetamol (loại thuốc được dùng để điều trị giảm đau, hạ sốt). Nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột này là B.N. bị cha la mắng vì đi chơi về muộn mà không xin phép.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ tự tử gồm: trẻ thường xuyên than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng; để lại những lời nhắn nhủ, lời chào vĩnh biệt với bạn bè, mọi người qua mạng xã hội, thư, nhật ký. Có ý định cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự tử như: thuốc ngủ, dây, dao sắc nhọn…

Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang cho biết, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi nên không cần kê đơn. Vì vậy, không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ chỉ cần ra tiệm thuốc, nói bán cho thuốc paracetamol là được nhân viên tiệm thuốc bán ngay. Trường hợp B.N. uống cùng lúc nhiều viên thuốc giảm đau với mục đích tự tử không phải ngoại lệ. Bởi theo ghi nhận tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, mỗi năm khoa tiếp nhận và cấp cứu, điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân tự tử.

“Độ tuổi của những trẻ tự tử dao động từ 11-15. Có những trẻ tự tử bằng thuốc giảm đau, có trẻ lấy thuốc điều trị trầm cảm của người thân trong gia đình để uống quá liều, có những trẻ tự tử bằng cách dùng dao lam cứa cổ tay, có em cổ tay chi chít vết rạch” - bác sĩ Trang nói.

Không được may mắn như bệnh nhân B.N., vào tháng 10-2022 và tháng 4-2024, trên địa bàn Đồng Nai đã ghi nhận 2 trường hợp trẻ vị thành niên rơi từ tầng cao xuống đất tử vong.

Cần quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần

TS-BS Bùi Tiến Dũng, Phòng Đào tạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, chia sẻ ở tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Những áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.

Theo bác sĩ Dũng, không ít phụ huynh bắt con trẻ phải tuyệt đối nghe lời, đặt quá nhiều kỳ vọng ở trẻ. Nếu trẻ không đạt được mục tiêu đề ra, cha mẹ sẽ la mắng, chì chiết khiến trẻ uất ức, tủi thân, xấu hổ, lạc lõng. Những dồn nén trong con trẻ nếu không được giãi bày, chia sẻ và giải quyết sẽ tích tụ và có thể dẫn đến những hành động dại dột.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ. Cha mẹ hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai, những mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến. Hãy cố gắng để làm bạn với con, đồng hành, chia sẻ với con mỗi khi con gặp khó khăn trong học tập cũng như các mối quan hệ xã hội.

Ngoài yếu tố gia đình thì nhà trường cũng cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên. Cần hạn chế tối đa việc bắt nạt học đường.

Cô Đinh Anh Ngọc, giáo viên Trường trung học cơ sở Hòa Hưng (thành phố Biên Hòa), cho biết nhiều trường học hiện đã có giáo viên tư vấn tâm lý. Nếu học sinh có vấn đề gì có thể gặp giáo viên để được tư vấn, nội dung hoàn toàn bảo mật. Thông qua chia sẻ của học sinh, giáo viên sẽ đánh giá được mức độ cũng như tình cảm, tâm tư của học sinh. Qua đó chia sẻ, giúp các em giải quyết vấn đề. Trường hợp có những học sinh có vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe tâm thần, nhà trường sẽ liên hệ để phụ huynh đưa các em đi khám bác sĩ chuyên khoa về tâm thần.

Bác sĩ Kiều Trang cho hay, bên cạnh những yếu tố gia đình, bạn bè, trường lớp, nhiều trẻ vị thành niên đang bị mạng xã hội chi phối khá nhiều. Sự phát triển mạnh mẽ của internet giúp các em làm quen với người lạ nhanh hơn, dễ dàng hơn, phi khoảng cách, giới tính, độ tuổi. Do đó, cha mẹ, thầy cô cần chú ý hơn nữa việc sử dụng điện thoại, mạng xã hội của học sinh, cần có biện pháp để hạn chế việc sử dụng điện thoại để chơi game, tương tác trên mạng xã hội một cách vô bổ, tránh những mâu thuẫn không đáng có trên mạng xã hội cũng như những lôi kéo không tốt của những người mà trẻ làm quen qua mạng.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/canh-bao-tre-vi-thanh-nien-tu-tu-do-mau-thuan-nho-6e57fc3/
Zalo