Cảnh báo tổn thương 'hậu COVID' kéo dài ở trẻ em, thanh thiếu niên

Chỉ trong 5 tháng gần đây, hàng chục nghìn trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra đại dịch COVID-19.

Trẻ em mắc COVID-19 đang tăng nhanh hơn nhiều so với đầu đại dịch

COVID-19 đang "trẻ hóa"

Càng ngày chúng ta càng nhận ra rằng, SARS-CoV-2 sẽ gắn liền với thế giới của con người, và nhân loại phải sống chung với nó trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.

Hàng chục nghìn trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra COVID-19, trong 5 tháng gần đây (từ 27/4/2021 đến 15/9/2021). Và trong 3 năm tới, trên thế giới, có lẽ COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh của người trẻ (đặc biệt là trẻ em). Nguyên do là nhiều quốc gia đã tiêm phòng cho người lớn tuổi trước, và hiện đang đạt mức độ tiêm phòng cao nhất ở nhóm dân số trưởng thành. May mắn thay, cho đến hiện tại, trẻ em và thanh thiếu niên ít có khả năng mắc bệnh nặng hơn so với người lớn.

Tuy nhiên, ngay cả khi trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, trẻ vẫn có thể tồn tại một số tổn thương khác sau khi khỏi bệnh – được coi là "COVID kéo dài", "hậu COVID". Với nguy cơ tăng cao số trẻ em mắc COVID-19 trong tương lai, việc tìm hiểu gánh nặng bệnh tật ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng trở nên cấp thiết.

Số trẻ em mắc COVID-19 đang tăng nhanh tại Mỹ. Nguồn hình ảnh: CDC

Hậu Covid-19, trẻ em có thể gặp các vấn đề gì?

Các vấn đề về hô hấp

:

Đau ngực, ho kéo dài, khó thở hơn khi tập thể dục.

COVID-19 thường gây bệnh tại phổi, nên các triệu chứng hô hấp kéo dài không phải là hiếm. Một số triệu chứng này có thể kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các triệu chứng kéo dài có thể cần đo chức năng hô hấp.

Các vấn đề về tim mạch:

viêm cơ tim

Theo một nghiên cứu mới đây, nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim ở trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc COVID-19 cao hơn 37 lần so với những trẻ chưa bị nhiễm vi rút. Các triệu chứng của viêm cơ tim: đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều, mệt mỏi. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc COVID-19, với các triệu chứng ở mức độ trung bình hoặc nặng, trong vòng 6 tháng qua, cần được thăm khám toàn diện, bao gồm cả kiểm tra tim trước khi trở lại trường học hoặc tham gia các hoạt động thể thao.

Các vấn đề về khứu giác và vị giác:

Cứ 4 trẻ em và thanh thiếu niếu (từ 10 đến 18 tuổi) thì có 1 người bị thay đổi khứu giác và vị giác sau khi mắc COVID-19. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen ăn uống, đến khả năng nhận ra mùi/vị nguy hiểm. Các triệu chứng này thường biến mất sau vài tuần. Khi nó kéo dài hơn, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để phục hồi lại các giác quan này tránh nguy cơ suy dinh dưỡng.

Trong khi vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em còn đang gây tranh cãi, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ bản thân.

Số ca mắc COVID-19 đang trẻ hóa và tổn thương "COVID kéo dài" cần được các bác sĩ chú ý khi thăm khám bệnh nhân.

BS. Lê Anh Tú

Các vấn đề về hệ thần kinh

:

Bệnh COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, và trong một số trường hợp hiếm hoi có thể dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não-màng não. Trẻ em đã bị mắc COVID-19 có thể bị rối loạn về sự chú ý, lời nói, học tập ở trường, tâm trạng. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa.

Mệt mỏi về tinh thần

:

Đó là hiện tượng"sương mù não" (brain fog), suy nghĩ/tập trung/trí nhớ "mờ nhạt"

Đây là các triệu chứng thường xuyên ở những người trưởng thành mắc COVID-19. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể có các triệu chứng tương tự. Trẻ em có thể đãng trí hơn hoặc khó tập trung hơn. Trẻ trên 6 tuổi có thể đọc chậm hơn, cần lặp lại nhiều lần hơn trong khi học. Hãy đảm bảo rằng trẻ ngủ đủ giấc và giúp trẻ kiểm soát căng thẳng, điều này sẽ khiến các triệu chứng trên dần biến mất. Nếu tình trạng mệt mỏi tinh thần sau COVID không cải thiện, hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa.

Mệt mỏi thể chất

:

Sau nhiễm SARS-CoV-2, trẻ em và thanh thiếu niên dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi họ không có các triệu chứng tim hoặc phổi do vi rút. Điều này thường cải thiện theo thời gian. Cha mẹ nên cho trẻ hoạt động thể chất theo các bài tập tăng dần.

Nhức đầu

:

Là triệu chứng phổ biến trong và sau nhiễm SARS-CoV-2. Cho trẻ ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, dinh dưỡng đầy đủ và kiểm soát căng thẳng có thể hữu ích.

Sức khỏe tâm thần:

Các triệu chứng bên trong (lo lắng và trầm cảm), các triệu chứng bên ngoài (hành vi gây rối và chống đối), và các triệu chứng thể chất liên quan đến căng thẳng (như đau đầu, đau bụng).

Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em

(MIS-C):

Là một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra từ 2 đến 4 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa nếu con của bạn xuất hiện sốt chưa rõ nguyên nhân (sau khi đã khỏi COVID-19). MIS-C có thể diễn biến nặng lên rất nhanh, trẻ em mắc hội chứng này nên được chăm sóc và điều trị tại đơn vị có đủ điều kiện hồi sức/tim mạch Nhi.

Tần suất báo cáo các tình trạng "hậu COVID-19" rất khác nhau trong các tài liệu y tế:

Một nghiên cứu cho thấy có tới 52% thanh niên từ 16 đến 30 tuổi có thể gặp các triệu chứng còn lại sau 6 tháng.

Một nghiên cứu trên 129 trẻ em ở Ý cho thấy 42,6% trẻ em gặp ít nhất một triệu chứng > 60 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Văn phòng thống kê quốc gia - Vương quốc Anh ước tính rằng 12,9% trẻ em từ 2 đến 11 tuổi và 14,5% trẻ em từ 12 đến 16 tuổi vẫn gặp các triệu chứng 5 tuần sau khi nhiễm bệnh.

Xem thêm video được quan tâm:

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//canh-bao-ton-thuong-hau-covid-keo-dai-o-tre-em-thanh-thieu-nien-169210921184333399.htm
Zalo