Cảnh báo tình trạng tự chế pháo nổ, gây thương tích ở trẻ em

Thời điểm gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa liên tục ghi nhận các ca xử lý y tế cho trẻ từ 9 - 14 tuổi bị đa tổn thương do tự chế và sử dụng pháo tự chế.

Vết thương nặng ở bàn tay một bệnh nhi do sử dụng pháo tự chế gây nổ. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Vết thương nặng ở bàn tay một bệnh nhi do sử dụng pháo tự chế gây nổ. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Sáng 6/1, bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Đình Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận thêm một trường hợp vào điều trị do pháo nổ. Bệnh nhi N.N.P (12 tuổi, trú xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vào viện tối 5/1 trong tình trạng có nhiều vết thương phức tạp, hai bàn chân bị thương nặng, trên mặt và tay có nhiều vết xây xát...

Trước đó, em B.G.H (10 tuổi, trú phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh) vào viện chiều 1/1 trong tình trạng có nhiều vết thương phức tạp, bàn tay trái mất xương ngón tay, mắt trái có vết thương, sưng bầm tụ máu, xây xát nhiều nơi ở vùng mặt… Các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng đã mổ cấp cứu cắt lọc, khâu mỏm cụt, khâu vết thương... Hiện, bệnh nhi đang được kiểm tra, theo dõi vùng mắt trái và bàn tay. Mẹ bệnh nhi cho biết, bệnh nhi tự mua thuốc nổ về nhà để chế pháo và gây nổ.

Cuối năm 2024, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cũng tiếp nhận em N.V.V (14 tuổi, trú xã Ninh Hòa) nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng ở tay, chân, mặt, tổn thương vùng tai trái, thủng màng nhĩ trái cũng do tự chế pháo và gây nổ. Trong quá trình điều trị cho ca bệnh trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp các khoa cùng hội chẩn xử lý nhiều thương tích. Bệnh nhân đã được xuất viện. Tuy nhiên theo các bác sĩ điều trị, khả năng bệnh nhân bị di chứng sau vụ nổ ở màng nhĩ tai là rất cao.

Bác sĩ Bùi Minh Thịnh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, 5 bệnh nhi nhập viện đa tổn thương gần đây đều hợp tác khai báo lịch sử bệnh và phối hợp tích cực với các bác sĩ để điều trị. Hầu hết bệnh nhi đều khai báo nguyên nhân bị thương từ việc tò mò tự tìm kiếm các vật liệu nổ trên mạng hoặc qua giới thiệu của bạn bè để mua; sau đó làm theo cách hướng dẫn chế tạo pháo từ nguồn internet. Hậu quả là các vụ nổ pháo tự chế dẫn đến thương tích cho các em.

Các bác sĩ khuyến cáo, do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, nạn nhân dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... có thể dẫn đến suy hô hấp. Vết bỏng nặng có thể lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương và các chức năng khác của cơ thể. Thậm chí, nếu vụ nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân... Do đó, khi xảy ra sự việc, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng chuyển các em đến cơ sở y tế gần nhất để được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị đúng cách, tránh nhiễm trùng và các biến chứng, thương tật phát sinh về sau.

Các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác và quản lý chặt trẻ tại nhà, tránh các tai nạn thương tích khác thường xảy ra dịp Tết như: điện giật, ngộ độc thực phẩm, các loại dị vật đường thở, bỏng lửa, nước sôi... Theo thống kê của Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ trẻ bị tai nạn thương tích ở các loại hình trên vào dịp Tết tăng 30% so với ngày thường.

Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/canh-bao-tinh-trang-tu-che-phao-no-gay-thuong-tich-o-tre-em-20250106123822537.htm
Zalo